Ngày 7-8, trả lời những nghi vấn về hiện tượng thấm nước đang xảy ra bên trong hầm Thủ Thiêm, ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban Ban Quản lý đầu tư đây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM (chủ đầu tư) thừa nhận, hiện trong đường hầm sông Sài Gòn có một số vị trí bị thấm.
Những vết trám dày đặc trên nóc hầm (phía trong đường hầm sông Sài Gòn)Theo ông Phúc, chúng xuất hiện sau khi thông xe và không trùng lắp với các vị trí thấm đã được sửa chữa trước đây.
Về những vết keo trám chằng chịt bên trong đường hầm sông Sài Gòn (trước đây được gọi là hầm dìm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn hoặc hầm dìm Thủ Thiêm - PV), ông Phúc nói do tại những vị trí này đang xuất hiện hiện tượng thấm. Tuy vậy, các vị trí thấm mức độ nhẹ, trong giới hạn cho phép và xuất hiện trong giai đoạn sau khi thông xe đường hầm.
“Qua quan trắc, tư vấn giám sát dự án phát hiện trong đường hầm có một số vị trí bị thấm cần được bảo hành, sửa chữa. Hiện nhà thầu Obayashi (đơn vị thi công đường hầm sông Sài Gòn) đang chống thấm và duy tu, bảo dưỡng định kỳ đường hầm. Dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 8-2012”, ông Phúc cho biết.
Cũng theo ông Phúc, việc chống thấm được thực hiện bằng cách khoan lỗ; gắn các đầu bơm, bơm chất chống thấm; tháo các đầu bơm; vệ sinh bề mặt khu vực xử lý.
Quy trình này do tư vấn đề xuất, được Hội đồng nghiệm thu nhà nước thông qua. Sau khi sửa chữa xong (dự kiến hoàn thành trong tháng 8-2012), các vị trí thấm sẽ tiếp tục được kiểm tra, quan trắc và báo cáo với Hội đồng nghiệm thu nhà nước.
Nói về phương pháp khắc phục hiện tượng thấm nước trong đường hầm sông Sài Gòn, một chuyên gia xây dựng (đề nghị không nêu tên) cho biết, hóa chất được bơm vào đi khắp vết nứt và len lỏi, lấp đầy các chỗ rỗng bê tông của hầm dìm.
Phương pháp này có thể được coi là tốt nhất trong bối cảnh hiện tại. Nếu không xử lý kịp thời, nước thấm sẽ làm suy thoái lớp bê tông bảo vệ, làm han gỉ cốt thép, ảnh hưởng đến tuổi thọ của hầm.
“Biện pháp này khó có thể loại hết được lượng nước đã thấm và đang nằm trong lớp bê tông của hầm dìm. Nhưng trong bối cảnh hiện nay (hầm dìm đang nằm sâu dưới sông Sài Gòn 20-27m) thì đây là phương pháp có thể coi là tốt nhất…” , chuyên gia xây dựng này nói.
Chuyên gia này cũng khuyến cáo, cần phải theo dõi việc hình thành và phát triển của các vết nứt, các điểm thấm để có giải pháp hữu hiện ngăn chặn chúng phát triển ngang, dọc khắp hầm.
Ngoài ra, trong quá trình khai thác, phải thường xuyên theo dõi, duy tu và khắc phục kịp thời để tăng thêm thời gian khai thác của công trình.
Theo TNO