Đừng xem như một cuộc tìm kiếm “Sao… Hôm”

Chủ nhật, ngày 18/09/2011

Liên hoan tiếng hát Người cao tuổi truyền hình Bình Dương khu vực Nam bộ do Đài Phát thanh-Truyền hình Bình Dương phối hợp cùng Hội Người cao tuổi tỉnh, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch và Tỉnh Đoàn Bình Dương tổ chức chuẩn bị diễn ra liên hoan lần thứ IX tại Trung tâm Văn hóa tỉnh.

 

Khai mạc lần đầu vào năm 2003, liên hoan đã thật sự là một sân chơi bổ ích và ý nghĩa dành cho người cao tuổi không chỉ ở tỉnh nhà mà còn là điểm hẹn lý tưởng dành cho các cụ ông, cụ bà đến từ các tỉnh thành lân cận. Và từ đấy đến nay, cứ đến Ngày Người cao tuổi 1 tháng 10 hàng năm, liên hoan lại trở thành nhịp cầu ô thước để các lão thí sinh từ khắp mọi nơi trong khu vực tìm gặp lại nhau, kết tình bạn già, giúp nhau “sống vui, sống khỏe, sống có ích” làm gương cho con cháu.

Tuy nhiên, qua 8 năm tổ chức liên hoan, không khí rộn ràng, vui tươi đã có phần lắng xuống. Có thể nói đến nay, từ ban giám khảo, các thí sinh và cả những khán giả yêu thích cuộc thi đều đã quá quen thuộc với mỗi kỳ liên hoan. Mọi người đều biết khá rõ nội lực và phong cách biểu diễn của mỗi đội, từng điểm mạnh, điểm yếu của các thí sinh tham gia dự thi. Ngay sau đêm khai mạc, nhìn qua danh sách các đội tham dự, nhiều người đã có thể dự đoán được thứ tự kết quả xếp hạng. Điều này cho thấy liên hoan cần sự thay đổi về nội dung và hình thức để đáp ứng nhu cầu của các thí sinh, người già tuy ưa hoài niệm nhưng cũng rất ghét sự nhàm chán, sự lặp đi lặp lại. Ai từng chăm sóc người già cũng đều hiểu mỗi bữa ăn trong tuần dành cho các cụ cần phải luôn thay đổi khẩu vị. Vì thế, sân chơi dành cho các cụ cũng cần thay đổi, bổ sung ý tưởng mới cho đỡ nhàm chán.

Bên cạnh việc làm mới sân chơi cho liên hoan ngày càng hấp dẫn và phong phú, Ban Tổ chức liên hoan cũng cần tăng cường và mở rộng không gian “giao lưu” dành cho các thí sinh. Người cao tuổi rất thích được ai đó khơi gợi lại quá khứ hào hùng, nhắc nhở những kỷ niệm không bao giờ quên của một thuở xuân xanh đầy tự hào mà họ đã hết mình sống làm việc và cống hiến cho xã hội. Chính vì vậy, Liên hoan cần dành ít phút để thí sinh tự giới thiệu về mình, người dẫn chương trình của liên hoan cần biết trò chuyện, biết thổi bay đi lớp bụi thời gian che lấp những thành tựu vinh quang một thời của các thí sinh, làm vơi đi gánh nặng tuổi tác nhọc nhằn in hằn trên những đôi vai nghiêng, trên những tấm lưng còng để mỗi thí sinh sau khi trở về từ cuộc thi, họ không chỉ được có cơ hội thi thố tài năng, được dịp giao lưu kết bạn mà còn được “massage” tâm hồn để quên đi tuổi heo may của mình và thấy rằng mình vẫn còn có ích cho con cháu, cuộc sống của mình vẫn còn có ý nghĩa cho đời.

Liên hoan Tiếng hát Người cao tuổi không phải là một cuộc tìm kiếm các giọng ca tuổi… heo may.  Đây là sân chơi nhằm tri ân những người đã cống hiến tuổi thanh xuân cho quê hương đất nước. Rất mong Liên hoan tiếng hát Người cao tuổi lần này sẽ không như những lần trước, tuần tự mỗi đội thay nhau biểu diễn theo lịch bốc thăm, ai diễn trước về trước rồi chờ đến ngày công bố kết quả. Hy vọng liên hoan sẽ có nhiều đổi mới hơn nữa, đáp ứng niềm mong đợi của các thí sinh đặc biệt không giống với thí sinh của bất cứ cuộc thi ca hát nào, đến với liên hoan, ngoài giải thưởng cho thành tích, họ cần được tâm sự, được chia sẻ để lấp đầy nỗi trống trải, cô đơn của tuổi về chiều.

CÔNG LUẬN