Đừng xem nhẹ công tác quản lý xử lý chất thải công nghiệp

Cập nhật: 09-07-2010 | 00:00:00

Thời gian qua, tình hình ô nhiễm môi trường (ONMT) do chất thải, đặc biệt là chất thải công nghiệp đã báo động ở khắp nơi. Nhất là từ khi vụ Vedan xả chất thải làm thiệt hại nặng nề môi trường sống xung quanh nhà máy. Đó là vụ việc đã xảy ra ở tỉnh bạn, một địa phương liền kề với Bình Dương và cũng có những nét tương đồng về phát triển công nghiệp. Hơn nữa gần đây đã có tờ báo đăng bài cảnh báo về năng lực xử lý rác thải ở Bình Dương và một số vụ ONMT đã xảy ra. Từ đó đặt lại cho Bình Dương câu hỏi: Tình hình môi trường Bình Dương như thế nào? Hay là chừng nào có vụ việc xảy ra rồi mới xử lý, khắc phục!

Là một tỉnh phát triển công nghiệp nhanh, cơ cấu kinh tế công nghiệp đã chiếm tỷ lệ đến 63% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Theo số liệu báo cáo của tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 24 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động với trên 1.200 doanh nghiệp (DN) đang sản xuất - kinh doanh (SX-KD). Chưa kể tỉnh còn hình thành 9 cụm công nghiệp khác, trong đó có 3 cụm công nghiệp đã lấp kín diện tích. Hầu hết các KCN đều có nhà máy, khu vực xử lý chất thải, nước thải. Song vấn đề cần xem lại là thực chất hoạt động của các nhà máy xử lý chất thải như thế nào, có hoạt động hay hoạt động theo hình thức đối phó khi có đoàn kiểm tra, hoặc để báo cáo. Còn lại, thực tế chất thải sẽ được thải ra môi trường tự nhiên theo sông rạch, vì tiền vốn đầu tư hóa chất xử lý chất thải, nước thải khá cao, nếu đưa vào sử dụng sẽ ảnh hưởng lợi nhuận của DN.

Thời gian qua, Bình Dương chưa phát hiện vụ việc ONMT nào “đình đám” như Vedan, song cũng đã phát hiện vài vụ lẻ tẻ trên sông Thị Tính, sông Sài Gòn. Như vậy có phải là Bình Dương đã bảo đảm về môi trường dân sinh, hay đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Cần thiết phải tổ chức thành đoàn kiểm tra, tăng cường công tác giám sát bảo vệ môi trường tại từng khu, cụm công nghiệp. Đã có KCN nhiều năm qua hoạt động song nay mới xây dựng đưa vào sử dụng nhà máy xử lý chất thải. Hầu hết các vụ ONMT bị phát hiện làm thiệt hại tài sản hoạt động SX-KD của người dân đều bị xử lý, phạt tiền, ngưng sản xuất và khắc phục nếu cho hoạt động trở lại. Nhưng vấn đề đáng quan tâm hơn không có việc phạt tiền bạc... nào bù lại cho bằng sự thiệt hại môi trường sống con người. Đó là sự thiệt hại vô giá, đánh đổi không chỉ bằng tài sản mà còn bằng sức khỏe, tính mạng con người. Vụ Vedan, DN phải đền bù vài tỷ đồng, nghe thì nhiều nhưng tính lại lấy gì làm thước đo chuẩn xác cho sự thiệt hại vì ONMT.

Bình Dương đi lên bằng phát triển công nghiệp, dịch vụ là hướng đi đúng đắn đã được minh chứng bằng những hình ảnh đầy sức thuyết phục, các KCN mọc lên thu hút hàng trăm ngàn lao động từ các nơi về Bình Dương sinh cơ, lập nghiệp. Cơ sở hạ tầng phát triển, đường, điện, giao thông mở rộng... Ta có thể tự hào một Bình Dương ngày càng phát triển, năng động, nhưng xin đừng vì đó mà xem nhẹ phía đàng sau đó là tình hình ONMT. Nếu như không có sự quản lý chặt chẽ, bắt buộc với từng dự án SX-KD, phải có dự án bảo vệ môi trường, xử lý chất thải đồng thời nhà máy xử lý chất thải phải hoạt động hẳn hoi. Đừng để DN chỉ tính toán lợi nhuận còn lại môi trường bị phá hoại làm thiệt hại dân cư. Phát triển công nghiệp, dịch vụ một cách bền vững nhằm không để tình hình ONMT rồi xử lý đình sản xuất hoặc giải thể. Điều đó các nhà kinh tế, hoạch định chính sách, ngành chức năng hẳn biết nhưng xin đừng xem nhẹ!

B.T.LAN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=277
Quay lên trên