Facebook đình chỉ 69.000 ứng dụng mạng xã hội

Cập nhật: 24-09-2019 | 08:36:16

Phần lớn ứng dụng bị đình chỉ vì nhà phát triển không hợp tác với Facebook và khoảng 10.000 app bị gắn mác chiếm dụng dữ liệu cá nhân.

Cụ thể, 69.000 ứng dụng bị đình chỉ hoạt động có liên quan đến 400 nhà phát triển. Số trên cao hơn nhiều so với mức 400 ứng dụng bị nghi ngờ đánh cắp dữ liệu người dung mà Facebook công bố từ tháng 8 năm ngoái. Câu hỏi: "Liệu dữ liệu người dùng trên Facebook có còn an toàn?" tiếp tục được "làm nóng" trở lại.

Facebook đã điều tra hơn 69.000 ứng dụng nghi đánh cắp thông tin người dùng. Ảnh: NyTimes.

Facebook đã điều tra hơn 69.000 ứng dụng nghi đánh cắp thông tin người dùng. Ảnh: NYTimes.

Là mạng xã hội lớn nhất thế giới, Facebook hiện có kho dữ liệu của hơn hai tỷ người dùng. Các ứng dụng trên Facebook rất đa dạng về hình thức, từ nghe nhạc như Spotify, đến chơi game như Candy Crush. Đa số đều yêu cầu người dùng cho phép truy cập vào thông tin cá nhân để tăng danh sách thành viên mới.

Năm 2016, mạng xã hội này dính vào scandal rò rỉ dữ liệu khách hàng khi Cambridge Analytica - công ty được nhóm chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump thuê năm 2016 - sử dụng thông tin của 50 triệu người dùng Facebook bị thu thập bất hợp pháp nhằm tác động lên cử tri. Khi ấy, Facebook cho biết có khoảng 87 triệu người dùng bị đánh cắp dữ liệu.

Từ khi dính scandal, Facebook đã phải đối mặt với nhiều vụ kiện cũng như chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý cũng như nhiều nhà lập pháp trên toàn thế giới về việc liệu hãng có thưc sự bảo vệ được dữ liệu người dùng hay không. Bộ Tư pháp Mỹ và FBI đang cùng nhau điều tra Cambridge Analytica. Trong khi đó, CEO Mark Zuckerberg của Facebook vừa có mặt tại Washington để gặp mặt Tổng thống Donald Trump và xin lỗi ông vì hành vi sử dụng dữ liệu người dùng không tốt đồng thời hứa hẹn sẽ thay đổi. Mark Zuckerberg cũng khẳng định sẽ kiểm tra tất cả ứng dụng củ bên thứ ba để đảm bảo rằng thông tin người dùng Facebook không bị lợi dụng.

Jules Polonetsky, CEO của Future Privacy Forum - một tổ chức phi lợi nhuận về bảo mật dữ liệu cho biết: "Mọi công ty và đặc biệt các nhà phát triển ứng dụng liên quan cần hiểu rõ hậu quả của việc lợi dụng dữ liệu khách hàng. Nếu tránh được các hình phạt pháp lý liên quan đến app, các nhà phát triển sẽ mặc định rằng không có rủi ro nào về pháp luật với họ, quyền riêng tư chỉ là trách nhiệm riêng của nền tảng cũng như thuộc về điều khoản thoả thuận khi đồng ý sử dụng dịch vụ của Facebook". Ông cũng kêu gọi Uỷ ban Thương mại Liên bang (Mỹ) có hành động nhanh chóng để giải quyết các nhà phát triển vi phạm điều khoản liên quan đến dữ liệu khách hàng của Facebook.

Một nguồn tin cho biết hồi tháng 7, Facebook đã thoả thuận với Uỷ ban Thương mại Liên bang về khoản bồi thường 5 tỷ USD cùng cam kết tăng cường giám sát việc dữ liệu người dùng. Nhiều ý kiến lên án thoả thuận này không đủ mạnh để bảo vệ người dùng và kêu gọi cơ quan này phải có động thái cương quyết hơn đối với Facebook.

Thượng nghị sĩ bang Oregon, ông Ron Wyden, cho biết: "Facebook đã giăng bảng hiệu quảng cáo về dữ liệu cá nhân miễn phí và cho phép các nhà phát triển ứng dụng thu thập thông tin cá nhân của người Mỹ. Uỷ ban Thương mại Liên bang cần phải buộc Mark Zuckerberg chịu trách nhiệm cá nhân về việc này".

Uỷ ban Thương mại Liên bang sau đó đã gửi đi thông cáo báo chí với nội dung khẳng định họ nhận thức được vấn đề. Cơ quan này cũng đã yêu cầu Facebook phải thắt chặt chính sách để đảm bảo các nhà phát triển ứng dụng tuân thủ.

Facebook vẫn nói một đằng, làm một nẻo

Ime Archibong, đại diện của Facebook, xoa dịu lo lắng bằng cách tuyên bố rằng hàng loạt app bị đình chỉ không đồng nghĩa với việc chúng có nguy cơ gây hại cho người dùng. Ông cho biết chúng bị dừng đơn giản vì không đáp ứng được yêu cầu cung cấp thông tin cho Facebook, một số trong đó còn chưa được tung ra trên mạng xã hội.

Vị đại diện tiết lộ hồi tháng 5, Facebook đã kiện một công ty nghiên cứu dữ liệu Hàn Quốc có tên Rankwave vì từ chối hợp tác điều tra. Ông nói có khoảng 400 nhà phát triển liên quan đến hàng chục nghìn app bị đình chỉ. Sở dĩ số lượng lớn như vậy bởi các nhà phát triển phải làm ứng dụng cho nhiều khách hàng khác nhau đồng thời tạo ra nhièu bản thử nghiệm trước khi triển khai rộng rãi.

"Cuộc điều tra sẽ vẫn tiếp tục. Mỗi tháng qua đi, chúng tôi đối chiếu được những gì mình biết với cách mà các nhà phát triển tạo ra ứng dụng trên nền tảng của Facebook. Hãng cũng đang cải thiện cách điều tra và đưa ra cách giải giải quyết những cơ nguy vi phạm quy định", Ime Archibong viết.

Thời gian qua, Facebook luôn tìm cách đối phó với Văn phòng Tư pháp bang Massachusetts để các thông tin về cuộc điều tra ứng dụng trên nền tảng của mình không bị công khai. Sau vụ Cambridge Analytica vỡ lở, Facebook bị công tố viên bang này kiểm tra về các hoạt động chia sẻ dữ liệu hồi đầu năm 2018 và yêu cầu công ty này phải cung cấp thông tin. Tháng trước, Facebook kiến nghị lên toà án Boston đòi niêm phong hồ sơ. Đến cuối tuần trước, dấu niêm phong bị yêu cầu gỡ. Tuy vậy, khi được yêu cầu nêu tên ứng dụng nào vi phạm, Facebook một mực từ chối tiết lộ.

"Trong gần một năm qua, Facebook luôn tìm cách che đậy thông tin về việc chia sẻ dữ liệu người dùng với các nhà phát triển. Giá như Facebook thực sự quan tâm tới sự riêng tư của người dùng khi họ quyết định chia sẻ dữ liệu cá nhân của tất cả mọi người lên mạng", bà Maura Healey cho biết.

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2886
Quay lên trên