Truyền thông Đức đia tin nước này đã ban hành lệnh bắt giữ toàn châu Âu đối với một huấn luyện viên lặn người Ukraine kèm cáo buộc liên quan đến vụ phá hoại đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) vận chuyển khí đốt của Nga qua Biển Baltic vào tháng 9/2022.
Vị trí rò rỉ trên đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) dưới biển Baltic ngày 28/9/2022.
Các nhà điều tra Đức cho rằng huấn luyện viên lặn người Ukraine là Volodymyr Z là thành viên của một nhóm đã đặt thiết bị nổ trên Nord Stream vốn dẫn khí đốt tự nhiên từ Nga đến Đức.
Truyền thông Đức ngày 14/8 dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết gần đây nhất, Volodymyr Z sống ở Ba Lan. Văn phòng công tố Ba Lan cùng ngày 14/8 xác nhận rằng họ đã nhận được lệnh bắt giữ công dân Ukraine nói trên.
Họ cho biết nhận được lệnh bắt giữ vào tháng 6, nhưng nghi phạm đã rời đi Ukraine vào tháng trước. Văn phòng công tố Ba Lan đã không ngăn cản được nghi phạm xuất cảnh vì thông tin liên quan chưa được chuyển đến lực lượng biên phòng của nước này.
Cuộc điều tra của Đức xác định có thêm 2 nhân vật liên quan đến vụ việc tháng 9/2022 là một nam giới và một người phụ nữ cũng là huấn luyện viên lặn người Ukraine. Tuy nhiên, theo truyền thông Đức, hiện tại vẫn chưa có lệnh bắt giữ nào đối với họ.
Phóng viên Dominic Kane của Al Jazeera thường trú tại Berlin đánh giá: “Chính phủ Đức hiện tại cho biết những diễn biến này sẽ không ảnh hưởng gì đến mối quan hệ của họ với Ukraine. Nhưng rõ ràng đây là một vấn đề rất nghiêm trọng".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng nhiều lần phủ nhận Kiev đứng sau vụ phá hoại vốn làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga sang Liên minh châu Âu (EU), gây ảnh hưởng nặng nề đến doanh thu năng lượng của Moskva.
Nga và phương Tây cáo buộc lẫn nhau đứng sau vụ nổ Nord Stream. Chính quyền ở một số quốc gia đã tham gia điều tra vụ việc, nhưng Đan Mạch và Thụy Điển quyết định dừng điều tra mà không đưa ra bất kỳ kết luận nào.
Vào tháng 3/2023, tờ New York Times đưa tin rằng các quan chức Mỹ nắm được thông tin tình báo cho biết một "nhóm ủng hộ Ukraine" chịu trách nhiệm thực hiện vụ tấn công Nord Stream mà không có sự đồng ý của Tổng thống Zelensky.
Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, tập đoàn khí đốt Nga Gazprom bắt đầu nghiên cứu để xây dựng đường ống dẫn khí xuất khẩu qua Biển Baltic đến Trung Âu không đi qua Ukraine, Belarus, Ba Lan và các nước Đông Âu, Baltic khác.
Năm 2000, Ủy ban châu Âu phê duyệt thiết kế sơ bộ của đường ống Nord Stream. Nó được kỳ vọng là một mạng lưới xuyên châu Âu nhằm đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng không bị gián đoạn cho Lục địa già. Đường ống Nord Stream được xây dựng từ năm 2010-2012, nối từ bờ biển gần Vyborg (Leningrad, Nga) đến thành phố Lubmin (Đức). Từ Đức, khí đốt được vận chuyển đến Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Pháp và nhiều quốc gia khác.
Công suất thiết kế của Nord Stream là 55 tỷ mét khối khí mỗi năm. Tổng cộng, Nord Stream chiếm 32% tổng khối lượng giao hàng xuất khẩu của Gazprom sang các nước ngoài Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS).
Theo TTXVN