Đã kéo dài nhiều năm, mỗi khi Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp về tiếp xúc cử tri tại xã Trừ Văn Thố (Bến Cát), ý kiến cử tri cứ lặp đi lặp lại kiến nghị là nên quan tâm nâng cấp tuyến đường giáp ranh Bình Dương và Bình Phước mà người dân tạm gọi là “đường giáp ranh”.
Tuyến đường dài khoảng 3km nối liền quốc lộ 13 đi vào ấp 4, xã Trừ Văn Thố (Bến Cát). Do một bên thuộc thị trấn Chơn Thành, tỉnh Bình Phước (nằm sát tường rào phía nam Khu công nghiệp (KCN) Chơn Thành; một bên thuộc ấp 4, xã Trừ Văn Thố. Phân định rạch ròi như vậy, cho nên từ lâu, chính quyền 2 địa phương không xem nó thuộc địa bàn mình, không tiến hành duy tu bảo dưỡng, nâng cấp mà để đường xuống cấp ngày càng trầm trọng.
Người dân khổ sở khi đi lại, mua bán trên tuyến đường này
Bây giờ, nếu ai có dịp qua tuyến đường này sẽ thấy sự đông đúc, nhộn nhịp hơn, nhất là từ khi KCN Chơn Thành đi vào hoạt động. Tuyến đường ngày đêm oằn mình gánh 350 hộ dân ấp 4, xã Trừ Văn Thố và hàng ngàn công nhân làm việc tại KCN Chơn Thành vận chuyển qua lại không chỉ đi bộ mà còn bằng các loại xe và hàng hóa. Nào là xe tải ra vào thường xuyên chở củi, phân bón; nào là hàng hóa của các doanh nghiệp đang hoạt động ở KCN này. Bởi thế mùa mưa đến, tuyến đường xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà lầy lội, gây nhiều khó khăn cho người dân.
Không chỉ thế, mấy năm nay, hai bên đường này còn xuất hiện chợ chiều tự phát, để phục vụ mua sắm cho công nhân và người dân xã Trừ Văn Thố. Đã xuống cấp, người dân qua lại còn gây lầy lội, làm cho tuyến đường ngày càng mất vệ sinh. Chị Nguyễn Thị Hiền, người dân ấp 4, xã Trừ Văn Thố, nói biết vậy, nhưng phải mua bán để đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng.
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng ấp 4, xã Trừ Văn Thố Lê Duy Linh, cho biết: “Mỗi lần đại biểu Quốc hội hay HĐND các cấp về đây tiếp xúc cử tri, chúng tôi luôn đề nghị các cấp, các ngành nên quan tâm nâng cấp lại tuyến đường. Chúng tôi cũng đến thị trấn Chơn Thành, xin địa phương này xem xét đầu tư nâng cấp tuyến đường, thế nhưng, chính quyền địa phương ở đây trả lời, tuyến đường này không thuộc địa bàn họ quản lý nên họ đã trực tiếp từ chối kiến nghị của chúng tôi”.
Đường chung... ai lo? Câu hỏi ấy ngày ngày cứ hiện diện trong đầu của người dân của hai địa phương sống trên tuyến đường này. “Trước khó khăn đó, chúng tôi có vận động họ góp tiền nâng cấp tuyến đường, nhưng vận động vài lần thôi. Bởi người dân ở đây còn nghèo, không thể năm nào cũng đóng góp. Vả lại, để làm con đường sạch sẽ tốn nhiều tiền lắm. Chính vì thế, tôi mong chính quyền 2 địa phương cần có tiếng nói chung vì cuộc sống người dân”, Trưởng ấp Lê Duy Linh cho biết thêm.
HÒA NHÂN