Duyên lành

Cập nhật: 16-01-2023 | 07:24:41

Cứ uống vô hơn xị rượu là Bình hát vống lên: Không phải tại em cũng không phải tại… tui, tại trời xui khiến nên chúng mình xa nhau... Nơi gốc xoài giữa sân xóm trọ, các chị các cô đang bồng con, bồng cháu cười cười “bắt đầu rồi đó, thằng Bình nó lôi cái loa kẹo kéo ra nữa là thành đại nhạc hội!”.

Ông Tư chủ nhà trọ, như mọi lần lại thấy “ngứa gan” bước từ nhà chính ra đứng giữa sân la thằng Bình: “Tại mày làm khùng làm điên nên con Mai bỏ mày đi chứ không có ông trời nào rảnh đi xui khiến mày hết á con. Ổng còn bận lo tùm lum việc á con”. Bà Tư can chồng, thôi ông, kệ nó. Nó đang buồn, có ai làm gì được khi đang muộn phiền chất ngất trong lòng thế kia?... Buồn thì gọt được ra thành cơm thành gạo à? Đàn ông con trai gì đâu! Ông Tư lầm bầm trả treo với vợ.

Bình ngưng hát nhìn ông Tư cười cười rồi kéo thêm cái ghế nhựa. Nói ông Tư hưỡn ngồi uống với con vài ly. Con uống là do… xoài của ông Tư ngon quá! Con uống cho bớt rảnh chớ không sau này bận rộn ập tới, ông Tư không thấy mặt mũi con đâu mà cằn nhằn à.

Rượu vào tâm sự ra. Bình kể hoài kể mãi câu chuyện của nó mà ông đã thuộc, đã phát ngán. Nhưng ông Tư kín đáo che giấu để Bình đỡ tổn thương. Ông nói mày nhìn quanh đi, coi cái xóm trọ này ai là không… hoàn cảnh, ai là không khổ cực ngụp lặn với đời? Kể cả vợ chồng tao đây, chủ nhà chớ gì, giàu chớ gì? Mày biết thỉnh thoảng nửa đêm bà vợ tao thức giấc khóc ngon lành. Nói bà nhớ con trai, con gái đang ở xa tuốt tận trời Tây. Bà nói con cái tưởng là quăng cho ba mẹ mớ tiền làm vài chục cái phòng trọ lấy tiền cho thuê dư sức ăn xài vào những năm xế chiều rồi đi biền biệt. Không biết chúng nó làm gì mà suốt ngày nói bận. Múi giờ đêm ngày khác nhau nên có nói chuyện với con được lâu đâu. Bà nhà tao nói hóa ra vui nhất, đầm ấm nhất là những ngày con trai, con gái đùm đề mấy đứa nhỏ về… tránh dịch Covid-19, hết dịch chúng nó kéo nhau đi, nhà lại vắng hoe.

Ui chết cha! Đã nói không nhắc tới mấy từ đó mày lại buồn mà tao quên mất. Thôi quên đi, hát đi. Mày lôi bài ruột của mày ra mà hát. Gọi thêm con Thúy, con Hồng sang cho vui. Hai đứa hát hay ghê mày! Năm sau tao đăng ký cho tụi nó đi thi hát bolero cấp phường. Biết đâu được chọn lên cấp thành phố. À, thằng Tài nữa, cho nó đi thi vọng cổ. Học vài khóa ngắn ngày đờn ca tài tử là nó hát mùi mẫn thua gì nghệ sĩ ha mày?

Ông Tư nói huyên thuyên nhưng đôi mắt Bình đã ngần ngận nước. Anh nhớ mẹ… Những Thúy, Hồng, Tài mà ông Tư vừa nhắc cũng chung cảnh xa quê như anh nhưng mấy đứa đêm nào cũng được ba mẹ gọi nói chuyện FaceTime trên điện thoại. Còn Bình thì mãi mãi không thể nào gọi cho mẹ hay mẹ gọi cho anh được nữa.

Minh hoạ: TRƯƠNG BỬU SINH

***

Bình quê miền Trung, tốt nghiệp đại học, anh xa quê đi làm với lời hứa con đi vài năm về đón mẹ vào Nam ở cùng. Nhà chỉ một mẹ một con nên với Bình, mẹ và quê hương là một! Về quê có mỗi mình mẹ trông ngóng. Ba mất từ khi anh còn quá nhỏ. Nhà đơn chiếc và mẹ tuy nghèo nhưng dành hết tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con. Bà không đi bước nữa bởi sợ con mình chịu khổ. Hy sinh nhọc nhằn của bà mẹ quê càng làm cho Bình thương mẹ nó nhiều hơn.

Công việc của anh tạm ổn, lương khá và có được cô bạn gái giỏi giang siêng năng là Mai khiến cho Bình cảm thấy cuộc đời đã bớt đi phần nào nghiệt ngã đối với mẹ con anh. Dành dụm tiền gửi về cho mẹ chuộc lại nhà đất bởi lãi mẹ đẻ lãi con từ số tiền mẹ vay cho Bình đi học với anh là một thành công lớn trong cuộc đời. Anh luôn cảm thấy có lỗi khi để mẹ chịu vất vả, nhọc nhằn mà chưa thấy một ngày vui.

Mọi chuyện đang êm đẹp và diễn ra như những gì mà Bình sắp đặt thì đại dịch Covid-19 kéo tới. Đau thương, mất mát, chia ly dồn dập của nạn dịch này đã không chừa ra gia đình Bình. Trong những ngày mẹ lo cho anh ở trong bệnh viện phải cách ly, phải chiến đấu với bệnh tật thì anh đã vượt qua cơn nguy kịch. Đêm nào mẹ con cũng gọi điện nói chuyện với nhau. Mẹ anh là nông dân rặt bỗng chốc trở thành y tá khi nào không hay rồi hướng dẫn anh cách thở, cách ăn uống dinh dưỡng đủ thứ hết. Sợ mẹ lo lắng thái quá cho mình, Bình có khi còn gắt lên: “Mẹ lo cho sức khỏe của mình đi! Đừng lo cho con nhiều quá!”.

Rồi điều anh sợ nhất cũng đã tới. Với tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp cao khiến cho mẹ đã không vượt qua khỏi khi mắc Covid-19. Khó khăn lắm anh mới được về tới quê nhà. Khó khăn lắm anh mới lo chu toàn chuyện hậu sự cho mẹ. Ngày buộc phải quay trở lại với công việc dở dang ở công ty, anh như trở thành một con người khác. Ráng chiều ở quê nhà không như trước nữa. Với Bình, nó không còn ý nghĩa của hò hẹn, của đoàn viên. Bên hiên nhà không có bóng hình mẹ dõi theo. Anh lầm lũi bước đi với nỗi áy náy mình đã không tròn chữ hiếu với mẹ.

Sau khi mẹ mất, Bình như trở thành một con người khác. Anh trở nên cáu gắt, khó chịu, làm việc mất tập trung nên thường bị cấp trên rầy la, không tin tưởng để giao việc. Các dự án xây dựng lớn, nhỏ gì có anh tham gia trở nên rối rắm, trì trệ. Lo cho người yêu bị trầm cảm bởi mất mát quá lớn, bởi hậu Covid-19 như truyền thông vẫn hay nhắc tới, Mai chạy chữa đủ thứ cho anh. Nhưng tình hình vẫn rất tồi tệ và càng tệ hơn khi anh tìm quên trong men rượu.

Đỉnh điểm của một lần đến phòng trọ tìm người yêu, Mai thấy Bình đang khóc nức nở. Nói kiểu gì cũng không khiến anh nguôi ngoai, Mai buột miệng, lỡ lời: “Bộ anh tính làm đứa con hiếu thảo, khóc mẹ đến mù mắt hay sao? Anh yếu đuối vừa thôi chứ! Yếu đuối cho ai xem?”. Có chừng đó thôi mà Bình nhìn cô như người xa lạ. Trong chốc lát mắt anh ráo hoảnh, nói ừ, tôi bây giờ không hợp với người tỉnh táo, tham công tiếc việc như cô. Sau câu nói đó là cánh cửa đóng sầm lại. Mai khóc và lủi thủi ra về trong tủi hổ. Áp lực trong công việc, mệt mỏi vì những tháng ngày lo chạy chữa căn bệnh trầm cảm cho Bình khiến cô rã rời…

Không trực tiếp gặp được Bình, Mai âm thầm nhờ ông bà Tư gửi thuốc cho anh điều trị theo đúng liệu trình. Cô như chiếc bóng đi về và thỉnh thoảng ghé qua khu nhà trọ khi biết Bình không có ở đó. Nhiều lần Mai gửi đồ ăn ngon cho bà Tư với lời dặn cô đừng nói của con, ảnh giận không ăn mất công. Tiền trọ của Bình cô cũng âm thầm gửi lại khi biết anh công việc bấp bênh, thu nhập không còn như trước. Bà Tư từ chối thẳng thừng: “Thôi con gái, lo cho nó như vầy được rồi, cô coi thằng Bình như con nên cứ cho nó ở nhờ đến khi nào nó chán đi nơi khác hay về quê thì thôi, tiền nong gì!”. Trong thâm tâm, bà Tư quý hai đứa bởi chúng biết quý chữ nghĩa, chữ tình. “Thằng Bình ngó bộ làm phách vậy chứ nó nhớ con Mai lắm đó ông, lựa lời kêu nó đi tìm con Mai xin lỗi một tiếng” - Bà Tư hay nhắc chừng chồng để kết nối duyên tình cho hai đứa…

***

Đang uống lai rai bỗng dưng Bình không uống nữa, cũng không hát nữa. Ông Tư chưng hửng với cái sự dừng đột ngột của nó: “Gì nữa mày? Vụ gì?”. “Dạ con nghĩ kỹ rồi chú Tư, con… phiền chừng này đủ rồi. Mai nói đúng, yếu đuối cho ai coi? Mẹ con có còn chắc cũng buồn vì con lắm! Con giận cổ vì cứ nghĩ một người có đầy đủ mọi thứ như Mai, có ba mẹ, có em trai, công việc bao người mơ ước sẽ không chịu đựng nổi một đứa như con nên cố tình xua đuổi cổ. Cô chú cũng đừng giấu con nữa. Mai đem gì cho con con biết hết. Quà từ thiện đâu ra mà ngon vậy, đẹp vậy? Nhưng con xấu hổ không dám gặp Mai. Chú cứ nói với Mai con hết bệnh rồi, đừng mua thuốc cho con nữa. Với lại con sẽ đi học thêm tiếng Anh, sẽ đi làm trở lại. Nếu thuận lợi con đi nước ngoài học và làm việc tiếp. À, chú cho con địa chỉ con của chú con ghé chơi nha!”…

Ơ cái thằng này, mày lại trở về là thằng Bình ngày xưa tao biết nè. Mừng quá con ơi, mừng quá!

Thời buổi thông tin nhanh… xé gió. Ông Tư giả vờ nói thôi mày nghỉ uống tao cũng về rồi nhanh chóng ra đầu ngõ… báo cáo tình hình với Mai. Cô mừng rơi nước mắt…

“Giờ đến… kịch bản của bà và tui nè, hai đứa này không dễ gì làm lành với nhau đâu. Con Mai cũng phải danh giá lên chứ không thể bỏ qua khơi khơi cho thằng Bình được. Bà giả vờ… bệnh đi! Vô bệnh viện hẳn hoi cho thằng Bình nó chăm. Cái thằng này nghe bà có chuyện gì nó cuống lên phải biết, rồi con Mai tình cờ tới. Đụng mặt nhau xong chuyện còn lại là của… chúng nó!” - Ông Tư tự vẽ ra kịch bản. Bà Tư cười như mếu nói sao ông không giả vờ bệnh đi là kêu tui, chơi gì xui xẻo vậy? Ông Tư nói giả vờ thôi mà, giả vờ vậy sống lâu. Tui ở vòng ngoài nắm tình hình dễ hơn bà.

Sự sắp đặt của ông bà Tư có kết quả thiệt. Bình nay cũng lôi loa kẹo kéo ra nhưng không hát “không phải tại em cũng không phải tại tui” nữa mà hát những bài sôi động, hát nhạc xuân thật tưng bừng. Mỗi lần anh hát, Thúy, Hồng, Tài cũng nhịp chân nhún nhảy và hát theo vang cả xóm trọ.

Ông Tư một ngày nghe điện thoại xong mừng rỡ ra gốc cây xoài thông báo. Khi đó Mai và bà Tư đang lúi húi làm mấy món ngon trong bếp. Cả nhà ơi, cuối năm nay tám đứa con, dâu rể, cháu nội ngoại của tui về quê ăn tết nè. Thằng Bình đâu rồi? Mày đừng tự ái nhà trai không có ai đi hỏi vợ cho mày nữa nha. Đàn con cháu tao về, bà con xóm trọ này nữa… dư sức làm đàng trai cho mày. Hai đứa về thưa chuyện trước bên nhà con Mai, về quê chăm nom hương khói cho mẹ đàng hoàng đi rồi qua tết vô đây tính chuyện cưới xin luôn…

Mai bưng khay củ kiệu mới cắt, rửa xong nơi hàng hiên phơi cho kịp nắng. Ánh mắt cô vui long lanh. Bình lóng ngóng liếc nhìn Mai rồi nói… ba nuôi với con lặt lá mai cho kịp tết nè.

Nơi hàng hiên, bà Tư hấp háy đôi mắt đã hằn nếp nhăn nói cảm ơn trời phật vẫn đem duyên lành đến cho xóm trọ…

Truyện ngắn: TRẦN QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết
Tags
Covid-19

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2335
Quay lên trên