Sau vụ việc một em nhỏ bị rơi xuống trụ bê tông công trình ở Đồng Tháp, mặc dù được các cơ quan chức năng chạy đua với thời gian nhưng phép màu không tới với em, đến lúc này nhiều người giật mình vì sự an toàn ở những công trình xây dựng. Nói không quá rằng ở một số công trình, do sự bất cẩn, cẩu thả của đơn vị thi công, những “cái bẫy” lộ thiên là nguồn nguy hiểm cao độ, có thể biến bất cứ ai trở thành nạn nhân của nó.
Thời gian qua không ít vụ việc thương vong xảy ra ở các công trình xây dựng, công trình giao thông. Nguyên nhân là ở những nơi này không có biển cảnh báo, không có rào chắn hoặc bảo vệ công trình nhằm nhắc nhở người lạ. Trong khi đó trẻ em nhỏ thường hiếu động, ít lường trước được những mối nguy hiểm mà mình đối mặt.
Tại hội thảo về thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tai nạn, thương tích trẻ em là vấn đề mang tính toàn cầu. Mỗi năm, trên thế giới có hơn 465.300 trẻ em từ 0-15 tuổi bị tử vong do tai nạn thương tích, tương đương 1.275 trẻ em/ngày bị tử vong do tai nạn thương tích. Ngoài ra, hàng chục triệu trẻ em khác bị chấn thương phải điều trị tại bệnh viện và thường để lại hậu quả lâu dài về sức khỏe, tâm lý, thậm chí là khuyết tật suốt đời.
Tại Việt Nam, 5 năm qua (2016-2021), tình hình trẻ em mắc và tử vong do tai nạn thương tích đều giảm. Tỷ lệ tử vong do tai nạn, thương tích tại Việt Nam tương đương các nước thu nhập trung bình và trong khu vực, nhưng vẫn cao gấp 3 lần so với các nước thu nhập cao. Nguyên nhân tử vong hàng đầu là do đuối nước và tai nạn giao thông. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020. Qua 5 năm triển khai thực hiện, chương trình đã tạo được sự chuyển biến tích cực. Ngày 19-7-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1248/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030.
Các giải pháp của chương trình tập trung vào tăng cường công tác thông tin tuyên truyền giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho các cấp, các ngành và toàn thể xã hội. Hướng dẫn, tư vấn, giáo dục cho trẻ em các kiến thức, kỹ năng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Nâng cao năng lực về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho đội ngũ làm công tác trẻ em của các cấp, các ngành, đoàn thể…
Những chính sách thể hiện sự quan tâm cũng như trang bị kỹ năng cho trẻ em tự bảo vệ mình trước các mối nguy hiểm đã có. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn sự bất cẩn của người lớn mà để lại nỗi đau cho trẻ em. Ngày tết đang đến gần, các em sẽ có kỳ nghỉ dài ngày với nhiều trải nghiệm thú vị. Để những ngày nghỉ được an toàn, vui tươi, mọi người hãy dành thời gian để mắt đến các em nhằm tránh xảy ra các sự cố đáng tiếc…
L.T.PHƯƠNG