Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1755/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án ''Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông." Công nghệ thông tin và truyền thông là động lực quan trọng góp phần bảo đảm tăng trưởng và phát triển bền vững của đất nước, nâng cao tính minh bạch trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Mục tiêu tổng quát của đề án là phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đạt tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng công nghiệp công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ phần mềm, nội dung số và dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP và xuất khẩu; thiết lập hạ tầng viễn thông băng rộng trên phạm vi cả nước; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh.
Công nghệ thông tin và truyền thông là động lực quan trọng góp phần bảo đảm tăng trưởng và phát triển bền vững của đất nước, nâng cao tính minh bạch trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu hằng năm đạt từ 2-3 lần tốc độ tăng trưởng GDP trở lên. Đến năm 2020, tỷ trọng công nghệ thông tin và truyền thông đóng góp vào GDP đạt từ 8-10%.
Đến năm 2020, 80% sinh viên công nghệ thông tin và truyền thông tốt nghiệp ở các trường đại học đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để tham gia thị trường lao động quốc tế.
Tổng số nhân lực tham gia hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin đạt 1 triệu người, trong đó bao gồm nhân lực hoạt động trong nước và nhân lực tham gia xuất khẩu. Tỷ lệ người sử dụng Internet đạt trên 70%.
Hình thành được các tổ chức nghiên cứu và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông mạnh, đặc biệt là các tổ chức nghiên cứu và phát triển công nghệ của doanh nghiệp, đủ năng lực nghiên cứu phát triển sản phẩm mới có công nghệ cao.
Công nghiệp phần mềm và dịch vụ gia công của Việt Nam phát triển mạnh mẽ, Việt Nam nằm trong số 10 nước dẫn đầu về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số.
Đến năm 2020, phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 95% dân cư; Việt Nam nằm trong số 55 nước trong bảng xếp hạng của Liên minh Viễn thông quốc tế (thuộc nhóm 1/3 nước dẫn đầu)...
Hầu hết các hộ gia đình trên cả nước sử dụng các dịch vụ số; 50-60% hộ gia đình trên cả nước có máy tính và truy cập Internet băng rộng, trong đó có 25-30% truy cập băng rộng sử dụng cáp quang; hầu hết các hộ gia đình có máy thu hình xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau. Cũng đến năm 2020, Chính phủ điện tử Việt Nam thuộc loại khá trên thế giới...
Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nêu 6 nhiệm vụ và 6 giải pháp thực hiện, trong đó có các giải pháp tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức; tích cực xã hội hóa đầu tư cho công nghệ thông tin và truyền thông; đầu tư đột phá có trọng tâm, trọng điểm.
Theo TTXVN