Gặp lại Anh hùng LLVT vá xe miễn phí!

Cập nhật: 07-04-2011 | 00:00:00

Đến con hẻm nhỏ, dài hàng mấy cây số trước siêu thị Sóng Thần thuộc phường An Bình, Dĩ An, tôi thật sự bất ngờ vì ai cũng biết đến tên ông Nguyễn Đức Nghĩa - nghề nghiệp là thợ vá xe, chủ yếu là xe đạp. Họ biết đến ông là một Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và biết đến ông, một công dân hiền lành, tốt bụng ngày ngày cần mẫn bên công việc bơm vá xe miễn phí cho học sinh (HS), công nhân (CN) nghèo.

  Ông Nghĩa (thứ 2 phải qua) trong một lần thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tấm lòng bao la nơi con hẻm nhỏ

Con hẻm nhộn nhịp suốt chiều dài hơn 3km, tôi nhẩm đếm không dưới chục điểm vá xe, bơm hơi lớn hỏi đường đến nhà ông không khó. Nhiều người biết đến ông cũng có lý do. Sóng Thần là vùng đất nhộn nhịp, cuộc sống đang cuộn chảy, ai cũng phải vật vã với cái ăn cái mặc, chạy đua với thời gian lo cho cuộc sống sớm chiều. Lo đời sống kinh tế đến nổi “tình làng nghĩa xóm”, nếp sống “tối lửa tắt đèn” có nhau cũng dần bị nhạt nhòa đi. Vậy mà gần 10 năm nay, sự hiện diện của ông, nhân cách sống của ông Nghĩa phần nào giúp những người dân nơi đây cảm thấy ấm áp lại chút tình xóm giềng: biết yêu thương, nương tựa, đùm bọc nhau vượt qua những hoàn cảnh bất trắc. Nhưng điều đáng quý nhất là một Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhưng ông đã gắn bó và yêu quý công việc bơm, vá xe miễn phí giúp HS, CN nghèo. Niềm vui của họ cũng là nụ cười của ông. Bởi thế dù không biết nơi ông ở nhưng tôi rất dễ tìm ra căn nhà của ông.

Bước vào căn nhà khá chật chội cũng không được tươm tất mấy. Hầu hết không gian chỉ dùng một việc duy nhất cho CN để xe. “Giang sơn” duy nhất là chiếc giường bé tí chiều rộng độ chừng 1,2m đủ để ông ngã lưng khi làm việc mệt nhọc. Thứ quý nhất là 3 bức ảnh ông chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi còn ở chiến trường và lúc về hưu treo cạnh đầu giường. Ngay cả một chiếc bàn nhỏ để uống trà cũng không có. Có chăng bày ra uống vài cốc xong rồi ông Nghĩa cũng bảo vợ dẹp ngay để nhường chỗ cho CN gửi xe, nghỉ ngơi.

Khi chúng tôi đến, ông Nghĩa nằm  trên chiếc giường nhỏ cũ kỹ. Không ngạc nghiên, ông cũng  không tay bắt mặt mừng. Thấy khách lạ, ông chỉ thì thào với tôi câu ngắn: “Chú chờ chút, sáng tới giờ xe nhiều, cố sức quá, đau cột sống, không thể ngồi dậy ngay!”. Tôi cố xoa dịu đi sự ái ngại của chủ nhà: “Già rồi, khác khi còn thanh niên chớ bác ạ”.

Tôi cố tình nhắc đến chuyện còn trẻ, để khơi dậy trong ông trở về với những ngày tháng khốc liệt của lửa đạn làm nên tên tuổi anh hùng Nguyễn Đức Nghĩa. Từ người dân khu phố và chính quyền địa phương tôi biết ông là một người có tấm lòng yêu thương HS, CN nghèo, một Anh hùng lực lượng vũ trang được phong tặng danh hiệu năm 1967. Danh hiệu anh hùng phong tặng ngay thời chiến tranh chống Mỹ diễn ra ác liệt. Bắt đầu đi bộ đội năm 1964 đơn vị T101, Sư 325. Năm đầu đi bộ đội, ông nhận nhiệm vụ vào Nam, cũng ngay năm đầu vào Nam tham gia trận đánh đồn Đăk-Tô. Kết quả của trận chiến ông được phong tặng Huân chương Chiến công hạng III, năm thứ 2 đánh đồn Trà-Rơ (lòng hồ Dầu Tiếng bây giờ) ông được tặng Huân chương Chiến công hạng II. Năm thứ 3 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Sinh Bắc tử Nam

Danh hiệu đó là một phần thưởng xứng đáng cho một thanh niên hết sức gan dạ, dũng cảm đi tiên phong vượt lửa đạn mở rào cho bộ đội ta tiến công đánh vào lòng địch gây hoang mang cho binh lực hùng mạnh ngụy tại cứ điểm Tây nguyên. Ông cũng là một trong những thanh niên tiêu biểu được vào gặp gỡ Bác Hồ lúc sinh thời. Rồi sau ngày giải phóng ông trở về làm một nông dân bình thường, quanh năm cày cấy, khuân vác, mưu sinh... Ông mới có mặt ở đất Bình Dương năm 1994 và điều đặc biệt là trước đó Quân đoàn 4 đã công nhận liệt sĩ cho ông vì họ tưởng ông đã hy sinh. May mà nhiều người chung vai sát cánh cùng vượt qua lửa đạn với ông biết được chuyện ông còn sống, đưa ông về Bình Dương, cấp 150m2 cùng mức lương hưu 3,6 triệu đồng/tháng.

  Ông vẫn gắn bó với công việc bơm vá xe miễn phíNằm lâu trên giường tiếp chuyện với khách có vẻ không hay lắm. Do vậy ông cố hết sức bám bíu vào cạnh giường để ngồi dậy. Tôi dõi mắt theo những động tác khó nhọc của ông, cố so sánh hình ảnh lúc ông còn trẻ so với bây giờ. Quả thật, thời gian đã lấy đi sự rắn rõi, nhanh nhẹn của ông quá nhiều. Ngay cả cơ thể của ông cũng không lành lặn. Sau trận Trà-Rơ ông bị thương nặng, một phần xương hộp sọ không phục hồi được. Còn ông, không biết vô tình hay cố ý không nhận ra điều đó. “Tôi giờ còn thiếu gì nữa. Có nhà cửa, mỗi tháng Nhà nước trợ cấp ngoài 3 triệu đồng, cùng ít tiền cho thuê nhà trọ, vợ chồng tôi sống quá đủ. Đất Nhà nước cấp, nhà được tập thể CN Công ty Tân Cảng Gài Gòn đóng góp tiền xây dựng. Tuổi tôi lớn rồi, không đủ sức khỏe, thời gian gầy dựng,  doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia để đóng góp cho Nhà nước, cho xã hội. Tôi nghĩ vá xe giúp đỡ cho HS, CN cũng là một công việc làm có ích mà! Thời buổi này giá cả tăng cao cuộc sống khó khăn, mình góp phần đỡ nhọc nhằn cho CN. Nhưng nói miễn phí chớ lần nào vá xe các cháu cũng nhét tiền vào túi tôi chớ có miễn phí gì đâu!”.

Cái tình ông Nghĩa

Con hẻm nhỏ nơi ông sống  không chỉ người dân biết ông mà ông hầu như cũng thuộc tên tuổi những cư dân ở đây, nhất là những người cùng quê Thanh Hóa với ông. Có lẽ ông hiểu họ lý do họ vào Bình Dương. Ở quê ông vùng đất Sóng Thần trở thành miền đất hứa và là nơi “cứu cánh” cho nghèo đói và thất nghiệp.  Ông không muốn ai cũng lạc lỏng khốn khó khi đến mưu sinh tại Sóng Thần.

Bởi thế, ông dành sự quan tâm đặc biệt với họ và cả những CN ngày đêm tất bật làm việc ở nhà máy, xí nghiệp. Ngay cả miếng trà ngon ông cũng mang ra đãi CN lúc nghỉ trưa. Ông bảo: “Gần đây xí nghiệp nhiều lắm, CN làm việc vất vả, nhà tôi có nhiều trà khách biếu. Ngày nào cũng thế, CN muốn uống trà cứ vào đây!”.

Tiếp chuyện với tôi khá lâu. Rất nhiều thanh niên ra, vào nhà ông. Lúc thì người để xe vào nhà, lúc thì người đẩy xe ra khỏi nhà. Họ tiếp chuyện với ông với giọng điệu vô cùng thân thuộc đến nổi tôi không còn nhận ra họ là con ruột hay là CN. Tất cả đều gọi ông là bố. CN đấy cả, các cháu coi nhà tôi như nhà mình, coi tôi như cha mẹ. Ra vào hoài tôi biết nên đâu cần trình báo giấy tờ gì. Cuối tháng, cháu nào làm có dư thì cho tôi tiền, không dư thì cũng không sao”, ông bảo thế.

Đã quá nửa trưa, tôi chủ động dừng câu chuyện với ông để ông kịp buổi cơm trưa. Nhưng ông bảo: “Giờ CN nghỉ trưa, tôi phải pha trà cho các cháu thưởng thức. Chừng nào CN vào ca rồi ăn cơm cũng chưa muộn”. Ông đã xem thường cái chết, hy sinh một phần xương máu của mình cho độc lập quê hương, giờ về nhà trong cuộc sống đời thường ông gần gũi quan tâm đến học sinh, CN nghèo. Tuy việc vá xe không gì to tát nhưng việc làm và tình cảm ông dành cho họ thật đáng quý.

HÒA NHÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=483
Quay lên trên