Festival nghề truyền thống Huế: Nơi tôn vinh giá trị tinh hoa di sản

Cập nhật: 04-05-2023 | 06:47:52

Các em thiếu nhi thành phố Huế tham gia góc trải nghiệm điêu khắc của không gian trưng bày sản phẩm thủ công Nhật Bản.

Sự quy tụ của 69 làng nghề trong và ngoài nước đã tạo nên một kỳ Festival nghề truyền thống Huế đặc sắc, tôn vinh những giá trị văn hóa, nét đẹp của các làng nghề Việt Nam.

Đây cũng là cơ hội để hơn 350 nghệ nhân, bàn tay vàng trong nước được cọ sát, lĩnh hội có chọn lọc những tinh hoa nghề truyền thống từ bạn bè quốc tế và xây dựng mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.

Các bạn trẻ háo hức tìm hiểu văn hóa các quốc gia

Tranh thủ những ngày nghỉ lễ 30/4-1/5, chị Võ Thị Minh Trang (thành phố Huế) đưa con gái đến vui chơi tại các không gian trưng bày sản phẩm của Festival nghề truyền thống Huế 2023.

Bên cạnh những gian nhà giới thiệu sản phẩm nghề truyền thống trong nước, dọc bờ Nam sông Hương thơ mộng, sắc màu xinh đẹp của hanbok, kimono đã "lôi kéo" bước chân của hai mẹ con.

Trong khu vực trưng bày làng nghề truyền thống của đất nước mặt trời mọc, các nghệ nhân và tình nguyện viên đã hướng dẫn tận tình cho con gái chị Trang thực hiện sản phẩm thủ công tre Suruga theo phong cách của Nhật Bản.

Chị Minh Trang cho hay, con chị rất thích thú khi được tự tay làm nên sản phẩm này và sẽ mang về nhà trang trí trên góc học tập của mình. Các công đoạn thực hiện khá dễ dàng nên hầu hết thành quả của các bạn nhỏ đều rất mỹ mãn.

Không chỉ được trải nghiệm làm đồ mây tre, du khách có mặt trong không gian trưng bày của các nghệ nhân Nhật Bản còn có thể khám phá nhiều điều mới lạ về các nghề truyền thống từ xứ sở Phù Tang như: Nghệ thuật chạm khắc thủ công của thành phố Takayama hay chiếc kiệu Danjiri mini đến từ thành phố Saiji có cách lắp ráp độc đáo khi không dùng đinh, keo; thưởng thức nhiều loại rượu Sake - thức uống nổi tiếng của người Nhật hay viết chữ lên giấy trang trí đèn lồng...

Nhiều gia đình tại thành phố Huế lựa chọn đưa con đến tham quan các không gian này để các bạn trẻ được tìm hiểu văn hóa các quốc gia. Hầu hết, các em đều háo hức và bị lôi cuốn bởi những trang phục truyền thống hanbok cầu kỳ, đẹp mắt của "xứ sở kim chi"; sự tỉ mỉ trong từng chi tiết của những sản phẩm thủ công Nhật Bản khi đến đây.

Những văn hóa, tinh hoa nghề truyền thống Hàn Quốc và Nhật Bản như dệt may với nghệ thuật nhuộm tự nhiên, sơn mài khảm xà cừ, gốm Tamba của thành phố Sasayama (Nhật Bản)... đã được gói trọn trong không gian Festival nghề truyền thống Huế 2023 đầy sắc màu. Các nghệ nhân của hai quốc gia đã truyền tải những nét đẹp văn hóa, tinh hoa đến người dân, du khách và các nghệ nhân Việt Nam thông qua những bước thao diễn tài ba, điệu nghệ.

Chuyên nghiên cứu và phục vụ các đoàn làm phim cổ trang Hàn Quốc trong việc tạo kiểu tóc, nghệ nhân Lee Seung Mi đưa đến Festival nghề truyền thống Huế 2023 những thiết kế, kiểu tóc tâm đắc để giới thiệu đến người dân xứ Huế. Các kiểu tóc được tết, bối công phu, tỉ mỉ với nhiều phụ kiện mang hơi hướng truyền thống của cung tần, phi nữ xưa dưới các triều đại đất nước.

Bà Lee chia sẻ, đây là lần đầu bà tham gia Festival nghề truyền thống Huế. Bà rất vinh dự, vui mừng khi nhận được lời mời từ Ban Tổ chức. Tham gia sự kiện này, bà mong muốn góp phần xây dựng mối quan hệ hữu nghị đoàn kết Việt-Hàn ngày càng bền chặt hơn.

Giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống đến bàn bè quốc tế

Tại không gian trưng bày, thao diễn các sản phẩm nghề thủ công truyền thống của các thành phố, tổ chức quốc tế, các nghệ nhân tài hoa, giàu kinh nghiệm của tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đem đến những tác phẩm thủ công tinh xảo để giới thiệu đến các bạn bè quốc tế.

Nghệ nhân kim hoàn Duy Mong cùng các nghệ nhân câu lạc bộ diều Huế đã có dịp phô diễn tài năng tay nghề qua những buổi thao diễn, tạo nên điểm nhấn và sắc màu văn hóa độc đáo cho Festival Nghề truyền thống Huế 2023; để lại nhiều ấn tượng đối với các nghệ nhân quốc tế và du khách.

Là một nhà thiết kế trẻ mong muốn được quảng bá tà áo dài truyền thống Việt Nam, anh Trần Hồng Quang Hòa (thành phố Huế) đã chủ động tham quan, giao lưu cùng các nghệ nhân nước bạn. Anh Hòa cho biết, sau gần một tuần giao lưu, kết nối, anh có nhiều ấn tượng đặc biệt đối với các sản phẩm trưng bày, giới thiệu của nước bạn; trong đó có các trang phục truyền thống. Các sản phẩm được thực hiện thủ công rất tinh tế và có giá trị cao về mặt thẩm mỹ.

Qua lễ hội lần này, anh đã học hỏi, tìm hiểu được nhiều điều về các kỹ thuật cao từ các sản phẩm truyền thống của nhà thiết kế và nghệ nhân Nhật Bản, Hàn Quốc. Sự kết nối văn hóa nghề truyền thống giữa các nước cũng gợi cho anh những ý tưởng, sáng tạo và ứng dụng mới cho những bộ sưu tập thiết kế sau này.

Festival nghề truyền thống Huế 2023 là nơi để các nghệ nhân Việt không chỉ tôn vinh các giá trị tinh hoa di sản, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh mà còn là cơ hội để cọ sát, tiếp thu, lĩnh hội có chọn lọc những cách làm hay của đất nước bạn trong việc bảo tồn, phát triển làng nghề. Đây còn là dịp để thành phố và tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục tăng cường giao lưu, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác với các thành phố của Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ông Lee Ga Rak, Chủ tịch Viện Nghiên Cứu Văn hóa Hàn Quốc cho hay, nét tương đồng trong văn hóa, con người đã tạo nên tình cảm gắn bó giữa hai đất nước. Dù đã 7 lần đến Việt Nam tham gia, trao đổi văn hóa nhưng ông vẫn mong muốn có cơ hội được đưa các nghệ nhân truyền thống Hàn Quốc quay trở lại giao lưu, học hỏi nhiều hơn.

Festival nghề truyền thống Huế 2023 (diễn ra ngày 28/4 - 5/5) đang dần đi đến hồi kết. Sau 6 ngày tổ chức, sự kiện văn hóa lớn này đã khẳng định được hiệu quả tôn vinh "Tinh hoa nghề Việt" và tạo nên mối quan hệ hợp tác triển vọng cho các làng nghề truyền thống trong, ngoài nước./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=829
Quay lên trên