Ông Nguyễn Hiếu Học, nhà giáo nghỉ hưu, nhà nghiên cứu của Bình Dương vui mừng “khoe” khi gặp tôi: “Hai tuần nữa chú đi phẫu thuật mắt rồi nhé! Chà, mắt sáng hơn thì tha hồ đọc đây!”. Vâng, riêng cái sự mê đọc của ông đã là một tấm gương cho người trẻ...
Ông kỷ niệm ngày Quốc tế NCT 1-10 năm nay bằng một lễ mừng thọ tròn 75 tuổi. Bạn bè, thân hữu đến chung vui rất đông. Ông đọc thơ, nghe bạn bè hát tặng, chúc nhau sống thọ hơn nữa. Rất dí dỏm, ông nói: “75 chưa phải là già! Chỉ là... sơ kết một chặng đường với vài việc mình đã làm được”.
Bạn bè thân quen thường đùa rằng nhà ông như cái... thư viện vì đi đâu cũng đụng sách! Mới đây, khi sửa lại nhà, ông tiếc đứt ruột nhưng đành lòng bán bớt rất nhiều sách theo kiểu... cân ký sách cũ vì “quá xá sách, không biết để đâu cho hết”. Đọc nhiều, hiểu biết rộng nên chuyện trò cùng ông rất thú vị. Từ thơ phú, điển tích đông tây kim cổ gì ông đều thông thuộc để đối đáp (có khi là “đối khẩu” để tìm ra kết quả đúng nhất theo tài liệu nghiên cứu hẳn hoi) cùng bằng hữu. Mê đọc đến mức ông kể: “Hồi còn đi dạy, có khi tôi đi mua sách hết cả tháng lương. Giờ thấy ở đâu bán sách mới hay hội chợ sách giảm giá là đi mua liền”. Ông quý sách, mê sách bởi đó là tri thức, là vốn quý cần được gìn giữ.
Nguyễn Hiếu Học bên tủ sách ông luôn nâng niu, quý trọng
Không chỉ đọc ở nhà, ông còn đọc bất cứ nơi đâu. Cùng ông dự nhiều trại sáng tác ở miền Tây, miền Trung vẫn thấy ông đọc và đọc. Đến đâu ông cũng tìm sách để mua. Ngồi trên xe cũng tranh thủ đọc sách sau những câu chuyện chọc cười cả đoàn. Để rồi sau mỗi chuyến đi, ông cũng là hội viên gương mẫu, nộp bài thu hoạch sớm nhất là những bài viết sâu sắc, đầy đủ tư liệu về những nhân chứng lịch sử, vùng đất của nơi ông vừa đến.
Là người Quảng Nam vào Bình Dương lập nghiệp rồi “mê” luôn miền đất này, sự nghiệp nghiên cứu của ông cũng trải đều các lĩnh vực của Bình Dương từ địa chí, ẩm thực, danh thắng, làng nghề... Trong 11 năm từ 1998 đến 2009, các tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến như: Nam bộ xưa và nay (in chung), Nét đẹp Bình Dương (in chung), Tổng tập văn xuôi Bình Dương (in chung), Văn hóa ẩm thực Bình Dương (chủ biên, nhận giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ lần thứ III-2005), Bình Dương miền đất anh hùng (chủ biên), Bình Dương danh lam cổ tự (đồng tác giả), Làng nghề Bình Dương (chủ biên), Dấu xưa đất Thủ (tạp bút, tiểu luận) ...
Hiện nay, dù tuổi cao, mắt đã... kèm nhèm như ông nói nhưng ông vẫn không ngưng đọc và viết. Khoảng hơn tháng nữa ông “trình làng” tập biên khảo Những ngôi đình tiêu biểu của Bình Dương. Đây là một công trình nghiên cứu công phu, tỉ mỉ cần phải tra cứu nhiều từ tài liệu tiếng Việt, Hán tự... Theo ông Võ Đông Điền, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Bình Dương nhận xét thì tập biên khảo sẽ giới thiệu những ngôi đình, những thiết chế văn hóa cơ bản đã tồn tại lâu dài ở vùng đất này. Đó là những di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc hoặc di tích lịch sử, cách mạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Tập sách này còn có giá trị lưu giữ, bảo tồn thiết chế văn hóa truyền thống, nói lên vai trò của ngôi đình làng trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Việt.
Tuổi cao nhưng tâm hồn ông vẫn trẻ. Với ngồn ngộn những kiến thức đã đọc của ông, giờ là vốn quý cho những ai muốn tìm hiểu về phong tục, con người của vùng đất năng động này. Mong ông tiếp tục “chân cứng đá mềm” trên hành trình đọc và viết của mình để có nhiều bài viết, bài học hay cho hậu thế…
QUỲNH NHƯ