Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa khai mạc tại Toronto, Canada - đúng ngày nhóm 8 nước công nghiệp phát triển nhất G8 bế mạc tại Huntsville thuộc vùng Muskoka của nước này mà vẫn bất đồng với nhau về cách thức thúc đẩy phục hồi nền kinh tế thế giới.
Bất đồng tại G8
Bế mạc hội nghị G8, các nhà lãnh đạo nhóm này đã ra tuyên bố 43 điểm, trong đó thừa nhận thế giới vẫn ở giai đoạn đầu của sự phục hồi kinh tế mong manh và khẳng định những cách tiếp cận đáng tin cậy để đáp lại thách thức toàn cầu.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng mặc dù có cùng nhận định là sự phục hồi kinh tế thế giới còn mong manh, các thành viên G8 đã lộ rõ bất đồng sâu sắc về phương thức thúc đẩy tăng trưởng, giúp cho các nền kinh tế khởi sắc nhanh chóng và vững chắc.
Bất đồng này không chỉ xảy ra giữa Mỹ và châu Âu trong G8 mà đây cũng là chủ đề tranh luận mạnh mẽ tại hội nghị thượng đỉnh G20 khai mạc vào tối 26-6 theo giờ Canada.
Sau hội nghị G8 tồn tại tình trạng: một bên là Mỹ với sự ủng hộ của Canada mong muốn là các nước tiếp tục bơm tiền vào nền kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng; bên kia là các nước châu Âu, đứng đầu là Đức, lại muốn chấm dứt những khoản chi ngân sách, thực hiện kế hoạch thắt lưng buộc bụng, để tránh tái diễn khủng hoảng giống như trường hợp Hy Lạp.
Phút thân mật giữa các nhà lãnh đạo Italy, Mỹ, Đức, Pháp không xoa dịu được những bất đồng
Các nhà lãnh đạo G8 cũng bày tỏ quan ngại về những mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh và hòa bình thế giới, từ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, khủng bố, tội phạm có tổ chức, cướp biển đến những cuộc xung đột chính trị và sắc tộc; chỉ trích Iran và Triều Tiên về những chương trình hạt nhân của hai nước này và đề cập tình hình ở Afghanistan.
Một trong những điểm tích cực của hội nghị G8 lần này là các thành viên cam kết tài trợ 5 tỷ USD trong thời hạn 5 năm cho lĩnh vực bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại các nước nghèo. Thủ tướng Canada Stephen Harper đã hứa sẽ có nhiều quỹ mới và coi đây là mới khi đưa ra một cam kết lịch sử.
Tuy vậy, có ý kiến cho rằng đó không hẳn là một tin vui vì theo thông báo của G8, người ta hoàn toàn chưa chắc chắn về nét mới của những quỹ này. Những lời hứa ngày càng khó được thực hiện bởi các nước giàu đang phải đối mặt với khủng khoảng, có khuynh hướng là phải thắt chặt hầu bao.
Khó tìm được tiếng nói chung
Ngoài thảo luận phương thức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới - vấn đề được dự đoán sẽ tồn tại bất đồng, trong hai ngày họp hội nghị G20 (26 và 27-6 - giờ Canada), lãnh đạo và đại diện chính phủ 20 quốc gia, đại diện cho các nhóm nước giàu và đang phát triển, tập trung thảo luận các biện pháp cải cách phương thức quản lý và đánh thuế tài chính, ngân hàng - mà nhiều ý kiến cho rằng khó có thể tìm được tiếng nói chung.
Theo giới phân tích, hệ thống tài chính các nước giàu và đang trỗi dậy rất khác nhau, do vậy, G20 khó có thể đạt được những đồng thuận trên các hồ sơ này, đặc biệt là trong việc đánh thuế các ngân hàng, tài trợ cho một quỹ dự phòng chống khủng hoảng.
Theo Nga, Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Australia thì chưa có bằng chứng cho thấy việc đánh thuế các ngân hàng là cần thiết cho mọi quốc gia. Các nước này nhận thấy là không cần phải có một cuộc cách mạng trong việc kiểm soát và áp dụng một loại thuế đặc biệt để trừng phạt các ngân hàng.
Trong khi đó, Mỹ, Anh, Pháp, Đức lại nhấn mạnh sự cần thiết phải cải cách hệ thống quản lý tài chính và ngân hàng sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vừa qua.
Dư luận cho rằng tại hội nghị G20, có thể Mỹ và châu Âu sẽ liên kết với nhau để kêu gọi Trung Quốc, nền kinh tế đứng thứ ba thế giới, phải có trách nhiệm hơn - nên khuyến khích nhu cầu tiêu thụ trong nước, thay vì chỉ tập trung vào xuất khẩu, hưởng lợi từ sự khởi sắc của thị trường các nước phương Tây.
Biểu tình đã xảy ra ngay trước hội nghị. Những người biểu tình đã ném chai lọ vào cảnh sát, phá vỡ cửa sổ nhiều cửa hàng. Ít nhất một xe cảnh sát đã bị đốt cháy.
(THEO DÂN TRÍ)