FDI tăng tốc hướng bền vững

Cập nhật: 21-01-2011 | 00:00:00

Cùng với nhiều thành tựu kinh tế khác, lĩnh vực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của tỉnh trong năm 2010 tiếp tục đạt kết quả khả quan. Đáng chú ý bên cạnh xu hướng tăng nhanh theo hướng bền vững, trong mắt nhà đầu tư FDI, Bình Dương vẫn là điểm đến hấp dẫn.

Thước đo sự hài lòng

Thành quả là thước đo sự hài lòng quả thật không sai. Theo UBND tỉnh, năm 2010 thu hút FDI của Bình Dương đạt 1 tỷ 50 triệu USD. Kết quả này đã nâng nguồn vốn FDI toàn tỉnh hiện nay lên 2.006 dự án của doanh nghiệp (DN) đến từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn gần 13,7 tỷ USD. Nét mới trong năm 2010, thu hút FDI tiếp tục phát triển theo hướng tăng nhanh về chất và đa dạng về cơ cấu ngành nghề. Đáng chú ý là có đến gần 70% số vốn đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN). Điều này cho thấy sự chuyển hướng rõ rệt theo chủ trương của tỉnh, tập trung đầu tư vào các KCN hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng nhằm phát triển theo hướng bền vững. Phân tích kết quả này, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng cho rằng: “Năm 2010, tuy tình hình khó khăn vẫn còn nhưng thu hút FDI của tỉnh như vậy rất đáng phấn khởi. Việc thu hút FDI mạnh là tín hiệu vui vì thành phần kinh tế này góp phần vô cùng quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước cũng như tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp cao. Hơn nữa sản phẩm công nghệ cao, có khả năng cạnh tranh tốt được các DN FDI đầu tư mạnh. Điều này rất hợp với định hướng phát triển công nghiệp bền vững mà Bình Dương đặt ra”.

 

Nguồi vốn FDI vào Bình Dương đang gia tăng theo hướng công nghệ cao. Trong ảnh: Sản xuất phụ tùng ô tô tại Công ty TNHH DJV

Thành công trong thu hút FDI của Bình Dương là kết quả tất yếu, bằng nhiều giải pháp như phát huy yếu tố “thiên thời, địa lợi”, đổi mới thủ tục hành chính công, tạo môi trường thông thoáng... Chính vì thế đã tạo tiếng thơm trong thu hút đầu tư. Đánh giá về môi trường đầu tư của Bình Dương, hơn ai hết chính từ các DN FDI. Theo Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư Hàn Quốc tại Bình Dương Paik In Ki: “Hạ tầng công nghiệp tốt, sự quan tâm của tỉnh đã tạo sự an tâm bỏ vốn đầu tư cho DN. Đây là những yếu tố quan trọng giúp DN thành công khi đầu tư. Hiệp hội sẽ tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối để các DN Hàn Quốc hiểu rõ hơn về Bình Dương cũng như nâng cao nguồn vốn đầu tư vào tỉnh”. Nhận xét về Bình Dương, ông Hirota Nakanishi, đại diện tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cho rằng: “Bình Dương có dịch vụ hành chính công hoàn chỉnh, có các công ty đầu tư hạ tầng KCN chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, việc hình thành và xây dựng đô thị được tỉnh tập trung chú trọng sẽ giúp lực lượng kỹ sư, chuyên viên và lực lượng lao động an cư lạc nghiệp; tỉnh cũng đã hoàn thiện môi trường sống phù hợp cho người nước ngoài... là những yếu tố quan trọng tăng tính hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua”.

Không chỉ có DN, dưới góc nhìn của các chính khách, Bình Dương cũng là điểm đến hàng đầu. Nói như nguyên Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM Ikuo Mizuki tại hội thảo xúc tiến đầu tư giữa Bình Dương và Nhật Bản trong năm 2010: “Bình Dương là điểm đến hàng đầu trong việc thu hút FDI và luôn được xếp ở thứ hạng cao trong cả nước. Những số liệu cụ thể của DN đầu tư vào tỉnh là bằng chứng xác thực nhất về môi trường thu hút đầu tư của Bình Dương, một môi trường đầu tư tuyệt vời gần với “Tiêu chuẩn quốc tế” nhất ở Việt Nam”. Trong khi đó, nhận xét về Bình Dương, Tổng Lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại TP.HCM, ông Jos Schellaars mới đây cũng khẳng định: “Trong những năm qua, tình hình kinh tế - chính trị của Việt Nam rất ổn định, đây là điều kiện tốt để DN Hà Lan đầu tư. Trong môi trường chung tốt đẹp đó, Bình Dương nổi lên như điểm đến hàng đầu tại Việt Nam”.

Môi trường tiếp tục hấp dẫn

Cùng với tăng nhanh về lượng, thời gian qua đã có nhiều dự án FDI lớn đầu tư vào tỉnh như dự án sản xuất vỏ xe của Tập đoàn Kumho Asiana (Hàn Quốc) có tổng vốn 360 triệu USD, dự án sản xuất bao bì của Tập đoàn SCG Siam Cement (Thái Lan) đầu tư 140 triệu USD, dự án Khu đô thị sinh thái Mỹ Phước do SP Setia Berhad (Malaysia) đầu tư với vốn 620 triệu USD, dự án nhà máy sản xuất nước giải khát của Kirin Acecook Việt Nam (Nhật Bản) có vốn 60 triệu USD, dự án khu kho vận Mapletree (Singapore) 70 triệu USD...

Để tiếp tục hấp dẫn FDI phát triển bền vững trong thời gian tới, Bình Dương đã và đang tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng KCN, phát triển đô thị, phát triển đào tạo nghề, phát triển giao thông nhằm phục vụ tốt hơn nữa cho DN. Trong đó, nhiều dự án nổi bật như Thành phố mới Bình Dương 1.000 ha đang xây dựng; đường tạo lực Mỹ Phước - Tân Vạn với vốn đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng đang được triển khai; trường Đại học Quốc tế Miền Đông do Becamex IDC làm chủ đầu tư hiện đã hoàn tất nhằm đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho DN. Bên cạnh đó còn xây dựng bệnh viện quốc tế, tuyến đường metro, các khu đô thị kế cận các KCN... Tất cả những dự án này là sự chuẩn bị chu đáo, góp phần quan trọng để Bình Dương vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với DN FDI.

Với môi trường đầu tư thuận lợi, cộng với giải pháp mà Bình Dương đã và đang thực hiện trên, chắc chắn rằng thời gian tới nguồn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào tỉnh. Đây còn là tiền đề vững chắc để tin rằng, thu hút FDI năm 2011 của Bình Dương lại hứa hẹn về đích trước thời gian.

 TRỌNG MINH

* Tổng Giám đốc Lotte Việt Nam (thuộc Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc) HONG PYONG GYU: Ưu tiên trong chọn lựa đầu tư

Lotte đánh giá rất cao vị thế của Bình Dương và đây cũng là địa phương ưu tiên chọn lựa đầu tư của tập đoàn trong chiến lược phát triển mạng lưới của Lotte tại Việt Nam. Thời gian tới, Lotte sẽ xúc tiến nhanh việc đầu tư tại tỉnh để sớm đưa Lotte Mart tại Bình Dương đi vào hoạt động. Chúng tôi rất tự tin sẽ phát huy hiệu quả khi đầu tư vào lĩnh vực thương mại trên địa bàn.

 * Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Finecs NOBORU MATSUDA: Thuận lợi về nhiều mặt

Môi trường đầu tư của Bình Dương rất tốt. Qua khảo sát nhiều nơi, Finecs chọn KCN VSIP I để đầu tư và dự án sẽ khởi công vào năm nay với vốn đầu tư gần 3 triệu USD, dự kiến công suất nhà máy đạt 5 tỷ sản phẩm/năm. Tuy mới chuẩn bị khởi công nhưng hiện nay 32 kỹ sư Việt Nam là cán bộ khung của nhà máy đã được tuyển và gửi đi đào tạo tại Nhật để chuẩn bị cho hoạt động của nhà máy được thuận lợi.

* Chủ tịch Công ty Sukmono Việt Nam (thuộc Tập đoàn Padifood Hà Lan) THE THIAM HENG: Doanh nghiệp rất an tâm

Trong thời gian triển khai, chúng tôi gặp rất nhiều thuận lợi, với những thủ tục hành chính nhanh gọn, sự giúp đỡ tận tình của các cấp đã giúp chúng tôi triển khai dự án đúng tiến độ. Ngoài hạ tầng tốt, các dịch vụ đi kèm như nhà ở công nhân, làng chuyên gia, các khu đô thị... bên cạnh các KCN được tỉnh chú trọng phát triển là cực kỳ quan trọng. Vấn đề này sẽ còn làm cho nhà đầu tư an tâm hơn khi chọn lựa và quyết định đầu tư.   

* Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật công nghệ YACHT Việt Nam LEE FANG - MING: Có nhiều ưu thế để hấp dẫn

Trước khi đầu tư, chúng tôi đã đi một số tỉnh, thành để tìm hiểu môi trường đầu tư. Qua 4 ngày làm việc tại Việt Nam, chúng tôi đã chọn Bình Dương để triển khai dự án vì nơi đây có những ưu thế về quy hoạch, nhất là hạ tầng của các KCN rất hoàn chỉnh và hiện đại, có hệ thống giao thông thuận lợi và kết nối là những tiêu chí hàng đầu để DN chọn lựa nơi đầu tư sản xuất.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên