Gặp “Tư Thủ Thỉ” Trung Hậu...

Thứ tư, ngày 24/11/2010

  Trung Hậu (thứ 2, từ phải qua)Tôi không gặp Trung Hậu nhiều lần khi tác nghiệp nhưng mỗi lần gặp lại có nhiều ấn tượng sâu sắc. Có lẽ bởi cái sự cảm mến chất lãng tử trong con người ấy. Ở anh, vai diễn cũng là đời người. Mà đời cũng như một vai diễn...

 Đời người như vai diễn

Trung Hậu không được sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Nhà đông, đến 8 anh em nên cha mẹ anh kiếm được cái ăn cho cả nhà đã là một sự nỗ lực vượt bậc, huống chi là chuyện ca hò, văn nghệ. Ấy vậy mà, năm 1986 Trung Hậu bắt đầu một ngã rẽ lạ lẫm so với anh em trong nhà: đi hát. Hát đối với anh là niềm đam mê, một nỗi ám ảnh cháy bỏng. Không có tiền đi học thầy, không được đào tạo bài bản, anh bắt đầu con đường nghệ thuật bằng đủ thứ “vai” trong nhiều đoàn hát khác nhau.

Năm 1987, Trung Hậu được nhận vào làm vai... kéo màn trong đoàn hát Lâm Đồng do NSƯT Vũ Linh làm bầu sô. Những ngày tháng chạy việc vặt ở đoàn ấy, anh chàng trẻ tuổi Trung Hậu cứ vừa xem, vừa nhẩm hát theo những diễn viên chính trong đoàn. Nhờ thế, số vốn về các tuồng tích cải lương cứ thế mà dày theo năm tháng. Tình cờ có một lần diễn viên trong vai thằng bán tranh (vở “Họa sĩ và cuộc đời”) bị sự cố không diễn được. Thế là Trung Hậu lên sân khấu làm một lèo thật trôi chảy, đến mức sau đó Vũ Linh phải “đóng chặt” vai ấy cho Trung Hậu. Kể từ đó, anh bước lên sân khấu chuyên nghiệp với những vai hài trong các vở cải lương. Nói ngắn gọn là thế nhưng để sống được với vai diễn mà không kinh qua trường lớp đào tạo bài bản nào, đủ thấy, ngoài năng khiếu ra, anh phải nỗ lực học hỏi nhiều đến mức nào.

Suốt 22 năm theo nghiệp diễn, Trung Hậu truân chuyên qua nhiều đoàn khác nhau. Đến năm 1993, anh tham gia cuộc thi “Giọng hát hay TX.TDM” rồi đoạt giải B. Nhờ thành tích này mà Trung Hậu được nhạc sĩ Lục Thái mời về công tác hẳn ở Đoàn Văn công Sông Bé. Nhờ vốn kinh nghiệm sân khấu phong phú, Trung Hậu không chỉ hát, tham gia diễn kịch, tấu hài... mà còn viết kịch bản, làm đạo diễn dàn dựng. Đến năm 2009, anh lại tiếp tục chuyển về Trung tâm Văn hóa tỉnh. Ở đây, Trung Hậu tiếp tục trở thành hạt nhân quan trọng cho Đội Thông tin lưu động tỉnh ở mỗi đợt tuyên truyền. Anh không chỉ là diễn viên không thể thiếu của đội khi vào đủ các vai khác nhau, vai nào diễn cũng có hồn, có tích mà còn tham gia vào việc chỉnh sửa nội dung các kịch bản, dàn dựng vở diễn của đội.

Thành tích bề dày là thế! Đóng góp nhiều là thế nhưng giờ đây Trung Hậu vẫn là một ông bố rất... trẻ dù tuổi đời đã 44. Anh có một cô con gái rất xinh xắn mới 5 tuổi và đang còn phải ở trọ trong một ngôi nhà nhỏ trên đường 30-4 (TX.TDM). Sự không may mắn và truân chuyên của một người nghệ sĩ khiến cuộc sống gia đình không yên ả đã đẩy Trung Hậu vào vòng xoáy của cuộc đời. Một vòng xoáy có cao trào rất ngịch lý và cay đắng đúng như những vai diễn thường thấy trong bi kịch và chính kịch. Nhiều lần nói về sự không may ấy, Trung Hậu thường chỉ lắc đầu ngậm ngùi: “Cái số mình nó như thế! Bươn chải mấy mươi năm cuộc đời mua vui cho thiên hạ. Cái được thì ít nhưng cái mất mát, cái cho đi thì rất nhiều. Đó cũng là một định mệnh”.

Vai diễn là hồn đời!

Trung Hậu xem vai diễn là cuộc đời. Ở đó, mỗi lời thoại, câu hát của anh là một hơi thở cuộc sống. Cái hơi thở ấy phải mang hơi hướng của thời đại, mang được tâm tư, tình cảm vào từng ánh mắt, cái nhíu mày, từng mối quan hệ ứng xử hợp tình hợp lý. Có lần ngồi chung trên chuyến xe đi biểu diễn lưu động ở Dầu Tiếng, anh tâm sự: “Điều cơ bản là qua mấy mươi năm lăn lộn với đời, mình có chút trải nghiệm về cuộc sống. Chính vì thế, mỗi khi muốn vào tốt một vai diễn có khi phải xuống tận nơi, học cách ăn nói, đi đứng của từng người. Cái nhíu mày, ho hay hắt hơi... cũng phải học thật kỹ. Càng thật thì càng gần với khán giả hơn”. Chính vì thế, xem anh diễn, nhiều người có cảm giác như con người ấy, cảnh ấy, tình ấy cũng là con người của anh, cảnh đời của anh. Trên sân khấu, thật đến thế là cùng!

Vai diễn mà anh ưng ý nhất trong toàn bộ nghiệp diễn lại là vai ông già Champan trong vở “Tình yêu và nước mắt”. Nhưng vai diễn của anh đi vào lòng khán giả đất Thủ có lẽ là vai những ông già lụ khụ, sống ân tình lại rất chu đáo như: Tư Thủ Thỉ, Năm Bạn...

Vừa về công tác tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, anh tham gia kịch “Đường mới”, vào vai Tư Thủ Thỉ, một ông già đa tính cách. Tư Thủ Thỉ là một ông già đại diện cho lớp nông dân kiểu cũ với nhiều quan niệm khắt khe về sản xuất theo công nghệ mới, mô hình mới. Tư Thủ Thỉ với tư tưởng bám đất, bám vườn đã kiên quyết chống đối lại mô hình sản xuất nấm bào ngư với lý lẽ: nấm không ăn được như lúa gạo, không bán nhiều tiền như cao su. Tuy nhiên, Tư Thủ Thỉ cũng là một con người sống tràn đầy tỉnh cảm, yêu mến con cái và... luôn muốn vươn lên thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Qua sự lột tả của Trung Hậu, Tư Thủ Thỉ gần như bộc lộ hết tính cách của những người nông dân Bình Dương trong thời đại mới. Đó là những con người rất chất phác, chăm chỉ nhưng sẵn sàng đổi mới và vươn lên làm giàu khi có cơ hội. Thậm chí, họ không chỉ thay đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ, áp dụng những biện pháp nuôi trồng mới. Mà khi cần, người nông dân kiểu mới Bình Dương có thể chuyển sang làm giàu ở những lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp bằng những công nghệ mới rất hiện đại. Chính vì thế mà với vai này anh đoạt luôn HCV cá nhân tại hội thi kịch thông tin tuyên truyền toàn quốc năm 2009.

Không chỉ dừng lại ở nghiệp diễn, Trung Hậu còn đứng ra làm bầu sô ca nhạc, đảm trách dàn dựng nhiều chương trình văn nghệ phong trào. Trong năm 2009, anh dựng vở “ATM, niềm tin của mọi khách hàng” giúp Ngân hàng Đông Á đoạt giải nhất hội diễn toàn ngành khu vực phía Nam. Tiếp đó, lại giúp Viettel Bình Dương xây dựng thành công chương trình tham gia hội diễn toàn quốc... Có lần đi đám cưới thấy anh diện một bộ vest thật đẹp, hát rồi nhảy thật hăng say và trẻ trung trên sân khấu như một gã đôi mươi. Chẳng còn thấy đâu là một bác nông dân Tư Thủ Thỉ trên sân khấu kịch nói.

Ở vai trò là một bầu sô, Trung Hậu ngược xuôi khắp các địa phương trong tỉnh tìm kiếm những gương mặt diễn viên mới. Không ít trong số đó sau này cứng cáp, đứng vững được với nghề diễn rồi khẳng định được trên sân khấu. Họ không quên trở lại căn phòng trọ nhỏ của Trung Hậu trên đường 30-4, không quên mang theo những lời tri ân kiệm ngôn mà tràn đầy tình cảm quý yêu. Trung Hậu thuộc lớp diễn viên đàn anh nhưng dân dã và không nhiều câu nệ trong ứng xử. Hẳn nhiên vì thế mà phòng trọ nhỏ của anh thường xuyên có khách và đầy ắp tiếng cười. Đời nghệ sĩ mất nhiều mà cũng được nhiều là chỗ ấy.

KHÁNH VINH