Đường giao thông xã Minh Hòa (Dầu Tiếng) đang xuống cấp nghiêm trọng: Nguyên nhân vì sao?

Cập nhật: 16-04-2010 | 00:00:00

LÒNG HỒ KÊU CỨU

>>  THỦ PHẠM CHÍNH CỦA NHỮNG CON ĐƯỜNG BỊ BĂM NÁTVào mùa khô, khi nước của hồ Dầu Tiếng vơi dần thì cũng là thời điểm vàng của những người chuyên khai thác cát trái phép (KTCTP). Vào những ngày này dọc theo bờ hồ, máy hút cát hoạt động cả ngày lẫn đêm và một điều dễ nhận thấy nhất là: những người hành nghề KTCTP thì ngày một giàu lên nhưng lòng hồ Dầu Tiếng thì ngày một “nghèo” đi...

Những chiếc xe ben chở đầy cát ngay chân núi cậu

Chúng tôi chưa thể thống kê hết là hiện tại có bao nhiêu điểm KTCTP trên hồ Dầu Tiếng nhưng có thể khẳng định một điều con số đó là không ít. Chỉ tính riêng ở xã Minh Hòa đã có đến 7 điểm khai thác cát. Trong đó, chỉ có duy nhất một công ty được cấp phép khai thác khoáng sản.

Khai thác rầm rộ

Lần theo những chiếc xe ben trên đường ĐT749B, chúng tôi tìm đến những điểm khai thác cát ở ấp Hòa Thành (xã Minh Hòa). Theo một người dân, thì đây là những điểm khai thác cát đã có từ lâu, người chủ của nó còn lập công ty hẳn hoi. Quả thật vậy, tại đây chúng tôi đếm có đến 3 điểm khai thác cát liền kề. Đó là bãi cát của DNTN M.T., DNTN C.D. và của một người tên Bình. Những bãi cát này đang hoạt động tấp nập cho dù trời đã đứng bóng. Xe ben ra vào liên tục, hết chiếc này đến chiếc khác, nhiều chiếc còn phải chờ đến lượt. Trong vòng 30 phút có đến trên 20 chiếc xe ben ra vào để lấy cát. Rất nhiều chiếc xe ben chở cát mang biển kiểm soát ở tận Bình Phước, Tây Ninh.

Theo ghi nhận của chúng tôi thì bãi cát nào cũng trang bị đầy đủ phương tiện để khai thác cát. Nào là máy bơm hút cát, xe cuốc... Những chiếc máy bơm hút cát được đặt giữa lòng hồ và hoạt động liên tục. Chính vì vậy mà bãi cát nào cũng cao ngút ngàn. Hoạt động tấp nập nhất có lẽ là bãi cát của DNTN M.T. vì ngoài lượng xe ben chở cát, bãi cát của doanh nghiệp này cũng rất lớn.

Tại một số điểm khai thác cát khác ở ấp Hòa Lộc (xã Minh Hòa), mọi việc cũng diễn ra tương tự. Máy hút cát cũng hoạt động liên tục, xe ben chở cát cũng chạy liên tục và người chủ của nó thu tiền liên tục từ hoạt động này.

Tác giả tiếp cận ghe bơm hút cát của DNTNC.DÔng Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hòa cho biết: Riêng tại xã Minh Hòa có đến 7 điểm khai thác cát. Trong đó, chỉ có duy nhất Công ty Cổ phần và Khoáng sản Bình Dương là có giấy phép khai thác (vì công ty đã trình giấy phép khai thác tại UBND). Còn 6 điểm khai thác khác là hoạt động trái phép, ông Liêm nhấn mạnh.

Ông Liêm khẳng định với P.V Báo Bình Dương rằng, việc KTCTP trên địa bàn xã Minh Hòa là vấn đề bức xúc không chỉ của lãnh đạo xã mà cũng là bức xúc của người dân. “Việc KTCTP ngoài việc làm Nhà nước mất đi một nguồn lợi khoáng sản, nó còn tạo ra những vấn đề xã hội khác như: nguy cơ sạt lở, đường sá hư hỏng do xe ben chở quá tải chạy qua lại...”, ông Liêm nói.

Về vấn đề xử lý, ông Liêm cho biết, xã không có thẩm quyền xử lý nên nhiều lần làm văn bản gửi huyện. Huyện cũng đã nhiều lần kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng trên chưa có chuyển biến gì.

Những dấu hiệu của sự sạt lởDưới chân núi Cậu cũng không tha

Núi Cậu là rừng phòng hộ có ý nghĩa quyết định trong việc bảo vệ hồ Dầu Tiếng, thế nhưng vì cái lợi trước mắt mà vẫn có những người khai thác cát ngay tại khu vực này.

Chạy qua Khu du lịch núi Cậu khoảng 500m, bất cứ ai cũng dễ dàng nhận ra một điểm KTCTP tại đây vì trên đường nhựa lúc nào cũng có 3 - 4 chiếc xe ben chờ sẵn để chờ tới lượt lấy cát. Chúng tôi vừa tấp xe vào thì đã có một người đàn ông trạc 45 tuổi chạy xe đến hỏi với vẻ nghi ngờ: “Đến đây làm gì, có việc gì không, từ đâu đến?”. Lấy cớ là đang chờ bạn tới để đi tiếp nên ngồi nghỉ mệt. Thế nhưng, người đàn ông nọ vẫn không tin và đôi mắt vẫn luôn dõi về phía chúng tôi. Theo quan sát, chúng tôi biết đây chính là người chủ của bãi khai thác cát này vì mỗi lần xe ben chở cát ra vào ông ta là người trực tiếp thu tiền. Theo ghi nhận thì điểm khai thác này cũng không phải là bãi cát nhỏ, bởi lượng xe ra vô để lấy cát là liên tục, lúc nào cũng có xe chờ phía ngoài. Một điều làm chúng tôi vô cùng lo lắng: điểm khai thác cát lại quá gần với đường nhựa và rừng phòng hộ núi Cậu. Nếu không sớm có biện pháp thì nguy cơ gây sạt lở là rất cao.

Tranh thủ lúc người đàn ông thu tiền không để ý, chúng tôi ghi hình và cho xe chạy về hướng Khu du lịch núi Cậu. Tuy nhiên, người đàn ông nọ cũng không bỏ qua, ông ta dùng xe máy để chạy theo và lại dò hỏi. Rất may, lúc này có một đồng nghiệp chạy đến và như hẹn trước chúng tôi lại nói về chuyến đi chơi. Lúc này, người đàn ông mới tin và trong cuộc nói chuyện ông ta cho biết ông tên T., nhà ở Tây Ninh. Đây là bãi khai thác ông mới làm được vài tháng. Ông T. cũng thú nhận rằng, việc khai thác cát của ông là hoàn toàn trái phép và theo ông thì ngày hôm nay không biết sao lại đông khách hàng đến như vậy chứ những hôm khác thì vắng lắm!

Biện hộ cho nguy cơ sạt lở khi chúng tôi đề cập đến, ông T. nói: “Chú nhìn thấy đó, anh chỉ khai thác dưới nước chứ có làm gì trên bờ đâu mà ảnh hưởng đến việc sạt lở”. Một câu biện hộ làm chúng tôi phì cười, có lẽ khi các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý ông cũng biện hộ vậy chăng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc KTCTP dưới chân núi Cậu không chỉ riêng điểm khai thác của ông T. mà còn nhiều điểm KTCTP khác. Và có tất cả là bao nhiêu điểm KTCTP dưới chân núi Cậu? Câu trả lời này xin dành cho cơ quan chức năng.

Cần xử lý nghiêm

Tình trạng KTCTP trên lòng hồ Dầu Tiếng nói riêng và các loại khoáng sản nói chung trên địa bàn Bình Dương đã được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh nhiều. Tuy nhiên, tình trạng KTCTP không những không thuyên giảm mà còn có dấu hiệu tăng. Nguyên nhân là vì việc xử lý còn nhẹ, chưa nghiêm khắc. Bên cạnh đó, vì mức độ lợi nhuận thu được từ những hoạt động khai thác khoáng sản là khá cao nên nhiều người tìm mọi cách trốn tránh để tiếp tục hoạt động.

Trở lại việc KTCTP trên lòng hồ Dầu Tiếng, theo nhiều lãnh đạo xã thuộc huyện Dầu Tiếng thì ngoài việc các đối tượng KTCTP tìm mọi cách để đối phó với các đoàn kiểm tra như: dừng mọi hoạt động khi có đoàn kiểm tra đến hoặc chỉ hoạt động vào ban đêm gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra thì việc áp dụng các chế tài xử phạt là còn quá nhẹ, thường chỉ lập biên bản tịch thu tang vật nên chưa đủ sức để răn đe. Do vậy, khi đoàn kiểm tra rút đi thì mọi hoạt động đâu lại vào đấy.

Cách đây một thời gian, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh có đến kiểm tra 7 điểm khai thác cát trên lòng hồ Dầu Tiếng. Kết quả 7/7 điểm đều vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh khoáng sản. Các điểm khai thác cát đều không chứng minh được nguồn gốc cát. Do đó, đoàn đã tịch thu hơn 1.500m3 cát.

Luật đã quy định rõ, khoáng sản là thuộc sở hữu Nhà nước, mọi hoạt động khai thác đều phải tuân theo một trình tự thủ tục. Do vậy, để nguồn lợi này không bị thất thoát và để không làm ảnh hưởng đến sự biến động của môi trường, Nhà nước phải có một chính sách quản lý chặt chẽ và cần áp dụng chế tài nghiêm khắc đối với người cố tình vi phạm.

NHÂN QUANG - HÒA NHÂN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên