Festival sinh viên kiến trúc toàn quốc lần thứ IX: Nơi người trẻ thể hiện tài năng
Festival lần IX có chủ đề là “Hoa Đất Thủ”, logo là biểu tượng một chú Kiến với đôi mắt to tròn, vừa thông minh, vừa tinh nghịch. Chương trình liên hoan gồm 8 phần thi: Triển lãm giới thiệu về trường tham gia; sáng tác các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, mosaic (ghép gốm) từ đất và phế liệu của gốm; vẽ ký họa; ống kính của Kiến; ý tưởng kiến trúc; cảm xúc của Kiến; trò chơi vận động trường - cuộc chiến của Kiến; đặc biệt là phần thi Kiến phong cách, là hình thức trao giải thưởng cho các cá nhân hoặc đơn vị có lượt bình chọn qua mạng nhiều nhất với tiêu chí “vui - hay - lạ - đẹp”. Các nhóm cùng bàn bạc thảo luận, đưa ra các ý tưởng cho phần thi Ý tưởng kiến trú. Ảnh: A.SÁNG
Khởi đầu cho loạt hoạt động tại Festival là sáng tác các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, mosaic (ghép gốm). Từ những mảnh gốm vụn vỡ tưởng chừng vô dụng, song với bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng đầy sáng tạo, các chú Kiến đã tạo ra những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp.
Quan trọng nhất có lẽ là phần thi Ý tưởng kiến trúc. Đây là cơ hội để các sinh viên kiến trúc thể hiện tài năng, sự năng động sáng tạo qua lăng kính của một kiến trúc sư. Ông Cao Việt Hưng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bình Dương, cho biết với mong muốn kết nối giữa truyền thống và hiện đại, quá khứ và tương lai, ban tổ chức chọn lộ trình cho sinh viên tham quan trước khi bước vào cuộc thi là các làng nghề truyền thống Tương Bình Hiệp, trung tâm TP.TDM, khu hành chính TP mới Bình Dương, Công ty gốm sứ Phước Dũ Long. Sinh viên năm 4 - 5 thể hiện ý tưởng kiến trúc qua việc quy hoạch và cải tạo các làng nghề truyền thống ở Bình Dương. Trong khi đó, sinh viên năm 2 - 3 sử dụng các vật liệu xây dựng từ Công ty SCG để thiết kế ý tưởng xây dựng nhà vệ sinh công cộng, kết hợp các dịch vụ giải trí, ăn uống trong TP mới Bình Dương.
ÔNG NGUYỄN MINH GIAO, TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY:
Trước nay khi nói đến Sông Bé - Bình Dương là nói đến một địa phương có nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, trong đó những nghề nổi tiếng và lâu đời nhất, như: Điêu khắc mỹ thuật, gốm sứ, tranh sơn mài. Chính vì vậy Bình Dương được xem là một trong những tỉnh của Nam bộ có nhiều nhà cửa, chùa chiền cổ, các thương hiệu gốm…
Festival sinh viên kiến trúc là sân chơi lành mạnh, bổ ích nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị nét đẹp truyền thống của ngành kiến trúc. Đây cũng là dịp để các giảng viên, sinh viên trong các trường đại học đào tạo ngành kiến trúc cả nước giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và thắt chặt tình đoàn kết với nhau.
Với mong muốn sinh viên các trường gắn kết nhau trong học tập, ban tổ chức đã chia các nhóm dự thi gồm sinh viên của nhiều trường đại học khác nhau. Tình đoàn kết, hữu nghị giữa các trường vì thế cũng được thắt chặt hơn. Như những nhóm khác, nhóm sinh viên các trường ĐH Phương Đông, Đà Nẵng, Huế nhanh chóng làm quen với nhau và cùng nhau bàn bạc, đưa ra ý tưởng cho đề tài. Ngọc Hạnh, một thành viên trong nhóm chia sẻ: “Qua liên hoan lần này sinh viên từ mọi miền đất nước hiểu hơn về đất và người Bình Dương qua các giai đoạn. Cuộc thi Ý tưởng kiến trúc tạo điều kiện cho chúng em thể hiện ý tưởng, khẳng định bản thân và học hỏi thêm những kinh nghiệm học tập của các bạn đến từ các trường đại học khác”.
Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhận định: “Festival lần thứ IX-2014 tổ chức tại Bình Dương, một tỉnh giàu truyền thống cách mạng và thành công trong phát triển kinh tế. Là tỉnh đi đầu cả nước về phát triển các khu công nghiệp tập trung, phát triển đô thị mới theo hướng hiện đại - xanh và bản sắc, cùng với đó là việc quản lý đồng bộ và khoa học. Đến với Bình Dương là đến với vùng đất thấm đẫm văn hóa truyền thống, với các di tích kiến trúc, các làng nghề. Đối với các sinh viên, các em đã có những ngày trải nghiệm đầy hứng khởi, đoàn kết, sôi nổi, trẻ trung, thể hiện tài năng sáng tạo qua các cuộc thi tại Festival lần này”.
H.THÁI