Đứng trước nguy cơ xóa sổ

Cập nhật: 23-06-2011 | 00:00:00

Từ năm 2007, Sở KHCN Bình Dương đã nghiên cứu và đưa vào sử dụng công nghệ nung gạch liên tục kiểu đứng. Với công nghệ này, DN sản xuất gạch sẽ tiết kiệm được chi phí đáng kể, tăng lợi nhuận trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, sau 4 năm áp dụng, dự án có nguy cơ... đổ vỡ

Công nghệ mới

Lò gạch liên tục kiểu đứng có xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp nhận và áp dụng tại Bình Dương, Sở KHCN đã liên tục có những nghiên cứu, cải tạo để phù hợp hơn với yêu cầu sản xuất. Ban đầu, lò gạch liên tục kiểu đứng chỉ sản xuất gạch đặc, đến nay lò gạch liên tục kiểu đứng đã sản xuất được các loai gạch lỗ xuyên tâm có độ rỗng 25 - 30% và gạch ống có độ rỗng tới 50%, rất thích hợp với nhu cầu xây dựng của các địa phương ở Việt Nam.

 Lò nung gạch liên tục kiểu đứng của DN Thành Đạt có nguy cơ phải đóng cửa theo số phận chung của các lò gạch thủ công

Khi tiếp nhận từ chuyên gia Trung Quốc, than cám được rắc bên ngoài gạch, nay than được trộn vào đất trước khi đùn ép gạch, chỉ còn tỷ lệ nhỏ than rắc bên ngoài, do đó tiết kiệm than hơn và tránh được hiện tượng xỉ than bám trên mặt gạch. Kích thước buồng đốt cũng tăng lên từ 1 x 1,5m lên 1,15 x 1,85m, do đó tăng công suất của lò. Gạch từ xếp nằm nghiêng nay được xếp đứng, do đó cải thiện chế độ cháy trong lò, nâng cao chất lượng gạch và giảm lượng gạch gãy; tỷ lệ gạch thành phẩm tăng. Cơ giới hóa vận chuyển gạch lên lò thay cho vận chuyển thủ công làm giảm nhẹ cường độ lao động cho công nhân.

Khi vận hành, chế độ cháy trong buồng nung được điều chỉnh để trung tâm cháy (vùng nung) ở giữa lò và duy trì nhiệt độ ở vùng này vào khoảng 900 độ C. Công nhân có thể nhìn qua lỗ quan sát lửa để điều chỉnh vùng cháy. Trên vùng nung là vùng gia nhiệt, tiếp theo là vùng sấy. Khói bốc ra từ vùng nung sẽ đi qua vùng gia nhiệt và vùng sấy trước khi thải ra bên ngoài. Nhiệt độ khoi ra thấp, chỉ trong khoảng 70 độ C đến 130 độ C nên không ảnh hưởng đến môi trường bên ngoài.

Hiệu quả thấy rõ, nhưng...

Theo tính toán cụ thể, lò gạch liên tục kiểu đứng với ưu điểm là tiết kiệm nhiên liệu 45 - 60% so với lò thủ công. Lưu lượng khí thải giảm 11,5 lần. Lượng SO2 và CO2 giảm 6 lần. Nhiệt độ khí thải thấp. Nhiều doanh nghiệp sản xuất gạch đã chuyển sang mô hình lò gạch nung tuynel, song loại công nghệ này phải có vốn đầu tư lớn, có vùng nguyên liệu dồi dào và thị trường tiêu thụ ổn định. Lò gạch liên tục kiểu đứng giúp tiết kiệm nhiên liệu, khắc phục được ô nhiễm môi trường, quy mô sản xuất và vốn đầu tư phù hợp với hộ gia đình hoặc doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Từ tháng 6-2007, Sở KHCN Bình Dương đã vận động thí điểm 3 DN sản xuất gạch là Công ty TNHH Thành Đạt (Bến Cát), gạch ngói Đức Thành và Tuấn Anh (Tân Uyên). Kết quả sau đó được đánh giá là rất tốt. Bà Thái Thị Phiên, Giám đốc Công ty TNHH Thành Đạt cho biết: “Năm 2007, chúng tôi được Sở KHCN vận động xây dựng lò kiểu mới, đắn đo lắm vì lò cũ vẫn đang hoạt động tốt trong khi phải đầu tư lò mới tốn kém hơn. Cũng may, sau đó anh em có hướng dẫn vay vốn từ dự án PECSME 1,5 tỷ đồng nên đã hoàn thành và đưa vào sử dụng lò nung kiểu mới giữa năm 2008. Hiệu quả rất tốt”. Theo bà Phiên, từ khi xây dựng lò nung mới, gạch của công ty đồng đều và chất lượng hơn trong khi tiết kiệm đến hơn 40% chi phí làm gạch. Lượng nhân công cần để làm lò cũng giảm đến 2/3. Quan trọng hơn, mọi lo toan về chất đốt, khí thải gây ô nhiễm, chất lượng đốt... đều đã được gạt bỏ sang một bên. “Vay 1,5 ty đồng nhưng chỉ sau 1 năm đốt lò, chúng tôi đã hoàn vốn và trả cả gốc lẫn lãi cho dự án PESCME. Đó là chưa kể, từ khi làm lò nung kiểu mới, khả năng cạnh tranh của sản phẩm Thành Đạt được nâng lên rất nhiều trên thị trường”.

Hiệu quả của lò nung gạch liên tục kiểu đứng là đã rất rõ. Tuy nhiên, theo Quyết định 121/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt tổng thể phát triển VLXD Việt Nam đến năm 2020 và Quyết định số 567/QĐ-TTg năm 2008, thì sẽ xóa sổ các lò gạch thủ công và thay thế bằng lò gạch tuynel trong thời gian gần nhất. Như vậy, hiện nay số phận của lò nung gạch liên tục kiểu đứng đang như “ngàn cân treo sợi tóc”. Dù được đánh giá là giảm thiểu ô nhiễm môi trường và có cải tiến công nghệ hơn so với lò gạch truyền thống nhưng các lò gạch kiểu mới này vẫn không phải là lò gạch tuynel. Vì thế, các lò nung gạch liên tục kiểu đứng sẽ vẫn có nguy cơ bị xóa sổ như các lò gạch thủ công khác. Đó là một thực tế nghiệt ngã đối với các DN sản xuất gạch kể trên. Chấp nhận bỏ lò gạch thủ công truyền thống để chuyển sang mô hình sản xuất mới chưa được bao lâu, giờ đây, chính họ sẽ phải đứng trước lựa chọn: tuynel hay ngừng sản xuất.

KHÁNH VINH

Tại Bình Dương hiện nay nghề sản xuất gạch phát triển khá mạnh và tăng nhanh do nhu cầu xây dựng ngày càng tăng cao, theo báo cáo thống kê sản lượng gạch tiêu thụ toàn tỉnh trong năm 2010 thì tổng sản lượng là 1,3 tỷ viên/năm trong đó gạch thủ công chiêm 425,41 triệu viên chiếm 33% tổng sản lượng gạch. Thống kê hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 415 lò gạch trong đó có 348 lò gạch thủ công, khi xóa bỏ lò thủ công thì sản lượng gạch cung ứng cho thị trường sẽ giảm tương đương 33%. Để cân bằng cung cầu hàng hóa gạch xây dựng trên thị trường cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, nên chăng, cần có sự lựa chọn công nghệ đúng đắn, phù hợp với tình hình kinh tế của doanh nghiệp.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên