“Sau một thời gian trầm lắng đáng lo ngại, tình hình xuất khẩu gạo hiện đang ấm dần lên với những tín hiệu lạc quan”- ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết.
Chuyển biến tích cực
Số lượng gạo xuất khẩu đã ký đến cuối tháng này hơn 3 triệu tấn, đã giao hơn một triệu tấn. Theo ông Bảy, thị trường nhiều nước đang có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, Iraq đã ký hợp đồng mua 150.000 tấn gạo của Việt Nam và các công ty của nước này đang tiếp tục đấu thầu mua thêm.
Sau một thời gian án binh bất động, các nhà nhập khẩu châu Phi đang trở lại đàm phán với Việt Nam; trong khi khu vực Nam Mỹ đang mất mùa và các nước khu vực này, nhất là Brasil sẽ tăng lượng gạo nhập khẩu. Nhu cầu cũng như khả năng nhập khẩu của một số nước (như Cu Ba, Indonesia, Philippines...) đều lớn.
Philippines đang có nhu cầu nhập 800 nghìn tấn gạo, trong đó 600 nghìn tấn nhập hợp đồng tập trung, 200 nghìn tấn còn lại theo hợp đồng thương mại. VFA cũng đang cử đại diện sang nước này đàm phán cung cấp 200 nghìn tấn gạo.
Nhờ nhu cầu của thị trường thế giới tăng nên giá gạo xuất khẩu cũng tăng. VFA cho biết, so với cùng kỳ năm 2009, số lượng gạo xuất khẩu giảm 25,98%. Giá gạo chính thức do VFA công bố hiện nay lên đến 440 USD/tấn. Trong khi đó, ở thị trường trong nước việc thu mua lúa đợt 1 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đang triển khai thuận lợi.
Ông Bảy cho biết, hiện VFA đã thu mua được khoảng 790 nghìn tấn, chiếm 75% kế hoạch (đợt 1). “Với tốc độ thu mua này, giá lúa không xuống mà sẽ tiếp tục tăng”- ông Bảy dự báo.
Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn
Theo kế hoạch, ngay sau khi kết thúc việc thu mua dự trữ trên một triệu tấn gạo đợt 1, VFA sẽ triển khai thu mua tiếp 500 nghìn tấn và dự kiến đợt 2 sẽ hoàn thành vào cuối tháng 4-2010. Sau đó, tùy tình hình cụ thể của thị trường, VFA sẽ xem xét, đề nghị Chính phủ có thu mua tạm trữ đợt 3 hay không.
Vấn đề vướng mắc trong thu mua hiện nay là mặc dù việc thu mua đã triển khai từ khá lâu (bắt đầu mua dự trữ đợt 1 theo quy định của Thủ tướng tại văn bản 430/TTg-KTN, 12-3-2010) và thu mua với số lượng lớn nhưng hiện Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT vẫn chưa xây dựng, ban hành quy định và hướng dẫn phương pháp xác định chi phí sản xuất, tính giá thành sản xuất lúa để các địa phương theo đó xác định chi phí, giá thành sản xuất lúa và công bố giá mua lúa hàng hóa trên địa bàn.
Hiện mỗi địa phương có một giá thu mua do mình tự tính, không theo một chuẩn chung nên giá chênh lệch khá lớn khiến việc quản lý gặp khó khăn.
Về vốn, ông Bảy cho rằng các DN không thiếu vốn thu mua nhưng lại thiếu vốn xây dựng kho. Hiện, sức chứa toàn bộ kho là ba triệu tấn; để đảm bảo nhu cầu trữ lúa cần phải nâng công suất lên bốn triệu tấn.
Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, để xây dựng mới hệ thống nhà kho với sức chứa một triệu tấn (theo tiêu chuẩn mới có sân phơi rộng và các tiện ích khác) cần trên 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện các DN không có vốn, cũng không tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng.
(THEO TIỀN PHONG)