Gắn nông thôn mới với “làng thông minh”

Cập nhật: 16-01-2023 | 05:45:43

Giữa tiết trời se lạnh của những ngày trước tết, chúng tôi có dịp về thăm các xã nông thôn mới của tỉnh, tận mắt chứng kiến sự thay đổi, phát triển khó ngờ...

Diện mạo làng quê đổi mới

Từ chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh, diện mạo giao thông ở nông thôn đã thay đổi hẳn khi ngày càng có nhiều những con đường trải nhựa, bê tông thông thoáng liên xã, liên ấp, tạo thành những mạng lưới kéo dài đến trung tâm huyện, thị, thành phố... Công cuộc xây dựng NTM như một luồng sinh khí mới, diện mạo nông thôn khởi sắc rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nâng cao đáng kể.

Ông Võ Văn Thành, người dân ấp Cà Tong, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng đã cảm nhận được điều đó khi chứng kiến quê hương đang đổi mới từng ngày. “Từ khi xây dựng NTM, con đường vào nhà tráng nhựa phẳng lỳ, xe lớn ra vào thoải mái, nên năm nào tôi cũng bán hết hàng, không còn phải đi xa như trước. Ngoài ra, còn được xã tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp hoặc được giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với hội nông dân, tôi rất phấn khởi”, ông Thành cho biết.


Giao thông nông thôn ở xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên được láng nhựa khang trang, sạch đẹp

Những người dân sống tại vùng quê Tân Hiệp (huyện Phú Giáo) nghèo khó ngày nào nay chứng kiến sự đổi thay vượt bậc của quê hương lại càng cố gắng vun đắp, xây dựng xã nhà giàu đẹp, văn minh hơn. Về đích NTM năm 2014, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đã nỗ lực củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Chị Trần Thị Kim Tươi ở ấp 4, xã Tân Hiệp, chia sẻ: “Một mùa xuân nữa lại về trên quê hương Tân Hiệp. Và niềm vui đón xuân này như được nhân đôi vì Tân Hiệp vừa được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Không khí hân hoan, phấn khởi đang lan tỏa trên mọi nẻo đường, hiện hữu trong từng nếp nhà”.

Kinh tế nông nghiệp ở các xã NTM trong tỉnh không ngừng phát triển. Nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Cùng với đó là ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học vào sản xuất, chú trọng bảo vệ môi trường, tích cực tham gia các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Với tinh thần cần cù và linh hoạt, nhạy bén trong sản xuất, đời sống người dân đã có nhiều thay đổi. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng trưởng không ngừng, riêng năm 2021, đạt 71 triệu đồng/người/năm, cao hơn nhiều so với mức bình quân cả nước.

Hướng tới nông thôn thông minh

Về thăm xã Bạch Đằng (TX.Tân Uyên) hôm nay, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra bộ mặt nông thôn đã thay đổi rõ nét. Hệ thống giao thông được mở rộng, thảm nhựa phẳng lỳ, hai bên đường rực rỡ sắc hoa. Các công trình phúc lợi cũng được nâng cấp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Năm 2020, Bạch Đằng là một trong những xã NTM của tỉnh được chọn thí điểm xây dựng “làng thông minh”. Tương lai, xã Bạch Đằng sẽ trở thành nơi đáng sống với môi trường thiên nhiên trong lành, phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và biểu tượng xanh của Bình Dương.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, “làng thông minh” là mô hình cộng đồng xóm, ấp, xã ở các vùng nông thôn sử dụng các giải pháp trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số, tận dụng các thế mạnh và cơ hội của địa phương để phát triển bền vững. Bình Dương là một trong những địa phương bước đầu triển khai mô hình “làng thông minh” thành công, từng bước tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn, nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa cho người dân. Xã Bạch Đằng phấn đấu đến năm 2025 trở thành “làng thông minh” đầu tiên của Bình Dương. Việc xây dựng thí điểm “làng thông minh” sẽ đem lại nhiều thuận lợi hơn cho sản xuất nông nghiệp, nhất là đưa thương hiệu đặc sản bưởi Bạch Đằng ngày càng vươn xa.

Từ mô hình thí điểm đầu tiên ở xã Bạch Đằng, UBND huyện Phú Giáo cũng đang xây dựng đề án “làng thông minh” trên địa bàn huyện. Đề án tập trung vào các nội dung trọng tâm như thể chế thông minh, nguồn lực thông minh, hạ tầng thông minh, dịch vụ thông minh, sản xuất và kinh doanh thông minh.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết xây dựng “làng thông minh”, tạo nơi tập trung nhiều sáng kiến về những vấn đề và nhu cầu hiện nay trong cộng đồng, như: Công nghệ, nông nghiệp, việc làm, nâng cao năng suất lao động cho người dân nông thôn, sự gắn kết của cộng đồng, y tế, giáo dục, năng lượng, xử lý rác thải, khu vực đáng sống, bảo vệ môi trường, xanh, sạch... Từ việc thống nhất được các khái niệm và cách tiếp cận “làng thông minh” cho xã Bạch Đằng sẽ tạo tiền đề hướng đến xây dựng xã NTM thông minh trong thời gian tới, nhằm bảo đảm xây dựng NTM gắn với quá trình phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh, hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững, bảo đảm hài hòa các hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường và văn hóa.

Sau 14 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nông nghiệp Bình Dương đã có bước tăng trưởng khá toàn diện, với nền sản xuất hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn khởi sắc từng ngày. Đến nay, toàn tỉnh có 29/41 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 3 huyện, thị xã đã được công nhận huyện đạt chuẩn NTM và thị xã hoàn thành nhiệm vụ NTM

THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=358
Quay lên trên