Đừng nóng vội
Trong khi cả cộng đồng xã hội cùng chung tay xây dựng văn minh đô thị, thì đây đó vẫn còn một bộ phận công dân trẻ hành xử thiếu văn hóa... Tôi đã từng chứng kiến nhiều trường hợp như thế ở nơi công cộng, 3 câu chuyện dưới đây là những dẫn chứng cụ thể.
Đôi bạn trẻ tay đẩy xe chứa hàng từ trong siêu thị bước ra. Sau khi xách đồ đạc lỉnh kỉnh lên xe về, người bạn trai nói với cô gái: “Thôi để đại xe đẩy đó đi!”. Cô bạn gái bảo: “Ai cũng giống như anh thì xe đẩy để lung tung cản trở qua lại và không đẹp mặt siêu thị. Để em đẩy nó lại đúng chỗ”. Nói xong, cô gái liền đẩy xe để hàng nối tiếp với hàng xe đẩy một cách ngay ngắn.
Tại một ngã tư, tín hiệu đèn giao thông bật đỏ. Mọi người đều hướng mắt nhìn đôi vợ chồng trẻ có một bé trai khoảng 2 tuổi. Nguyên nhân do người chồng quát mắng người vợ vì “cái tội” không trông chừng con để nó té. Người vợ có vẻ muốn nói điều gì đó với chồng nhưng thôi, vì đang ở ngoài đường phố đông người.
Tôi cũng đã gặp một tình huống tương tự như đôi vợ chồng trên trong một lần xem phim ở rạp. Phim kết thúc, mọi người bước ra không thứ tự. Người vợ dẫn đứa bé gái 3 tuổi, cô bé vui cười hớn hở, thích thú khi cùng mẹ bước xuống bậc thang. Ngược lại, người chồng không đồng ý việc bé gái đi chậm thì người đi sau sẽ không thoải mái bước xuống. Người chồng liền bế xốc đứa con lên vai. Bé gái không chịu, liền bị ba nó đánh vào mông, khóc tóe lên, trong khi mọi người vẫn chậm rãi bước xuống bậc thang.
Trong 3 tình huống trên đều thể hiện cách ứng xử thiếu văn hóa do nóng vội. Suy nghĩ cứ để xe đẩy của siêu thị bừa bãi đã vô tình làm “mất điểm” người bạn trai trong mắt cô gái. Riêng cách xử sự của hai người chồng thì không đúng mực ở nơi công cộng. Thay gì nói nhỏ hoặc về nhà thì người chồng lại lớn tiếng giữa chốn đông người khiến người vợ tủi hổ. Buồn hơn là nụ cười, sự hồn nhiên của trẻ thơ bỗng dưng bị ngắt ngang bởi sự hành xử không đúng lúc, đúng chỗ của người cha…
N.Ý