Đường Mỹ Phước - Tân Vạn: Tạo thêm động lực cho Bình Dương phát triển - Kỳ 1

Cập nhật: 15-04-2018 | 23:29:00

Kỳ 1: Tuyến đường chiến lược

 Cùng với quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn được đầu tư xây dựng đã và đang tạo thêm động lực cho Bình Dương phát triển.

 Con đường nhiều dấu ấn

Dù bận rộn với nhiều công việc nhưng cứ đến tháng 4 hàng năm, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đều dành thời gian để về thăm nhà má Sáu Ngẫu, ở khu rừng Cò Mi (Chiến khu Thuận An Hòa), thắp nén hương tri ân đồng đội. Đi trên con đường Mỹ Phước - Tân Vạn hôm nay, vị tướng từng xông pha trận mạc bồi hồi kể lại: Những ngày cuối tháng 4-1975, trước khí thế tiến công như vũ bão của đoàn quân cách mạng, Quân lực Việt Nam cộng hòa rút về cố thủ tại các cửa ngõ ra vào Sài Gòn. Hướng tiến quân sư đoàn của ông từ Lộc Ninh về đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt bởi các chốt phòng thủ trên quốc lộ 13.

 Phương tiện giao thông qua lại tấp nập tại một ngã tư trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Ảnh: DUY CHÍ

Với tinh thần hành quân “Một ngày bằng 20 năm”, đơn vị của ông đã tìm cách né tránh các cứ điểm phòng thủ của địch, men theo đường rừng để vượt qua các chốt “tử thủ” của địch dọc theo các tuyến lộ chính. Về đến Thủ Dầu Một, đơn vị của ông gặp phải căn cứ Phú Lợi án ngữ phía trước. Lúc đó, đơn vị của ông dừng lại chờ đến đêm xuống thì tổ chức trinh sát, tìm đường tiến quân. Tại rừng Cò Mi, tổ trinh sát phát hiện ngôi nhà lá còn thắp đèn dầu, đúng như hướng dẫn của giao liên chỉ đường. Nhận đúng ám hiệu, một phụ nữ lớn tuổi cầm đèn dầu ra rước đoàn vào nhà. Má nói: “Đợi các con đến để chỉ đường và giao tấm bản đồ này”.

Đường Mỹ Phước - Tân Vạn có tổng chiều dài 26,7km, bắt đầu từ nút giao thông Tân Vạn thuộc phường An Bình, TX.Dĩ An đến phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát. Đây là đường phố chính đô thị, vận tốc thiết kế 80km/giờ, đạt tiêu chuẩn TCXDVN 104-2007.

“Theo hướng dẫn của má, chúng tôi đi theo con đường xuyên rừng Cò Mi ra quốc lộ 13, đánh thẳng xuống Trung tâm huấn luyện sĩ quan ở Gò Vấp khống chế toàn bộ kho khí tài quân dụng của quân đội Sài Gòn, góp phần đáng kể vào chủ trương tránh đổ máu của Đảng và Quân ủy Trung ương”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu tâm tình.

Còn ông Út Nhân (Nguyễn Quốc Nhân), nguyên Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh chia sẻ, đường giao thông có ý nghĩa rất quan trọng cả trong kháng chiến và khi hòa bình. Trong kháng chiến, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một tìm mọi cách để mở đường giao thông, phát huy lợi thế của rừng Cò Mi bằng việc xây dựng căn cứ cách mạng nơi đây. Năm 1965, lần đầu tiên Mỹ đưa Lữ đoàn dù 173 vào càn quét khu rừng này nhưng đã thất bại, từ đó chúng quyết tâm xóa sổ căn cứ này bằng cách mở con đường nhựa xuyên cùng lúc với xây dựng quốc lộ 13. Giờ đây, đường Mỹ Phước - Tân Vạn đi qua các địa danh, di tích lịch sử giúp các thế hệ cháu con nhớ về lịch sử cha ông, đóng góp nhiều hơn cho quê hương mình.

Tuyến đường hình thành, kinh tế phát triển

Nói về ý nghĩa và tác dụng của đường Mỹ Phước - Tân Vạn đối với đời sống người dân địa phương, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường An Phú, TX.Thuận An cho biết, trước khi có con đường này, nơi đây là cánh đồng trống, dân cư thưa thớt. Lúc đó, bà con ở đây sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp chỉ trông chờ vào thiên nhiên, vì cánh đồng lớn nhưng diện tích canh tác không nhiều, nên kênh mương thủy lợi chỉ phát huy phía rìa ngoài. Khi tỉnh đầu tư xây dựng tuyến đường, bà con rất đồng tình hưởng ứng vì có cơ hội thay đổi cuộc sống.

Ông Nguyễn Chí Thiện, ở khu phố Bình Thuận, phường Thuận Giao, TX.Thuận An chia sẻ, gia đình ông đã mấy đời làm nông tại quê nhà. Nhớ lời cha ông và hướng dẫn của địa phương, gia đình ông chuyển đổi từ nghề trồng cây mì, cao su sang xây dựng nhà xưởng, nhà trọ cho thuê, rồi tiếp tục phát triển kinh doanh dịch vụ. Trước đây, khu nhà xưởng của gia đình nằm sau cùng nên những năm đầu ông chỉ cho thuê sản xuất nhỏ lẻ, do đường sá vận chuyển khó khăn, công nhân đi lại không thuận tiện nên doanh nghiệp chỉ thuê theo thời vụ. Nhờ Nhà nước quy hoạch, mở rộng đường, địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân sắp xếp, tổ chức lại công việc cho phù hợp với môi trường mới nên gia đình ông chuyển hẳn từ cho thuê nhà xưởng sang kinh doanh các dịch vụ khác. Đến nay, khu nhà xưởng trước đây của gia đình giờ đã ra mặt tiền, ông cho doanh nghiệp thuê mở cơ sở kinh doanh văn phòng, vừa sạch đẹp vừa cho thu nhập cao.

Giờ đây, ông Phạm Ngọc Hiển rất an tâm với nghề hàn cửa sắt trong ngôi nhà mới tại khu tái định cư thuộc khu phố 9, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một. Ông Hiển chia sẻ: “Gia đình tôi từ ngoài Bắc vào Bình Dương lập nghiệp, mua được miếng đất rộng 160m2 tại khu phố 9, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một để làm nhà ở và xưởng hàn cắt kim loại. Năm 2011, Nhà nước có chủ trương giải tỏa để làm đường Mỹ Phước - Tân Vạn, gia đình tôi chấp hành nghiêm túc nhờ được tuyên truyền hướng dẫn rất cụ thể về chủ trương và lợi ích xã hội của công trình. Điều mà chúng tôi tâm đắc, trân trọng ở dự án này là tính công khai minh bạch và tôn trọng quyền lợi của người dân. Cụ thể, lúc nhận tiền đền bù chúng tôi ghi vào biên bản “Chúng tôi chấp hành bàn giao mặt bằng, nhận tiền đền bù, nhưng sau này các hộ được nâng giá đền bù thì chúng tôi cũng phải được nâng giá”… Và điều này đã thành sự thật. Hiện nay, gia đình chúng tôi có nơi ở mới tốt đẹp hơn nơi cũ và thuận tiện để làm ăn, phát triển dịch vụ. Gia đình tôi rất biết ơn các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhờ tuyến đường này mà đời sống của gia đình được nâng lên…”.

 Quy hoạch giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã được Chính phủ phê duyệt, theo đó các cảng lớn của vùng sẽ chuyển dịch từ TP.Hồ Chí Minh sang khu vực Thị Vải - Cái Mép thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Như vậy, trong tương lai, luồng vận tải công nghiệp phục vụ xuất - nhập khẩu của Bình Dương sẽ đổi hướng: từ hướng Bắc - Nam theo quốc lộ 13 đi TP.Hồ Chí Minh sang hướng Đông Nam qua khu vực Tân Vạn để đi về phía Bà Rịa - Vũng Tàu.

Về giao thông hàng không, cũng theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, cảng hàng không quốc tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ được dịch chuyển dần từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP.Hồ Chí Minh) về sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Hướng từ sân bay Long Thành về Bình Dương sẽ theo quốc lộ 51 qua ngã ba Vũng Tàu về Tân Vạn hoặc theo đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Dây và đường vành đai 3 qua ngã Tân Vạn để từ đó về Bình Dương.

Kỳ 2: Khẳng định giá trị

 DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1109
Quay lên trên