Gặt hái thành quả từ tầm nhìn chiến lược - Kỳ 3

Cập nhật: 17-06-2022 | 07:31:36

Kỳ 3: Đô thị nâng cấp

 Sau 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, trở thành điểm sáng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhằm phù hợp hơn với quá trình phát triển bền vững, bắt kịp xu thế toàn cầu, Bình Dương hướng đến xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, thông minh, vươn tầm phát triển.

 Bình Dương hướng đến xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, thông minh, vươn tầm phát triển, đột phá đón kỷ nguyên 4.0. Trong ảnh: Thành phố mới “trái tim” phát triển của Bình Dương

Hình thành không gian đô thị hiện đại

Trên cơ sở quy hoạch chung tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các quy hoạch chung đô thị cũng được phê duyệt, trong đó có 5 khu vực phía nam của tỉnh, gồm: TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên. Các đô thị phía bắc của tỉnh có thị trấn Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng), Phước Vĩnh, Vĩnh Hòa (huyện Phú Giáo), Tân Thành và Tân Bình (huyện Bắc Tân Uyên), Lai Uyên (huyện Bàu Bàng). Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa của Bình Dương đạt 82% .

Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “Thời gian qua, tỉnh luôn bám sát chỉ đạo các địa phương tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch đô thị và đẩy nhanh tốc độ phủ kín quy hoạch xây dựng trên địa bàn. Đặc biệt là tại các đô thị trung tâm, đô thị tạo động lực tăng trưởng, các khu vực phát huy tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội được quan tâm. Công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt ngày càng được tăng cường qua việc ban hành các chỉ thị, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo. Năng lực quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch của một số địa phương đã được nâng cao hơn. Đô thị hóa và phát triển đô thị đạt nhiều kết quả tốt, tốc độ đô thị hóa đạt mục tiêu đề ra”.

Để bước lên nấc thang mới, xây dựng đô thị Bình Dương phát triển văn minh, giàu đẹp, thông minh, tỉnh triển khai lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo nội dung của “Khung định hướng quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Bình Dương phải vượt qua được bẫy thu nhập trung bình theo chiến lược 6 trụ cột, gồm: Tránh bẫy phát triển gián đoạn thông qua phát triển có tính kế thừa; tránh bẫy năng suất thông qua phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo; tránh bẫy đô thị hóa thông qua phát triển tích hợp; tránh bẫy môi trường sinh thái thông qua phát triển bền vững; tránh bẫy phụ thuộc thông qua phát triển đa phương; tránh bẫy bất bình đẳng thông qua phát triển đồng đều.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cho biết: “Việc lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để bảo đảm phát huy được vai trò, vị thế của Bình Dương luôn là một trong những địa phương phát triển năng động nhất của khu vực phía nam và cả nước. Xây dựng Bình Dương phát triển thịnh vượng, đô thị văn minh, giàu đẹp, thông minh. Bản quy hoạch và phải bảo đảm sự tương thích, tính thống nhất, liên kết, đồng bộ với quy hoạch cấp vùng, đồng thời, phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực, các địa phương trong tỉnh, vừa đáp ứng các nhu cầu trong hiện tại, vừa tạo nền tảng vươn tầm phát triển cho các thời kỳ tiếp theo”.

Đột phá về hạ tầng

Để tạo động lực phát triển đô thị, kinh tế - xã hội tỉnh nhà, với quan điểm “hạ tầng đi trước đón đầu”, tỉnh đã quan tâm đầu tư các công trình trọng điểm, các trục giao thông mang tính huyết mạch, kết nối liên tỉnh, liên vùng, như tuyến đường Mỹ Phước - Bàu Bàng, đường Thủ Biên - Đất Cuốc, cầu Bạch Đằng 2, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng... Bên cạnh đó, Bình Dương ứng dụng mô hình TOD - đô thị phát triển theo hướng dựa vào đầu mối giao thông công cộng, nhằm phát triển chuỗi đô thị gắn liền với xây dựng các tuyến xe buýt nhanh (BRT). Hiện nay, Bình Dương đang tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện, động lực để tỉnh tiếp tục phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết: “Bình Dương không cóđường sắt, không cócảng biển, không cócảng hàng không - nghĩa làthiếu nhiều điều kiện - lợi thếphát triển cơ bản. Tuy nhiên, xét thực tế, Bình Dương lại làtỉnh cóhệthống giao thông kết nối thuộc loại tốt nhất cảnước. Nhờđó, Bình Dương lập được kỳtích phát triển”.

Vươn tầm phát triển

Sau hơn 20 năm công nghiệp hóa thành công, trong bối cảnh bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, năm 2016 Bình Dương đã hợp tác cùng TP. Eindhoven - Hà Lan triển khai đề án thành phố thông minh (TPTM) như một chương trình đột phá hướng đến dịch vụ, sản xuất công nghệ cao, đô thị năng động, đáng sống. Với mô hình “3 nhà”, đặt con người và tri thức làm trọng tâm, lấy hợp tác kết nối làm phương châm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thời gian qua đề án đã đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển vượt bậc của Bình Dương, đặt những nền tảng cơ bản, đưa tỉnh lên một vị thế mới trên trường quốc tế, chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, năm 2019, tại thành phố mới Bình Dương, tổ hợp dự án phức hợp đã đạt các tiêu chí để gia nhập Hiệp hội Trung tâm Thương mại thế giới và được công nhận là Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương (WTC BDNC). Đây là bước ngoặt chiến lược, tạo cơ sở để đột phá trong dịch vụ và thương mại quốc tế của tỉnh.

Để tạo bước đột phá, năm 2020 Tỉnh ủy đã thống nhất thông qua Đề án “Vùng Đổi mới sang tạo Bình Dương” do Tổng Công ty Becamex IDC đề xuất. Vùng Đổi mới sáng tạo mở rộng ra từ Vùng Thông minh được quy hoạch trong Đề án TPTM giai đoạn 2016-2020 và là trọng tâm phát triển đề án TPTM Bình Dương thời kỳ mới. Bằng sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, xây dựng, tỉnh Bình Dương (đại diện duy nhất của Việt Nam) 4 năm liền được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh trong top 21 các thành phố có chiến lược phát triển thông minh tiêu biểu. Đặc biệt năm 2021, Bình Dương được vinh danh trong top 7 trong hơn 200 thành phố trên thế giới và hiện tiếp tục cố gắng giữ vững danh hiệu cho năm 2022. Thành công trên khẳng định hướng phát triển TPTM Bình Dương là đúng đắn, phù hợp với xu hướng thế giới. Đây cũng chính là những điểm sáng, là động lực để Bình Dương tạo bước đột phá trong giai đoạn mới. (Còn tiếp)

PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Bình Dương đang quy hoạch phát triển theo hướng xây dựng thành phố “công nghệ cao” và “thông minh”, trong không gian liên kết vùng và kết nối toàn cầu. Đây là cấu trúc điển hình của phương thức phát triển hiện đại. Trong giai đoạn mới, khi quỹ đạo phát triển của Bình Dương vận hành trong một “hệ sinh thái” mới - công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, đô thị thông minh - vấn đề kết nối số, kết nối sáng tạo sẽ được ưu tiên cao, ngày càng vượt trội so với kết nối hạ tầng “cứng” truyền thống. Ở khía cạnh này, Bình Dương cũng đang vượt trước đa số các địa phương khác trong cả nước, đang tự tin tham gia vào cuộc đua tranh phát triển toàn cầu, ở bậc cao nhất - xây dựng đô thị thông minh - sáng tạo - với những thành tích ban đầu thật sự đáng khích lệ. Tôi tin Bình Dương sẽ tiếp tục thành công.

Ông Louis Zacharilla, đồng sáng lập Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF): “Chúng tôi được chứng kiến những nỗ lực, tận tâm vàcống hiến của cảchính quyền vàngười dân Bình Dương hướng đến thành phốthông minh vàhiện đại. Hiện Bình Dương có chiến lược phát triển TPTM rất tốt vàđang nỗ lực đểngày càng thịnh vượng. Chúng ta có nhiều hy vọng sẽthấy sựthành công hơn của tỉnh Bình Dương trong thời gian tới”.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên