Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, những ngày qua Bình Dương đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Hệ thống đường dây nóng 1022 là một trong những giải pháp mà Bình Dương đang triển khai và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của người dân. Hiện đường dây nóng 1022 đang vận hành 24/7, kịp thời hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm.
Hoạt động 24/7
Những ngày qua Tổng đài 1022 đã chủ động, kịp thời cung cấp thông tin phòng, chống dịch bệnh đến với người dân, cộng đồng thông qua nhiều hình thức hiệu quả. Tổng đài 1022 sẵn sàng tiếp nhận phản ánh 24/7 của người dân để hỗ trợ, xử lý nhanh nhất những thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Việc tiếp nhận thông tin qua Tổng đài 1022 sẽ giúp giảm tải hệ thống tiếp nhận thông tin về tình hình dịch bệnh của các địa phương.
Qua đường dây nóng 1022, người dân ở một khu nhà trọ trên địa bàn TX.Tân Uyên đã kịp thời được hỗ trợ lương thực, thực phẩm
Từ khi đường dây nóng 1022 đi vào hoạt động đến nay, nhiều vấn đề thắc mắc của người dân được giải đáp, những phản ánh của người dân đã được chuyển đến cơ quan chức năng kịp thời. Khi tiếp nhận thông tin phản ánh, nhân viên trực đường dây nóng sẽ đề nghị cung cấp thêm hình ảnh và thông tin. Khi xác định thông tin phản ánh chính xác, nhân viên tổng đài chuyển phản ánh đến cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
“ALO, ĐƯỜNG DÂY NÓNG XIN NGHE! Sau khi nhận được thông tin của người dân, nhân viên trực tổng đài sẽ phân loại các hình thức yêu cầu để hỗ trợ kịp thời. Đường dây nóng luôn có người túc trực 24/7, mọi vấn đề người dân gọi đến đều được hỗ trợ kịp thời, bảo đảm an toàn, thông suốt. “Mình nhận nhiệm vụ trực từ 22 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Mình còn trẻ, còn sức khỏe nên mình nhường ca sáng, chiều cho các thầy cô lớn tuổi hơn. Trong đêm khuya thanh vắng, từng cuộc điện thoại từ khắp nơi đổ về vẫn luôn có tụi mình túc trực, tiếp nhận thông tin của mọi người. Mình chỉ mong đến lúc cả đêm dài mình không còn nhận được bất kỳ một cuộc gọi nào gọi đến đường dây nóng nữa. Nghĩa là khi đó Bình Dương đã bình yên trở lại. Hy vọng ngày đó mau đến…”. Một giáo viên trẻ của TP.Thủ Dầu Một đã tâm tình như thế sau phiên trực của cô. Những ngày qua, nhiều giáo viên đã tình nguyện tham gia trực đường dây nóng 1022 của tỉnh. |
Vừa qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương rà soát không để bất kỳ người dân nào bị thiếu ăn, nơi nào người dân gặp khó khăn, không mua được lương thực, thực phẩm có thể gọi về 1022 để phản ánh. Theo đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của hệ thống đường dây nóng 1022 là kết nối để hỗ trợ lương thực cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Theo thống kê từ Sở Thông tin và Truyền thông, từ ngày 1-8 đến nay, tổng đài đã tiếp nhận và chuyển thông tin xử lý kịp thời hơn 105 yêu cầu của người dân gặp khó khăn về lương thực.
Nói về cơ chế tiếp nhận thông tin của đường dây nóng 1022 khi người dân gặp khó khăn về lương thực, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: “Hiện nay khi người dân thật sự gặp khó khăn về lương thực; người dân trong khu phong tỏa có thể phản ánh trực tiếp lên tổng đài 1022 bằng cách gọi điện, sử dụng App 1022, qua Zalo, Facebook… Nội dung cần cung cấp là họ tên, số điện thoại liên lạc, địa chỉ, nội dung cần hỗ trợ. Nhân viên trực tổng đài sau khi tiếp nhận thông tin sẽ ghi nhận và ngay lập tức chuyển cho cơ quan chức năng theo địa chỉ cung cấp. Cơ quan chức năng sẽ cử các tổ chức tại địa phương xác nhận thông tin và hỗ trợ người dân trong thời gian nhanh nhất”.
Cũng theo đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, thời gian gần đây hệ thống đường dây nóng 1022 của tỉnh thường xuyên bị các đối tượng gọi vào quấy rối, thông tin sai sự thật… gây cản trở trong việc hỗ trợ cấp cứu và công tác phòng, chống dịch bệnh. Do đó, đơn vị này khuyến cáo người dân hãy gọi 1022 khi thật sự cần hỗ trợ, thật sự cần thiết.
Cần giúp cứ gọi 1022
Bà Lê Thị Út, Trưởng ban Dân vận Thị ủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TX.Tân Uyên, cho biết: “Qua đường dây nóng 1022 người dân gọi từ các khu nhà trọ nói cần hỗ trợ lương thực, thực phẩm. Ngay sau khi thông tin này được chuyển đến, chúng tôi lập tức cử cán bộ xuống tận nơi để thăm hỏi và trao quà hỗ trợ. Qua kênh thông tin này, đến nay địa phương đã trao hơn 100 phần nhu yếu phẩm gồm gạo, mì gói, nước tương, đường và rau củ quả cho người lao động khó khăn trong khu vực phong tỏa, những người mất việc, không có thu nhập”.
Để người lao động không bị thiếu thốn, cán bộ các phường cùng với lực lượng tình nguyện gánh vác khối lượng công việc gấp nhiều lần nhưng tất cả đều vui vẻ vì “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Giữa những ngày giãn cách và giữa tâm dịch nhưng tinh thần đoàn kết, khoảng cách từ trái tim đến trái tim xích lại gần hơn bao giờ hết. Là người trực tiếp trao các phần quà cho người lao động tại nhà trọ Mai Thị Phương (KP.8, phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên), bà Ngô Thị Hoàng Phương, Chủ tịch MTTQ phường Uyên Hưng, chia sẻ: “Chúng tôi nhận thông tin về hoàn cảnh của chị Sán Nhịn Mùi. Chị Mùi có hai con nhỏ, một cháu 2 tuổi và một cháu 6 tháng tuổi. Chị Mùi đã hết gạo và sữa cho con uống. Khoảng 30 phút sau, chị Mùi được trao phần hỗ trợ”. Đến nhận nhu yếu phẩm, chị Mùi mừng rỡ nói không nghĩ là khi gọi vào số 1022 được hỗ trợ nhanh đến vậy. “Được hỗ trợ gạo, mì và sữa cho con, em yên tâm lắm và sẽ tiếp tục cố gắng vượt qua những ngày khó khăn này”, chị Mùi cho biết.
Tại phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một, sau khi người dân nhìn thấy tấm bìa cứng viết trước dãy phòng trọ “Xin hãy giúp chúng em” nên đã gọi cho 1022. Họ vừa gọi cho tổng đài vừa nhờ người thân tìm cách giúp đỡ thêm. Trường hợp này nhanh chóng được Hội LHPN TP.Thủ Dầu Một tiếp nhận thông tin, tìm hiểu và hỗ trợ nhu yếu phẩm ngay trong ngày. Bà Đặng Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.Thủ Dầu Một, cho biết đây là trường hợp đã được phường Phú Cường giúp đỡ vì dãy trọ này tiếp giáp với địa bàn phường Phú Cường. Ngoài trường hợp này, Hội LHPN tiếp tục phối hợp, thu thập thông tin từ đường dây nóng và các nguồn khác để kịp thời hỗ trợ người dân khó khăn, nhất là với công nhân xa quê ở lại Bình Dương trong lúc này.
Tại phường Bình Hòa, TP.Thuận An, nhiều công nhân ở trọ cũng đã được nhận hỗ trợ sau khi gọi cho 1022. Chị Cẩm Nhung, công nhân là đối tượng F1 đang được cách ly, cho biết những món quà từ các nguồn của các tổ chức, cá nhân đến với công nhân lao động xa quê trong lúc này vừa giúp họ giải quyết chuyện ăn uống những ngày tới, vừa động viên họ vững tin khi chọn ở lại Bình Dương chờ qua dịch để đi làm trở lại.
Q.NHƯ - Q.ANH - T.TRANG