Dùng vi bằng giả lừa bán nhà đất

Cập nhật: 18-06-2021 | 10:08:31

Gần đây, nhiều cá nhân, tổ chức đã liên hệ với các văn phòng thừa phát lại để thực hiện lập vi bằng, qua đó xem đây như là một chứng cứ sử dụng trong các giao dịch dân sự. Cũng từ đây xuất hiện một số đối tượng có thủ đoạn làm giả vi bằng với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.


Vi bằng được lập theo yêu cầu của các cá nhân, tổ chức và có giá trị pháp lý theo quy định của pháp luật. Trong ảnh: Văn phòng Thừa phát lại TP.Thủ Dầu Một đang thực hiện các thủ tục lập vi bằng theo yêu cầu của khách hàng

Đầu tháng 4-2021, Tòa án nhân dân tỉnh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Lê Tấn Cường (sinh năm 1984, ngụ phường Tân Định, TX.Bến Cát) về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 và điểm b khoản 3 Điều 341 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo đó, ngày 21-5-2018, Lê Tấn Cường đã bán nhà đất (mua bằng vi bằng và văn bản thỏa thuận) tọa lạc tại khu phố Bình Phước, phường Bình Nhâm, TP.Thuận An cho bà Nguyễn Thị Kim Loan rồi thuê lại để ở. Từ ngày 5-11-2018 đến ngày 10- 5-2019, Cường thuê người làm giả vi bằng và văn bản thỏa thuận để thế chấp vay tiền với hình thức lập hợp đồng mua bán nhà đất với ông Trịnh Huy Thanh và Võ Văn Sơn, ông Hoàng Đình Trường, ông Đậu Đức Hùng, bà Trần Thị Kim Loan. Tổng số tiền Cường chiếm đoạt của các nạn nhân là 880 triệu đồng.

Các nạn nhân sau khi phát hiện đã trình báo cơ quan công an. Lê Tấn Cường sau đó bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Vụ án này đã được hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ một số tình tiết liên quan.

Liên quan đến vụ án này, hiện nay nhiều người vẫn chưa hiểu rõ khái niệm “vi bằng” là gì? Bà Võ Ngọc Huệ, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại TP.Thủ Dầu Một giải thích: “Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định 08/2020/NĐ- CP ngày 8-1-2020. Hiểu đơn giản nhất thì vi bằng là một tài liệu bằng văn bản có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo (nếu cần thiết). Trong tài liệu đó, thừa phát lại sẽ ghi nhận trung thực và khách quan về sự kiện, hành vi có thật được yêu cầu lập vi bằng do thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập”.

Bà Huệ cũng giải thích thêm về giá trị pháp lý của vi bằng, căn cứ Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 8-1-2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thừa phát lại; điều 36, thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng, giá trị pháp lý của vi bằng được ghi nhận như sau: Thứ nhất, thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp quy định tại Điều 37 của Nghị định này. Thứ hai, vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác. Thứ ba, vi bằng là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Thứ tư, trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu thấy cần thiết, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân có thể triệu tập thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng. Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải có mặt khi được tòa án, viện kiểm sát nhân dân triệu tập.

Mua bán đất phải ra công chứng

Bà Võ Ngọc Huệ, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại TP.Thủ Dầu Một cho biết theo Điều 37 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 8-1-2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thừa phát lại, có một số trường hợp không được lập vi bằng như sau: Vi phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự; trái đạo đức xã hội; xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực; xác nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; xác nhận chữ ký, bản sao đúng với bản chính; ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật; ghi nhận sự kiện, hành vi để thực hiện các giao dịch trái pháp luật của người yêu cầu lập vi bằng....

TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=999
Quay lên trên