Gấp rút ôn thi THPT quốc gia

Cập nhật: 10-04-2015 | 10:25:00

Đầu tuần này, ngay khi học sinh lớp 12 đã thi xong học kỳ II thì thầy trò bắt đầu tăng tốc ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Năm đầu tiên thực hiện đổi mới thi, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) không ban hành cấu trúc đề thi, mà chỉ đưa ra đề thi minh họa, dựa vào đây giáo viên định hướng ôn tập cho học sinh, mong sao các em đạt được 2 nguyện vọng: tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học.

 Giờ ôn tập môn văn của HS trường THPT Trịnh Hoài Đức. Ảnh: H.THÁI

Cô Nguyễn Thị Triệu Phúc, Phó Hiệu trưởng trường THPT Trịnh Hoài Đức (TX.Thuận An) cho biết: “Hiện tại trường cho học sinh (HS) đăng ký lại môn thi lần cuối, đồng thời tăng tốc tổ chức ôn thi. Do năm nay kết quả kỳ thi vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), nên trường không phân chia các lớp ôn tập theo trình độ HS giỏi, khá, trung bình. Do Bộ GD-ĐT có chủ trương không phát hành tài liệu ôn thi nên thầy trò các trường THPT phải chủ động hơn”. Thầy Nguyễn Văn Tề, giáo viên dạy môn ngữ văn nhận xét, từ năm 2014 bộ đã không ban hành cấu trúc đề thi. Để HS đạt kết quả cao ở kỳ thi, tổ nghiệp vụ bộ môn của trường đã chủ động bàn bạc và có hướng ôn tập phù hợp cho từng đối tượng HS. Giáo viên ôn tập cho HS hướng đến hiểu được các văn bản để mở rộng vấn đề, chủ động trong phân tích văn bản. Giáo viên nhắc nhở HS ngoài tiếp thu những kiến thức trong sách giáo khoa, còn cập nhật kiến thức thời sự, chính trị, xã hội.

Tại trường THPT Võ Minh Đức (TP.Thủ Dầu Một), ngoài 3 môn thi bắt buộc, nhà trường tư vấn cho HS đăng ký thi thêm 2 môn để xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Ngoài kiến thức lớp 12, giáo viên còn hệ thống lại kiến thức lớp 10 và 11 cho HS để các em làm tốt bài thi ở kỳ thi THPT quốc gia.

Việc bộ không đưa ra cấu trúc vì yêu cầu của đề thi năm nay hướng đến đánh giá năng lực, khả năng vận dụng kiến thức của HS và phân hóa năng lực HS, sao cho vừa xét được tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH, CĐ. Do đã nắm bắt chủ trương đổi mới thi ngay từ đầu năm học, nên thầy trò ở các trường không quá bất ngờ với đề thi minh họa được đưa ra. Theo khảo sát của chúng tôi, đa số HS cho rằng mức độ đề thi khó hơn kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm. Tuy nhiên, các em cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi đề thi có vận dụng kiến thức thực tế. Em Huỳnh Thanh Quân, trường THPT Bến Cát cho biết, đề thi môn sử có 60% là lý thuyết, còn lại và liên hệ kiến thức hiểu biết về xã hội. Với kiểu ra đề dạng này, HS không bị áp lực nặng nề khi học lý thuyết. Theo em, cách ra đề như vậy là hay, đòi hỏi HS ngoài kiến thức trên sách vở, còn phải am hiểu tình hình thời sự và hiểu biết nhiều vấn đề trong cuộc sống.

Với sự đổi mới ở kỳ thi THPT quốc gia, HS lớp 12 có nhiều tâm trạng đan xen. Do đó, tập trung cao độ cho kỳ thi quan trọng sắp tới, nhưng các trường không gây áp lực cho HS. Ông Lê Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, sở đã chỉ đạo các trường thực hiện những giải pháp hiệu quả, tổ chức ôn tập cho HS phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng HS nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi. Các tổ chuyên môn, giáo viên dạy các môn thi THPT quốc gia chủ động xây dựng tốt kế hoạch, nội dung ôn tập. Tổ chức việc ôn tập bảo đảm thời gian, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, quan tâm giúp HS nâng cao các mức độ thông hiểu và vận dụng kiến thức. Nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lớp chủ động phối hợp với giáo viên dạy các môn thi để phân nhóm HS theo khả năng nhận thức, theo những môn tự chọn; quan tâm giúp đỡ HS yếu, đối với HS khá giỏi cần có thời gian ôn tập linh hoạt, tăng cường việc tự học của HS.

 A.SÁNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=915
Quay lên trên
X