Gần Tết, bò lậu "vượt sông"

Cập nhật: 07-01-2010 | 00:00:00

Càng gần tết, tại các đường biên thuộc 2 bên cánh gà cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và dọc sông Sêpôn (Quảng Trị) lượng bò nhập lậu vào nội địa càng tăng mạnh. Tỉnh này đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng...không ăn thua.

Theo dấu bò lậu

Quảng Trị là tỉnh có đường biên giới giáp với 3 tỉnh của nước bạn Lào dài trên 150 km, đặc biệt là tuyến đường thuỷ dọc sông Sêpôn kéo dài từ các huyện Tù Muồi (Salavan) đến Đensavẳn (Savannakhet) chạy song song với khoảng 20 xã thuộc 2 huyện Đakrông, Hướng Hoá. Với đường biên giới gồm núi rừng và sông suối hiểm trở đã tạo cơ hội cho tình trạng buôn lậu trâu bò.

Chúng tôi được một người dân ở khóm Duy Tân, thị trấn Lao Bảo (Hướng Hoá) làm hoa tiêu dẫn đi “mục sở thị” trên chiều dài gần 6 km dọc theo dòng Sêpôn. Ông ta là thổ dân nên 2 chúng tôi chẳng mấy khó khăn để tiếp cận hiện trường. Trời vừa nhá nhem tối, dọc theo chiều sông Sêpôn đã nháo nhác cảnh từng đàn bò khoảng 5-7 con từ bên kia sông bị đuổi đánh bơi qua cập bến địa phận thị trấn Lao Bảo. Tại đây chủ thu gom cho người tiếp nhận và cuộc mua bán diễn ra thật gọn nhẹ. Tôi định buột miệng hỏi chuyện thì ông “thổ địa” đã vội ngăn lại. Dạo này các chủ thu gom rất đề phòng và sẵn sàng hạ lệnh “tấn công’’ bất kỳ ai xen vào chuyện làm ăn của họ.

Nấn ná ở đây tầm 30 phút tôi thấy có 3 đàn bò trên 20 con được cập bến. "Hoa tiêu" dẫn đường cho biết trên chiều dài tuyến sông Sêpôn có khoảng 10 điểm tập kết bò nhập lậu. Vậy là tôi nhẩm tính bình quân mỗi ngày phải có từ 150- 200 con trâu bò được nhập vào nội địa qua đường này.

Thực trạng bò nhập lậu bản thân nó đã hàm chứa sự thiếu minh bạch của thị trường trao đổi hàng hoá giữa nước bạn và ta. Mặc dù tại cửa khẩu Lao Bảo số lượng bò nhập khẩu theo đường chính ngạch qua biên giới Lào lúc cao điểm khoảng trên 1.000 con/ngày nhưng ở đường tiểu ngạch bò Thái Lan vẫn ồ ạt tràn về. Trong khi việc kiểm soát dịch bệnh từ bò nhập khẩu chính ngạch đã khó chứ chưa nói đến kiểm soát bò lậu. Thực trạng này đã từng mang đến một hệ luỵ, là đầu năm 2009 tại xã Tân Thành (Hướng Hoá) bùng phát dịch lở mồm long móng do bò Thái Lan mang mầm bệnh về lây ra.

Lãi lớn, làm liều!

Vậy vì sao có hiện tượng bò nhập lậu ngày càng nhiều? Câu trả lời là có sự chênh lệch quá lớn về giá bò giữa 2 nước Việt Nam, Thái Lan và một số vướng mắc về thủ tục nhập khẩu bò chính ngạch. Riêng đối bò nhập lậu theo đường tiểu ngạch có mức chênh lệch bình quân một con khoảng 1 triệu đồng nên người dân ở hai bên biên giới dại gì không đi mua bò lậu về bán.

Ông Hồ Đại Nam, Giám đốc Cty TNHH nhà nước MTV Thương mại Quảng Trị cho biết, về thuế nhập bò chỉ phải nộp 5% thuế VAT, chứ không nộp thuế nhập khẩu nên chi phí cho một lô hàng nhập bò không lớn. Nhưng thủ tục bò nhập vào Việt Nam theo đường chính ngạch phải có giấy phép kiểm dịch của ngành Thú y 3 nước Thái Lan- Lào và Việt Nam mà hiện nay chỉ Việt Nam và Thái Lan có thoả thuận kiểm định và cấp giấy phép thú y còn Việt Nam và Lào thì chưa. Đây cũng là một nguyên nhân làm nảy sinh nhập lậu bò.

Ông Lê Văn Tới, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị cho biết từ đầu năm đến nay lực lượng liên ngành của tỉnh trong đó có Hải quan đã phát hiện và bắt giữ 400 con bò Thái Lan nhập lậu. Con số này là quá khiêm tốn. Biết vậy, nhưng thật khó để khống chế và kiểm soát tình hình bởi khó khăn đầu tiên chính là việc xác định các tiêu chí thế nào bò lậu.

Trước hết do vị trí địa lý giữa 2 nước có chung biên giới mà đường phân cách chỉ là con sông Sêpôn. Từ lâu nhân dân 2 bên biên giới đã có mối quan hệ tốt đẹp, có sự tương đồng về lối sống và sản xuất. Vì vậy, việc đàn gia súc của nước này sang chăn thả ở nước kia là bình thường nên thật khó để “quy kết” đâu là bò nhập lậu và đâu là bò của dân chăn thả. Trên thực tế, đã phát hiện nhiều trường hợp người Lào chăn dắt bò Thái Lan nhưng khi gọi hỏi thì bảo là bò của họ bơi sang Việt Nam nên phải sang đưa về. Trước những tình huống như vậy, lực lượng liên ngành chỉ biết khuyên bảo và "tháp tùng" đưa bò trở lại địa phận Lào. Chính dân buôn lậu bò lợi dụng “kẽ hở’’ này để thực hiện các phi vụ buôn bán bò.

Bộ trưởng Bộ NN- PTNT Cao Đức Phát trong chuyến thị sát tại Lao Bảo đầu tháng 12-2009 vừa qua đã khẳng định:“Để ngăn chặn tình trạng bò Thái Lan nhập lậu, tỉnh Quảng Trị phải tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng việc nhập khẩu bò. Việc chống bò nhập lậu không thể giao cho một doanh nghiệp làm nhiệm vụ thu gom bò lậu, như thế là công khai thừa nhận sự tồn tại của trâu bò nhập lậu mà phải thường xuyên thống kê và kiểm soát chặt chẽ đàn gia súc tại địa phương. Qua đó phân loại, xác định đâu là bò dân nuôi, đâu là bò mới nhập về để đưa ra giải pháp xử lý nghiêm khắc nhưng thấu tình đạt lý. Mục đích cuối cùng là kích thích nền sản xuất trong nước và hạn chế bò nhập lậu như hiện nay”

 Thêm một khó khăn để xác định bò Thái Lan nhập lậu là sự “hợp thức hoá” của chính quyền sở tại. Thực tế chính quyền cấp cơ sở đã không kiểm soát được tổng đàn gia súc trên địa bàn. Vì vậy, phần lớn bò Thái Lan sau khi sang địa phận Việt Nam đều đã có đầy đủ giấy tờ kê khai tên chủ sở hữu là người Việt. Như vậy về lý đương nhiên đó là bò của người Việt đang chăn nuôi. Việc này nhà nước đâu có nghiêm cấm.

Nhằm hạn chế tình trạng nhập lậu bò tiểu ngạch, UBND tỉnh Quảng Trị đã cấp giấy phép kinh doanh cho 1 DN làm nhiệm vụ thu gom bò Thái Lan nhập lậu ở các tuyến đường biên về nuôi cách ly, tiêm phòng trước lúc xuất bán. Biện pháp này kiểm soát được dịch bệnh nhưng lại vô hình trung thừa nhận sự tồn tại của tình trạng bò nhập lậu.

Theo Thông tư số 27 do Bộ NN- PTNT ban hành ngày 28-5-2009 yêu cầu về khu cách ly kiểm dịch phải đảm bảo các yêu cầu tối thiểu như: Phải bố trí địa điểm riêng biệt, cách biệt; có hàng rào kép; có các dãy chuồng nuôi nhốt trâu bò lợp mái... Trên thực tế, việc bắt giữ bò nhập lậu đã khó nhưng việc chăn giữ, cách ly lại càng khó khăn. Ông Lê Văn Tới, Cục trưởng Cục Hải quan cho chúng biết thời gian qua, việc chăn giữ 9 con bò nhập lậu đã bị mất 3 con.

Vì vậy, để ngăn chặn có hiệu quả nạn bò lậu từ biên giới tràn về nội địa qua đường 9, nên chăng UBND tỉnh Quảng Trị cần xin chủ trương của Chính phủ cho phép Chủ tịch UBND tỉnh ban hành chính sách tịch thu bò lậu như các loại hàng hoá buôn lậu khác. Mặt khác việc nuôi nhốt bò tịch thu không nhất thiết phải là khu cách ly với tiêu chuẩn quá nghiêm ngặt mà chỉ cần khu cách ly xa khu dân cư.

Theo Báo Nông Nghiệp

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=430
Quay lên trên