Game show dành cho trẻ em - vui chơi hay… lệch chuẩn?

Thứ hai, ngày 01/06/2020

(BDO) Khai thác hình ảnh ngây thơ, dễ thương của trẻ em trong các chương trình truyền hình giải trí gần đây lại “nóng” lên khi một đại biểu đã phát biểu trong phiên thảo luận của Quốc hội ngày 27-5 về bảo vệ trẻ em. Tác động tiêu cực của các game show dành cho trẻ lại dấy lên tranh luận và buộc người lớn nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề giải trí như thế nào để các em phát triển không bị lệch chuẩn.

Về vấn đề trên, đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) đã đặt ra một góc nhìn đáng suy nghĩ khi nói về một dạng xâm hại trẻ em thông qua những game show nhí, chương trình thực tế, thậm chí là phim truyền hình… Game show của Việt Nam, theo ông vẫn chưa có điểm dừng khi tiếp tục xem nhẹ giá trị của trẻ em, khiến trẻ vô tình bị xâm hại về thể chất, tinh thần và danh dự. “Những gì mà các thành viên đoàn giám sát đã trải qua để có được báo cáo kết quả giám sát đặc biệt trình Quốc hội hôm nay, có lẽ chưa bao giờ bước chân về thực trạng xâm hại trẻ em được nhìn nhận và đánh giá một cách toàn diện với nhiều sắc thái và cung bậc cảm xúc từ cảm thông, giận dữ về các hành vi xâm hại trẻ em” - đại biểu Phạm Trọng Nhân nêu nhận định của mình khi mở đầu cho phần thảo luận sáng 27-5 tại Quốc hội.

Không khó để bạn thấy hình ảnh của các bé trên những game show truyền hình chỉ qua… màn hình của chiếc điện thoại! Mỗi ngày từ các game show truyền hình sau đó các chương trình được chuyển tải qua kênh Youtube, các trang cá nhân trên mạng xã hội và hình ảnh các bé được phát đi với tốc độ chóng mặt. Sự “nổi tiếng” nhanh chóng như thế cũng là… miếng mồi cho những bé cũng như phụ huynh muốn con mình được mọi người biết đến. Đó là sức hút của các game show nhí khiến cho chương trình nào cũng có rất đông thí sinh đăng ký. Thay vì lo cho việc học văn hóa, các em (kể cả phụ huynh) tập trung cho việc phát triển năng khiếu của bé, việc hổng kiến thức là không thể không có nếu các em cứ chạy theo những chương trình này mà lơ là việc học văn hóa ở trường.

Có thể điểm qua một số game show dành cho trẻ em như: Nhanh như chớp nhí, Giọng hát Việt nhí, Tuyệt đỉnh song ca nhí, Tiếu lâm tứ trụ nhí, Vua đầu bếp nhí, Ai sẽ thành sao nhí, Siêu trí tuệ Việt Nam, Thách thức danh hài... Các em được người lớn dẫn dắt để thể hiện tài năng của mình trong các chương trình ca nhạc, giải trí (và cả đấu trí căng thẳng), chuyện thắng, thua chắc chắn không khỏi ảnh hưởng đến tâm lý non nớt của trẻ. Nhiều người tỏ ra không bằng lòng khi thấy trẻ con ca những tình khúc bolero mùi mẫn chuyện yêu đương, thất tình hay các em thể hiện những bước nhảy điêu luyện với trang phục quá hở hang, gợi cảm. Một điều đáng bàn là các chương trình đúng với lứa tuổi của các em ngày càng ít, không thu hút được khán giả như những chương trình giải trí của người lớn xong sẽ được… nhân bản thành một chương trình cho trẻ em. Điều này quả là đáng lo.

Không trách được khi chúng tôi thử hỏi các em đang độ tuổi học sinh tiểu học rằng sau này con thích làm nghề gì? Con thích làm ca sĩ, người mẫu, diễn viên… Nói chung là làm nghề gì dễ nổi tiếng và kiếm nhiều tiền! Sự nhìn nhận của trẻ em về nghề nghiệp, về nhân cách con người cần phải rèn luyện thường xuyên dường như đã có sự lệch chuẩn khi chỉ chú trọng đến sự hào nhoáng bên ngoài.

Bảo vệ trẻ em, giám sát và định hướng trẻ em vẫn là việc của phụ huynh, của tất cả những người lớn chúng ta. Đừng vì khai thác sự hấp dẫn, giải trí theo hướng dễ dãi để khiến các em đi vào một cuộc tranh đua thắng - thua không đáng có và bị… giú ép chín khi lúa còn non!

QUỲNH NHƯ