Được tự do nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Campuchia

Thứ tư, ngày 22/01/2014
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 10146/VPCP-KTN ngày 29-11-2013 của Văn phòng Chính phủ về việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về quản lý nhập khẩu gỗ và Công văn số 17/TTg-KTN ngày 3-1-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Campuchia; theo đề nghị của Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 01/2014/ TT-BCT quy định về việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Campuchia. 

Sản xuất đồ gỗ ở Công ty Mifaco Bình Dương

Theo đó, bãi bỏ quy định về việc cấp phép nhập khẩu, tạm nhập tái xuất gỗ nguyên liệu từ Campuchia nêu tại điểm 3, Mục IV Thông tư số 04/2006/ TT-BTM ngày 6-4-2006 của Bộ Thương mại hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23-1-2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài. Sản xuất đồ gỗ ở Công ty Mifaco Bình DươngThương nhân nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Campuchia làm thủ tục tại cơ quan hải quan theo quy định hiện hành và không phải xin giấy phép nhập khẩu của Bộ Công Thương. Cửa khẩu nhập khẩu, gồm: (1). Các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, cửa khẩu và các điểm thông quan khác thuộc Khu kinh tế cửa khẩu do Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập. (2). Các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới nằm ngoài các Khu kinh tế cửa khẩu nhưng hiện đã có đủ các lực lượng Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch và cơ sở kỹ thuật bảo đảm quản lý nhà nước theo quy định tại Thông tư số 13/2009/TT-BCT ngày 3-6-2009 của Bộ Công Thương quy định xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới nằm ngoài các Khu kinh tế cửa khẩu. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-1-2014. Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Vifores (Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam) cho biết trước đây riêng đối với thị trường Campuchia, một công ty của Campuchia muốn khai thác gỗ phải xin Chính phủ hoàng gia Campuchia giấy phép cho xuất gỗ đó vào Việt Nam. Giấy phép đó sau khi được thông qua, Chính phủ Campuchia sẽ gửi cho Việt Nam và Chính phủ Việt Nam đồng ý cho nhập thì lô gỗ đó mới được nhập vào nước ta. Theo Vifores, quyết định nói trên sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ từ Campuchia với số lượng không hạn chế, đồng thời sẽ giảm được tiêu cực phí từ việc xin giấy phép của Chính phủ hai bên. Ông Quyền cũng cho hay, gỗ Campuchia chủ yếu là gỗ quý và được quản lý rất chặt theo Công ước Cites (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp). Vifores dự ước mỗi năm Việt Nam nhập khoảng từ 30.000 - 40.000 khối gỗ.   NGUYỄN PHÚC