Hãy nở nụ cười. Hãy nói lời cảm ơn, xin lỗi. Hãy cúi xuống nhặt mẩu rác chợt nhìn thấy. Hãy chú ý ăn mặc, đừng chen lấn, xô đẩy, cố lách, cố vượt lên ở chỗ đông người... Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có lời kêu gọi mỗi người Việt Nam có những cử chỉ, việc làm thiết thực như là cách thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và trách nhiệm cả với cha anh đi trước, cả với thế hệ tương lai.
Chen lấn là đặc tính cố hữu của đám đông người Việt
Thôi thì câu chuyện vì những lợi lộc của riêng mình mà bất chấp đạo đức kinh doanh, đạo đức sống, gây hại cho người khác, mang tiếng xấu… là chuyện “đương nhiên người lớn”.
Nhưng còn chuyện mỉm cười. Bài học về lời cảm ơn, xin lỗi. Còn chuyện xếp hàng? Phải nói đến những điều tưởng chỉ là kiến thức sống, văn hóa tối thiểu hay bài học đầu đời dành cho học sinh lớp 1 âu cũng là một sự bất đắc dĩ.
Phó Thủ tướng đã nói đúng: Những việc làm tử tế, những điều tưởng chừng là bình dị, nhỏ nhặt ấy thực ra rất quan trọng, rất ý nghĩa không chỉ với ngành du lịch mà còn với nền văn hóa và con người Việt Nam.
Và việc nhắc tới những “bài học lớp 1” ấy thật ra không hề là thừa trong một xã hội mà giờ đây, trong không ít trường hợp những người “đứng thẳng trong hàng” hay dừng trước vạch đèn đỏ giống như từ trên trời rơi xuống.
Có người đã nói đúng ở Việt Nam mình, ở đâu có xếp hàng, ở đó có chen lấn xô đẩy.
Tại sao bài học “dê trắng và dê đen qua cầu” đã được đưa ngay vào chương trình giáo dục lớp 1 mà cứ hễ cứ ra đường là chúng ta lại phải chen lên trước bằng được?
Tại sao việc đứng sau người khác để chờ đến lượt mình - một việc dễ dàng nhất trên đời, một việc mà ai cũng có thể làm được, ai cũng muốn người khác làm - nhưng nhiều người lại không làm hay không muốn làm?
Câu trả lời có khi đơn giản đến không ngờ! Vì chúng ta đang không chấp nhận những kẻ “thiếu đến cái văn hóa tối thiểu là xếp hàng” bằng cách không nhường nhịn. Vì chúng ta như con dê trắng nhìn thấy trước mặt mình toàn dê đen.
Câu trả lời còn ở chỗ trong xã hội giờ đây có những kẻ chen ngang một cách thản nhiên, trắng trợn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội mà không ai dám ho he cho dù sự chen ngang đó tạo ra bất công xã hội khủng khiếp. Đó là sự chen ngang bằng quyền lực. Nằm trong những đặc quyền, ưu tiên bất thành văn.
Câu chuyện ông Lê Nin xếp hàng trong hiệu cắt tóc ở nước Nga dường như đã trở thành dĩ vãng xa vời.
Muốn người Việt không xa lạ trong con mắt bạn bè thì có lẽ ngoài việc đừng biến thành con dê, đừng nhìn người khác như nhìn những con dê, có lẽ, còn phải là việc đừng nghĩ mình là ai, đừng trừ mình ra.
Theo Lao Động