FDI năm 2010: Đón đầu xu thế
Năm 2009 thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 21,48 tỷ USD, bằng 24,6% so với năm 2008, nhưng là con số khá cao trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Năm 2010, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) dự tính thu hút 22-25 tỷ USD vốn FDI, tăng 10% so với năm 2009. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hấp thụ nguồn vốn này như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất.
Tận dụng lợi thế
Nhiều tổ chức tài chính, chuyên gia kinh tế nước ngoài nhận định năm 2010 nguồn vốn FDI vào Việt Nam có nhiều triển vọng. Mới đây, Tập đoàn tài chính đầu tư Goldman Sachs (Hoa Kỳ) đã xếp Việt Nam nằm trong nhóm 11 nước (N-11) có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2010 và là địa chỉ đầu tư tốt cho các nhà đầu tư thế giới trong các năm tiếp theo.
Theo Goldman Sachs, các nước nhóm N-11 có số dân lớn và đang tăng nhanh, là lợi thế - dân số lớn đồng nghĩa với nhiều cơ hội kinh doanh - so với các nước công nghiệp phát triển có dân số giảm mạnh. Nhiều nước trong nhóm N-11 đã khẳng định khả năng sản xuất hàng tiêu dùng và tiềm lực tiêu dùng của người dân. Nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như dầu mỏ và các nguyên liệu quý khác cũng giúp đẩy nhanh các nền kinh tế nhóm nước N-11. Các lợi thế này đã tạo ra tiềm lực lớn của nhóm N-11 về tăng trưởng kinh doanh và tăng trưởng tiêu dùng, mở ra những cơ hội cho các nhà đầu tư.
Chế biến nông sản là một trong những ngành được ưu tiên vốn FDI trong năm 2010.
Ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT phát biểu. “Vốn FDI cam kết năm 2009 tuy không bằng những năm trước nhưng vẫn giữ được ổn định và tốc độ giải ngân ở mức khá cao. Năm 2010, dự báo chỉ số về vốn thực hiện dự kiến sẽ tăng cao hơn năm 2009, do dòng vốn đăng ký của các năm trước đều ở mức cao và nền kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi”.
Ông Horst F.Geicke, Chủ tịch HĐQT VinaCapital Group, nói: “Năm 2010 và những năm tiếp theo Việt Nam vẫn rất hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Việc FDI vào Việt Nam trong năm 2009 giảm không phản ánh thái độ của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường này, vì bản thân các tập đoàn trên thế giới cũng gặp rất nhiều khó khăn trong cơn bão tài chính vừa qua. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam rất ưu ái, tạo nhiều điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam thu hút đầu tư trong những năm tới”. Theo ông Geicke, các lĩnh vực thu hút FDI vào Việt Nam phát triển mạnh trong năm tới gồm: dịch vụ y tế, sản xuất hàng tiêu dùng, dịch vụ tài chính, ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch thân thiện với môi trường, ngành công nghệ cao. Trong khi đó, ông Yip Hoong Mun, Trưởng đại diện Capital Land Holding tại Việt Nam, đánh giá môi trường kinh doanh Việt Nam cao hơn các nước khác. Nếu xét theo thang điểm 10, Việt Nam đạt điểm 7-8. “Chúng tôi đã quyết định đầu tư thêm vào Việt Nam trong năm 2010. Chúng tôi cũng nhìn nhận dòng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2010 sẽ cao hơn nhiều so với năm 2009” - ông Yip Hoong Mun nhấn mạnh.
Định hướng và chọn lọc
Bộ KH-ĐT xác định trong năm nay sẽ chọn lọc để hướng dòng vốn FDI vào những lĩnh vực quan trọng như công nghiệp phụ trợ, phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Các ngành khác cũng nhận được sự ưu tiên là chế biến nông sản, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, ngành sản xuất tiết kiệm năng lượng và các ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn. Làm được điều này cũng phụ thuộc rất nhiều vào địa phương trong bối cảnh phân cấp mạnh mẽ về cấp phép đầu tư. Thêm vào đó, xu thế chuyển vùng của các nhà đầu tư trên thế giới đang thể hiện rất rõ: đầu tư cho sản xuất trực tiếp ở nước ngoài. Vì thế, theo các chuyên gia kinh tế, chúng ta cần tích cực hơn, khẩn trương hơn để đón đầu xu thế này và cần vận dụng mọi biện pháp tranh thủ cơ hội đầu tư cũng như cơ cấu lại danh mục đầu tư. Bên cạnh đó, cần sớm khắc phục các “nút thắt” về hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp phụ trợ.
Ông Lê Đình Ân, Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, cho rằng thu hút FDI trong năm 2010 phải gắn chặt với quá trình tái cấu trúc kinh tế; thu hút FDI hướng vào những ngành nghề, sản phẩm cụ thể, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhằm khai thác tối đa tiềm năng và hiệu quả của nguồn vốn này. Trước hết, cần xây dựng quy hoạch tổng thể về thu hút FDI. Từ trước đến nay, chúng ta mới định hướng thu hút FDI mà chưa xây dựng một quy hoạch, chiến lược thu hút FDI gắn với các loại quy hoạch khác như quy hoạch vùng, quy hoạch ngành... Sau khủng hoảng kinh tế, nhiều nước trên thế giới bắt đầu tiến hành tái cấu trúc kinh tế theo hướng tập trung phát triển những sản phẩm có công nghệ đi tắt đón đầu, đem lại lợi nhuận cao. Vì vậy, cần dự báo đúng luồng luân chuyển vốn FDI của thế giới, xu hướng của các nhà đầu tư, từ đó nắm bắt, điều chỉnh chiến lược thu hút vốn FDI vào nước ta. Chẳng hạn, dòng vốn FDI vào các ngành nhạy cảm với chu kỳ kinh doanh và chịu tác động mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng như ô tô, hóa chất, kim loại... sẽ không khả quan trong năm 2010.
Hài hòa và lợi ích đặt lên hàng đầu
Có thể thấy triển vọng thu hút FDI năm 2010 sẽ cao hơn mức tăng 10% mà Bộ KH-ĐT đặt ra. Nhưng bài học về thu hút FDI trong vài năm gần đây cho thấy chúng ta cần có giải pháp để chọn lọc những gì cần thiết cho giai đoạn phát triển sắp tới của đất nước từ triển vọng thu hút FDI. Thống kê của Bộ KH-ĐT cho thấy trong 2 năm 2008-2009, vốn FDI đăng ký và tăng thêm khoảng 85,5 tỷ USD, vượt mức 83,1 tỷ USD của cả 20 năm trước đó. Những lợi ích thu được từ vốn FDI đã rõ nhưng cũng dần bộc lộ những hạn chế. Biểu hiện rõ nhất là sự mất cân đối trong đầu tư ở các ngành nghề, vùng lãnh thổ. Đó là sự bùng nổ các siêu dự án thép khi chưa có sự chuẩn bị về nguồn nguyên vật liệu, năng lượng và hạ tầng giao thông, dự báo sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, phá vỡ quy hoạch ngành, đe dọa an ninh năng lượng. Việc chuyển giao công nghệ ở nhiều dự án đầu tư nước ngoài chưa hiệu quả, nhiều dự án sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, như trường hợp của liên doanh sửa chữa tàu biển Hyundai Vinashin. Trong đó, việc Nhà máy Vedan xả nước thải không qua xử lý, đầu độc sông Thị Vải đã trở thành tâm điểm của dư luận trong năm 2008. Đó là chưa kể nhiều liên doanh được lập ra để hưởng những ưu đãi về thuế, đất đai, thu hút vốn kiểu “mỡ nó rán nó”, còn vốn đầu tư nước ngoài đưa vào không đáng kể. Rồi hàng loạt dự án sân golf chiếm dụng đất, thực chất là các dự án bất động sản trá hình...
Năm 2009, làn sóng FDI vào nước ta không còn ồ ạt như trước. Thời kỳ này cần được xem như một khoảng lặng cần thiết để đánh giá lại những chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, hướng đi trong thời gian tới để tiếp tục thu hút mạnh hơn nguồn vốn từ bên ngoài, từ đó kiểm soát và nâng cao hiệu quả nhiều mặt của nguồn vốn này. Dù rất mong muốn tăng nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhưng phải kiên quyết nói không với những dự án đầu tư có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm hoặc tác động xấu tới môi trường.
Vốn đầu tư nước ngoài có nhiều ưu điểm, mang lại nhiều lợi ích cho nước nhận đầu tư, nhất là với một nền kinh tế đang trên đà phát triển như nước ta. Tuy nhiên, bản thân vốn FDI không phải là chìa khóa vàng đem lại sự phát triển, quan trọng là chúng ta sử dụng nguồn vốn đó như thế nào.
Theo SGGP