Duyên hải miền Trung: Phát huy lợi thế thu hút đầu tư
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Chiều 21-3, Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung đã được tổ chức tại TP Đà Nẵng.
Khu vực duyên hải miền Trung với 9 tỉnh/thành phố trải dài theo bờ biển 1.400km hướng ra Biển Đông và Thái Bình Dương, là cửa ngõ giao thương với các nước trong khu vực và là nơi giàu tiềm năng phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là kinh tế biển.
Nhiều lợi thế cho phát triển KT - XH
Các tỉnh trong khu vực có bờ biển dài với các bãi biển đẹp như Lăng Cô, Non Nước, Cửa Đại, Nha Trang, Mũi Né, các vịnh, các bán đảo, đảo và quần đảo…. là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch biển đảo, công nghiệp khai thác, chế biển thủy hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá; trong vùng có tới 4 di sản văn hóa thế giới là điều kiện thuận lợi phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Quang cảnh Hội nghị. Tài nguyên khoáng sản cũng rất phong phú như titan phân bố hầu khắp các
tỉnh, vàng sa khoáng, sắt, nhôm, đá…Đặc biệt ở đây còn có các mỏ sa khoáng với
các nguyên tố hiếm, vật liệu xây dựng, các mỏ dầu và nguồn năng lượng gió.
Lợi thế về điều kiện tự nhiên, cùng chính sách đặc thù của các địa phương đã mang lại những kết quả nhất định trong thu hút đầu tư những năm trở lại đây. Theo thống kê, tổng vốn đầu tư của toàn vùng từ năm 2007-2012 là trên 605.000 tỉ đồng, tăng dần qua các năm, bình quân đạt gần 11%/năm. Lũy kế đến năm 2012, Vùng đã thu hút đầu tư được 709 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 25,25 tỷ USD chiếm khoảng 12,14% tổng vốn đăng ký của cả nước.
Bên cạnh đó, chuỗi đô thị các khu vực kinh tế, khu công nghệ cao cũng được hình thành với cở sở hạ tầng khá tốt vị trí gần cảng biển, sân bay có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Những kết quả đó đã góp phần quan đưa vùng duyên hải miền Trung phát triển kinh tế năng động của cả nước. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 12,5%/năm giai đoạn 2006-2011, cao gần gấp hai lần bình quân chung cả nước, GDP bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ, công nghiệp.
Bất cập cần giải quyết và triển vọng
Tuy nhiên theo ông Nguyên Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, kiêm Trưởng Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung, quá trình phát triển của vùng cũng bộc lộ những khó khăn, bất cập cần phải xem xét giải quyết để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đó là tỉ trọng ngành nông nghiệp của vùng còn cao, vốn đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Hạ tầng kinh tế- xã hội còn thiếu chưa đồng bộ là những bài toàn đòi hỏi phải có lời giải đáp.
Các đại biểu dự hội nghị cũng chỉ ra những hạn chế tác động tiêu cực đến việc thu hút các nhà đầu tư lớn như: chính sách ưu đãi đầu tư áp dụng tại các địa phương trong vùng chưa đồng bộ và chưa đủ hấp dẫn; chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) chung vẫn còn thấp; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay.
Nói về triển vọng cải thiện môi trường đầu tư vùng duyên hải miền Trung, TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội TP.HCM cho rằng, lợi thế về tự nhiên và lao động chỉ phát huy khi có nhân tố tác động mang tính đột phá. Việc phát huy lợi thế tự nhiên đòi hỏi các hoạt động kinh tế trong vùng phải đạt được độ tập trung nhất định để đủ hấp dẫn các nhà đầu tư. Đơn cử tại Quảng Nam có công nghiệp ô tô, Quảng Ngãi có lọc hóa dầu và thiết bị công nghiệp nặng, đóng vai trò dẫn dắt tại các khu kinh tế.
Theo ông Trần Du Lịch, lợi thế cạnh tranh mang lại giá trị cho toàn vùng thời gian tới là tham gia chuỗi gia trị toàn cầu, chứ không chỉ giới hạn trong cụm ngành địa phương.
Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông cho rằng liên kết là giải pháp tối ưu nhằm đưa vùng duyên hải miền Trung trở thành một không gian kinh tế thống nhất nhằm phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương, tạo sự phối hợp, hạn chế cạnh tranh bất hợp lý, tạo ra sự phát triển hài hòa, bền vững vì lợi ích của từng địa phương và của toàn vùng.
Vì vậy, Thứ trưởng Đặng Huy Đông đề nghị các địa phương cần tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp theo quy hoạch; đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ các nhà đầu tư giải phóng mặt bằng; tiếp tục thu hút đầu tư các lĩnh vực lợi thế đặc thù như công nghiệp nặng, lọc hóa dầu, công nghiệp chế biến, lắp ráp, sản xuất ô tô, phát triển các loại hình du lịch đa dạng…
Hội nghị cũng cho rằng các địa phương cần ưu tiên nguồn vốn để phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông đường bộ, cầu, cảng …nối liền với các đô thị, các khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm nối liền không gian kinh tế, giảm thời gian, chí phí vận chuyển; đồng thời nâng cao nguồn chất lượng nhân lực tại các khu kinh tế trọng điểm của vùng.
Tại hội nghị lần này, đại diện các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế thế giới cũng đánh giá cao về tiềm năng đầu tư ở Việt Nam và các tỉnh duyên hải miền Trung, nhất là sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực cấp phép đầu tư, giá thuê đất hợp lý, hệ thống cảng chuyên dụng…
Theo Chinhphu.vn