Để người đồng đội bị thương nằm trong lòng chiếc cối bằng gỗ, người lính trẻ Tư Kiên lội sông đẩy về hậu cứ. Trong lần gặp mặt, người đồng đội năm xưa giờ là Thủ tướng ôm chầm lấy ông, xúc động: “Anh chính là ân nhân lớn của tôi".
Sau 35 năm thống nhất đất nước, người lính tải thương đồng đội bằng cối giã gạo giữa rừng U Minh Hạ vừa được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Bên chén trà với những người bạn trong ngày 22-12, Anh hùng Tư Kiên lại được mọi người nhắc tới những câu chuyện của ông một thời máu lửa. Trong đó, kỳ tích được nhiều người biết đến là chuyện ông cứu đồng đội Nguyễn Tấn Dũng lúc hai người cùng chung một trận tuyến cách nay 40 năm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ôn lại câu chuyện Tư Kiên tải thương bằng cối giã gạo cứu mình.
Lần ấy, đơn vị cử Phan Trung Kiên đi học lớp cứu thương cấp tốc 4 tháng rồi học tiếp lớp quân y sĩ tại Trường Quân y thuộc Quân khu 9. Trường học giữa rừng tràm T3 là những lán trại tạm bợ vừa là nơi học viên ăn ở, vừa là chỗ để cứu thương, căn cứ chống càn.
Cuối năm 1969, địch mở nhiều đợt càn quét dữ dội thọc sâu vào hai cánh rừng đước lẫn rừng tràm từ Cà Mau sang Kiên Giang.
Một sáng, khi các học viên lớp quân y đang băng bó vết thương cho hơn 30 thương binh thì một trung đoàn bộ binh của địch xuất hiện có sự yểm trợ của máy bay và thiết giáp. Bị địch bao vây, người lính trẻ Nguyễn Tấn Dũng choàng vai đồng đội Trung Kiên bàn kế hoạch chặn đường tấn công của địch.
"Dũng vác súng B40, còn tôi cầm AK khạc đạn liên hồi, diệt được trên chục tên địch. Nhưng vài phút sau, chúng lại nã đạn tới tấp về phía T3. Anh Dũng nâng khẩu B40 bắn hai phát liên tiếp làm rừng tràm rung chuyển, địch la thất thanh rồi im bặt", ông Kiên kể.
Khói súng vừa tan, thương binh đã được chuyển hết về hậu cứ an toàn.“Cứ tưởng địch rút lui nhưng ai dè chúng quay lại bằng trực thăng bắn xối xả xuống rừng tràm, ném bom phá nát T3. Trong lúc chống trả, tôi thấy anh Dũng một tay ôm súng, tay kia ôm bắp chân máu chảy ướt đẫm ống quần. Tôi cõng đồng đội băng rừng chạy khoảng 2 cây số về phía sông Cái Tàu để tránh đạn”, ông Kiên nhớ lại.
Đến được bờ sông thì trời sập tối, thấy chân đồng đội chảy máu quá nhiều, Kiên xé áo 2 người băng lại vết thương rồi lội sông sang phía nhà dân tìm phương tiện đưa đồng đội về hậu cứ. Tuy nhiên, chiếc xuồng ba lá duy nhất của xóm nhà bên kia sông đã bị bom địch phá tan tành. Kiên nhanh trí lăn chiếc cối giã gạo làm bằng gốc cây mù u để tải thương.
Kiên để người đồng đội nằm lọt trong lòng cối làm bằng gốc cây mù u nổi trên mặt nước, rồi ngụy trang lên trên bằng lá lục bình. Trong cái lạnh giữa buổi chiều, Kiên gắng sức lội dọc theo bờ sông Cái Tàu đẩy cối tải thương đưa đồng đội về hậu cứ cấp cứu.
Sau trận đánh này, ông Tư Kiên tiếp tục cùng đồng đội vừa làm công tác cứu thương, vừa ôm súng tham gia nhiều trận đánh lớn ở Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng... Trận đánh đáng nhớ nữa là tháng 4-1972 khi địch đổ quân chống càn bảo vệ thương binh, bắn M79 làm ông bị thương nặng ở cạnh hàm và bắp tay phải. Lúc chui xuống công sự lại bị bom dập gãy hết hàm răng trên, miệng giật méo một bên nhưng Tư Kiên vẫn trụ lại băng bó vết thương cho trên 30 thương binh.
Hay như năm 1973, trong một trận đánh có đồng đội bị đạn bắn vỡ gan, Tư Kiên nhanh tay cấp cứu bằng cách kéo mạc treo đắp lên vết thương của mảnh gan bị vỡ để ép lại mà khâu. Sau ca cấp cứu thành công này, trung úy Kiên được nhận Huân chương chiến công hạng 3...
Sau ngày đất nước thống nhất, Tư Kiên chuyển ngành sang làm Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Kế Sách được 7 năm thì xin nghỉ hưu vì hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn.
Một chiều tháng 7-2009 ông Nguyễn Phong Quang lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho tài xế xuống Kế Sách mời ông Tư Kiên lên Cần Thơ họp mặt với những người bạn thời chiến đấu. “Tôi tưởng anh Hai Quang rủ tôi đi thăm mấy anh em đồng đội ở miền Tây nhưng không ngờ tôi gặp lại người đồng đội Nguyễn Tấn Dũng, giờ đã là Thủ tướng. Sau buổi cơm tối cùng nhau ôn lại kỷ niệm thời học chung ở T3 và đặc biệt là buổi chiều vượt sông bằng cối giã gạo, tôi chia tay bạn bè về lại quê nhà, anh Dũng hẹn sẽ sắp xếp thời gian xuống Sóc Trăng thăm tôi”, ông Tư Kiên bồi hồi.
Mồng 6 Tết Canh Dần, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng phu nhân và hai con đã đến TP Sóc Trăng chúc tết, thăm và trao nhà đồng đội cho vợ chồng ông Phan Trung Kiên. Căn nhà được Bộ Tư lệnh Quân khu 9 trao tặng gồm một trệt, một lầu tại đường Trần Hưng Đạo, TP Sóc Trăng với kinh phí xây dựng trên 200 triệu đồng do đồng đội cũ của ông Tư Kiên đóng góp.
Trong buổi gặp gỡ hôm ấy, Thủ tướng ôn lại với mọi người câu chuyện Tư Kiên chống càn, cứu thương binh và đưa ông về hậu cứ bằng cối giã gạo năm nào. Trước lúc chia tay, Thủ tướng ôm chầm lấy Tư Kiên mà nói: “Anh Tư ơi, anh chính là người ân nhân lớn, người đồng chí, đồng đội, người bạn học thân thiết của tôi. Nhờ sự mưu trí, dũng cảm của anh mà tôi đã vượt được sông Cái Tàu bằng chiếc cối giã gạo trong lúc bị thương để về đến căn cứ an toàn”.
Ôn lại chuyện cũ, ông Tư Kiên lại bùi ngùi khi kể thêm về "cuộc chiến" thời hòa bình của ông. Đó là khi mới nghỉ hưu, ông gom hết tiền trong nhà và mượn thêm hàng xóm tiền để đầu tư vào đàn vịt đẻ 200 con để kiếm tiền lời trị bệnh cho vợ và nuôi các con ăn học. Nhưng lời chưa thấy đâu thì đàn vịt lăn ra chết hết, ông phải bán mảnh đất cùng căn nhà lá gần ngã ba sông để trả nợ. Hết đất, không nhà, vợ và ba đứa con ông phải dắt díu theo ông ở dưới túp lều nhỏ cạnh nghĩa trang. Rồi chịu khó làm ăn, ông lại mua được mảnh đất nhỏ dựng nhà. Cho đến năm 2010 ông được tặng nhà ở TP Sóc Trăng.
Giờ niềm vui lớn nhất của người lính già là đã nuôi dạy các con nên người, học giỏi. Ông bảo, đó cũng là cách ông góp sức mình cho quê hương đất nước.
Theo VNE