Thời gian qua, mô hình “Cà phê sáng - Trao đổi với nhân dân” đã được các địa phương trong tỉnh thực hiện có hiệu quả. Hiện nay, một số trường học cũng triển khai mô hình “Cà phê sáng - Trao đổi với phụ huynh”. Tuy mới triển khai thực hiện nhưng mô hình này đã nhận được phản hồi tích cực từ cả phụ huynh lẫn giáo viên.

“Cầu nối” gắn kết nhà trường và gia đình
Tạo không gian thân thiện, lắng nghe và chia sẻ, mô hình “Cà phê sáng - Lắng nghe ý kiến cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh học sinh” đang trở thành điểm sáng trong hoạt động giáo dục tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (TP.Thuận An). Buổi cà phê được thiết kế như một buổi gặp gỡ thân mật giữa lãnh đạo thành phố, phòng giáo dục, ban giám hiệu nhà trường, giáo viên và phụ huynh học sinh. Tại đây, mọi người có thể thoải mái trò chuyện, chia sẻ ý kiến và cùng nhau tìm giải pháp cho những vấn đề giáo dục.
Cô Hồ Thị Diệp Phương, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết mỗi tháng trường sẽ tổ chức một buổi gặp gỡ với phụ huynh học sinh. Mục tiêu của mô hình này là tạo nên một môi trường giáo dục cởi mở, dân chủ, giúp nhà trường ngày càng hoàn thiện hơn. Những ý kiến góp ý từ phụ huynh và giáo viên sẽ là động lực để nhà trường đổi mới và phát triển.
“Mô hình cà phê sáng không chỉ giúp nhà trường tiếp thu những đóng góp quý báu từ phụ huynh, mà còn là cơ hội để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý và giảng dạy. Sau khi ổn định, vào tuần cuối cùng hàng tháng, mô hình sẽ chuyển sang buổi gặp gỡ với cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường nhằm tạo điều kiện để thầy cô chia sẻ, đóng góp những ý kiến nhằm nâng cao chất lượng giáo dục”, cô Phương cho biết thêm.
Trường Tiểu học Phú Hòa 3 là đơn vị đầu tiên triển khai thực hiện mô hình “Cà phê sáng - Trao đổi với phụ huynh” trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một. Mô hình được triển khai thực hiện từ tháng 12-2024 nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại, gây bức xúc trong trường học; cũng như thay đổi phương pháp, cách làm việc ở trường để mang lại tính hiệu quả nhất, tránh gây phiền hà cho phụ huynh và học sinh. Đồng thời, qua trao đổi, có nhiều ý kiến đóng góp để xây dựng trường học hạnh phúc.
Theo cô Lê Thị Kim Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Hòa 3, với phương châm “Gần phụ huynh, trọng phụ huynh, hiểu phụ huynh và có trách nhiệm với phụ huynh học sinh”, nhà trường phối hợp với công đoàn tạo mô hình “Cà phê sáng - Trao đổi với phụ huynh” trong trường học nhằm phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục; đồng thời xây dựng một môi trường hạnh phúc. Mô hình sẽ được duy trì vào mỗi sáng thứ ba tuần đầu tiên của tháng.
“Trong không gian xanh - sạch - đẹp của vườn ươm hạnh phúc của nhà trường, những câu chuyện về tâm lý trẻ em, làm thế nào để học sinh tiểu học vừa học vừa chơi nhằm hướng đến sự phát triển toàn diện của các em; những khó khăn, vướng mắc trong công tác giáo dục học sinh của nhà trường đã được đại diện chính quyền địa phương, ngành giáo dục và đào tạo TP.Thủ Dầu Một, nhà trường và phụ huynh quan tâm thảo luận, cởi mở. Từ đó, nhà trường và phụ huynh đồng hành với nhau trong việc giáo dục trẻ tốt hơn”, cô Thúy cho biết thêm.
Cần được nhân rộng
Sau khi triển khai mô hình “Cà phê sáng - Trao đổi với phụ huynh” ở một số trường học đã nhận được sự quan tâm của xã hội, sự đồng tình, ủng hộ của chính quyền địa phương và các bậc phụ huynh.
Là một trong những phụ huynh được tham gia trực tiếp vào buổi cà phê sáng của Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, anh Nguyễn Minh Giám chia sẻ: “Bản thân tôi thấy mô hình này sáng tạo để gắn kết giữa nhà trường và gia đình. Đây là cơ hội để chúng tôi trao đổi với nhà trường những ý kiến đóng góp, những tâm tư nguyện vọng trong quá trình giáo dục. Từ đó, nhà trường có những thay đổi phù hợp hơn để các con mỗi ngày đến trường đều là ngày vui”.
Trong khi đó anh Phạm Quốc Hưng, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Phú Hòa 3, hy vọng mô hình này được tổ chức thường xuyên hơn để phụ huynh có dịp chia sẻ, trao đổi cũng như đề xuất các phương án giúp ích cho việc học tập của các con. “Tôi hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng và áp dụng ở tất cả các trường, các bậc học trên địa bàn tỉnh”, anh Hưng nói.
Không chỉ dừng lại ở việc trao đổi thông tin, mô hình này còn góp phần xây dựng mối quan hệ gắn kết, tin cậy giữa nhà trường và phụ huynh. Đây chính là nền tảng quan trọng giúp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Thanh Phượng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Thủ Dầu Một, cho biết đây là mô hình hay và ý nghĩa nhằm tạo điều kiện cho các phụ huynh cùng gặp gỡ với lãnh đạo thành phố, địa phương và ban giám hiệu nhà trường cùng chung tay xây dựng môi trường học tập thân thiện, học sinh tích cực.
“Trong thời gian tới, ngành giáo dục thành phố tiếp tục làm việc với ban giám hiệu các trường học trên địa bàn để nhân rộng mô hình này nhằm lắng nghe các ý kiến của phụ huynh học sinh, từ đó có các giải pháp, đề xuất hoàn thiện hơn trong công tác dạy và học”, bà Nguyễn Thị Thanh Phượng cho biết thêm.
Việc tổ chức mô hình cà phê sáng với phụ huynh đã khẳng định sự quan tâm, chú trọng của nhà trường đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy, chăm sóc toàn diện cho học sinh. Nếu được triển khai rộng rãi, mô hình “Cà phê sáng -Trao đổi với phụ huynh” không chỉ là một sáng kiến mà còn là một phương thức kết nối bền vững giữa gia đình và nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
“Cầu nối” giữa nhà trường và phụ huynh ![]() Trong bối cảnh giáo dục ngày càng chú trọng đến sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình, mô hình “Cà phê sáng - Trao đổi với phụ huynh” đang được triển khai tại một số trường học trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã trở thành điểm sáng của ngành giáo dục. Mô hình này không chỉ là cơ hội để phụ huynh gặp gỡ và đối thoại trực tiếp với ban giám hiệu, mà còn là cầu nối giúp gia đình và nhà trường hiểu nhau hơn, chung tay xây dựng môi trường học tập tốt nhất cho học sinh. |
HỒNG PHƯƠNG