“Được mùa” mỹ thuật và nhiếp ảnh

Cập nhật: 10-07-2015 | 09:56:13

Từ đầu năm đến nay, trong khi các chuyên ngành khác khá bình lặng thì hội viên (HV) mỹ thuật và nhiếp ảnh thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh vẫn tiếp tục có nhiều thành tựu tích cực. Những cuộc triển lãm do hội tổ chức đã tạo điều kiện giúp HV quảng bá tác phẩm, khích lệ, động viên tinh thần sáng tác của anh chị em.   

 Trao giải cho họa sĩ đoạt giải tại triển lãm “Bình Dương trên đường phát triển”. Ảnh: Q.NHƯ

Trước tiên có thể kể đến việc tổ chức Triển lãm Mỹ thuật - Nhiếp ảnh với chủ đề “Mừng Đảng mừng xuân Ất Mùi 2015” vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Cuộc triển lãm này có 41 tác giả tham gia với 96 tác phẩm nhiếp ảnh và 36 tác giả với 67 tác phẩm mỹ thuật. Hội cũng đã tổ chức kỷ niệm Ngày Nhiếp ảnh Việt Nam cho các HV và cộng tác viên chuyên ngành nhiếp ảnh, tổ chức Trại sáng tác Nhiếp ảnh thời gian 6 ngày tại tỉnh Đắc Lắc với 20 người tham gia. Bên cạnh những tay máy gạo cội như Trần Tình, Đặng Hồng Long… chuyên ngành nhiếp ảnh còn có một số thành viên tích cực khác như Phạm Minh Giảng, Trần Khánh Hưng.

Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cũng đã tổ chức Triển lãm Mỹ thuật - Nhiếp ảnh lần thứ IV với chủ đề “Bình Dương trên đường phát triển”, tham gia triển lãm gồm có 41 tác giả mỹ thuật với 54 tác phẩm và 36 tác giả nhiếp ảnh với 80 tác phẩm. Dịp này, các tác giả có tác phẩm chất lượng được chọn trao giải như: Giải nhì cho tác phẩm sơn mài “Xóm mương” của họa sĩ Nguyễn Quang Sơn; “Hồi ức tuổi thơ” của họa sĩ Lê Thanh Tùng… Về nhiếp ảnh có tác phẩm “Trường mới” của Phạm Minh Giảng đoạt giải nhất, “Dáng thợ” của Đặng Hồng Long đạt giải nhì.

Nhận xét về việc được Hội Văn học Nghệ thuật tạo điều kiện hỗ trợ cho sáng tác và quảng bá tác phẩm, các HV chuyên ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh rất phấn khởi. Họa sĩ trẻ Nguyễn Quang Sơn cho rằng, Bình Dương có thế mạnh về mỹ thuật với tranh sơn mài truyền thống. Tổ chức hội đã giúp các thế hệ đi sau học tập rất nhiều điều từ thầy, cô, từ những đàn anh của mình để sáng tác tốt hơn. Những trại sáng tác được tổ chức là dịp để HV “sống hết mình” cho nghệ thuật bởi đa phần anh chị em họa sĩ đều có nghề nghiệp ổn định, sáng tác là nghề “tay trái” nhưng cũng phải cần có sự đam mê, cần được động viên, khích lệ qua các cuộc thi, triển lãm để có tác phẩm mới.

Sáng tạo văn hóa nghệ thuật là một phần không thể thiếu để phản ánh cuộc sống, phản ánh về đất và người Bình Dương. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh luôn đồng hành và hỗ trợ kịp thời cho những ai có niềm đam mê sáng tạo. Đây cũng là một “sân chơi” nghệ thuật cho các anh chị em gặp nhau, thỏa đam mê sống với nghệ thuật sau những ngày làm việc căng thẳng.

 QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=548
Quay lên trên