Những cuộc biểu tình ở Libya đang khiến cho giá dầu thế giới tăng cao, thậm chí dấy lên mối lo ngại về tình hình kinh tế toàn cầu.
Nhà lãnh đạo của Libya ông Moammar Gaddafi đã ra lệnh phá hỏng các cơ sở khai thác và chế biến dầu. Họ sẽ bắt đầu bằng việc phá hủy các ống dẫn dầu, cắt các ống dẫn tới Địa Trung Hải.
Người ta khó có thể quên hình ảnh 700 giếng dầu bốc cháy trên cát ở Kuwait năm 1991 khi lực lượng của Tổng thống Iraq - Saddam Hussein, rút khỏi đây.
Tình hình đang diễn ra tại thế giới Ảrập – vựa dầu của thế giới, cảnh báo rằng ngành công nghiệp dầu lửa đang là tâm điểm của trò chơi chính trị. Sự gắn chặt giữa chính trị và dầu lửa trở nên chặt chẽ kể từ cuộc chiến Iraq-Kuwait vào năm 1990.
Giá dầu tăng cao có thể đe dọa đà phục hồi kinh tế thế giới.
Chủ nhật vừa rồi, khi các lực lượng nổi dậy gia tăng áp lực tại thủ đô Tripoli (Libya), sản lượng khai thác dầu lửa của nước này càng thu hẹp. Sản xuất nhỏ giọt là tình trạng chung của hầu hết các mỏ dầu của Lybia.
Một số cảng và nhà máy lọc dầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi công nhân quá sợ hãi không dám đến làm việc. Công nhân của các công ty dầu nước ngoài phải tháo chạy khỏi nước này và lực lượng có vũ trang đã bắt đầu cướp phá những nhà máy bị bỏ lại. Việc phục hồi sản xuất không phải là chuyện dễ dàng.
Dù không thể xác định chính xác những khu vực sản xuất dầu chịu sự kiểm soát trực tiếp của lực lượng nổi dậy, nhưng khoảng 80% vùng sản xuất dầu của quốc gia này đã nằm trong tầm trong tay của họ.
Điều khiến cho người ta phải đau đầu là giá dầu lên tới 100USD một thùng và nguy cơ những cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền giống như ở Ai Cập và Tunisia có thể lan ra các nước OPEC. Nếu như chính quyền Libya sụp đổ, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn cho ngành sản xuất dầu.
Trong ngắn hạn, những nước như Ảrập Xêút có thể làm nên chút khác biệt, và khách hàng nặng ký như Mỹ đã dự trữ hàng triệu thùng dầu phòng cho những trường hợp khẩn cấp. Nhưng các chuyên gia cho rằng tình trạng bạo loạn đang làm lũng đoạn thị trường dầu lửa. Thế giới đang khát dầu, sự cân bằng cung - cầu dầu lửa hiện giống như ngàn cân treo sợi tóc, và sẽ rất khó giữ nếu có thêm sự cắt giảm về nguồn cung ứng.
Trên thực tế, lượng dầu dự trữ - chủ yếu do các quốc gia thành viên OPEC có thể sản xuất thêm là rất nhỏ (khoảng 5 triệu thùng mỗi ngày), chỉ bằng 6% lượng dầu mà toàn thế giới tiêu thụ hàng ngày.
Costanza Jacazio – nhà phân tích năng lượng của Barclays Capital tại New York, cho rằng nỗi lo về bạo loạn gia tăng có thể sẽ khiến cho giá dầu lên cao hơn nữa. Theo Jan Stuart – nhà kinh tế năng lượng tại Macquarie Securities: “Một lần nữa chiều hướng chính trị lại tác động đến giá dầu.”
Thậm chí, giá dầu đã tăng dần trước khi các cuộc biểu tình nổ ra lan rộng tại nhiều quốc gia Trung Đông và Bắc Phi. Kinh tế thế giới đang phục hồi sẽ khiến cho nhu cầu dầu lửa tăng khoảng 2% trong năm 2011. Giới chuyên gia dự đoán giá dầu có thể tăng tới 120USD, thậm chí 150USD một thùng.
Giá dầu tại New York đã vượt qua mức 100USD mỗi thùng lần đầu tiên kể từ tháng 10 năm 2008. Tại London, giá dầu thô Brent lên tới gần 115USD một thùng.
Các nhà kinh tế lo ngại việc giá năng lượng tiếp tục tăng cao sẽ gây ảnh hưởng lớn nền kinh tế thế giới đang bắt đầu hồi phục. Vào hôm thứ 6, giá xăng trung bình đã tăng lên 3,29USD một gallon so với 3,11USD tháng trước. Theo quy luật, mỗi xu giá dầu tăng khiến cho người tiêu dùng mất thêm hơn một tỷ USD một năm.
Nếu như giá dầu tiếp tục tăng, người tiêu dùng sẽ phải thắt lưng buộc bụng. Trường hợp tình trạng giá cao kéo dài, ảnh hưởng của nó sẽ rất nghiêm trọng. Mỗi cơn sốc dầu trong 40 năm qua đều đẩy kinh tế thế giới vào khủng hoảng. Nariman Behravesh, nhà kinh tế cấp cao tại IHS Global Insight cho biết, cứ mỗi 10 USD một thùng dầu tăng lên thì tăng trưởng kinh tế sẽ giảm 0,002% sau một năm và 1% sau hơn 2 năm.
Để bình ổn thị trường, Ảrập Xêút đã bắt đầu tăng sản lượng dầu thô lên mức hơn 9 triệu thùng một ngày, tăng gần 700.000 thùng so với cuối năm 2010, theo báo cáo của Energy Intelligence.
Tổ chức năng lượng quốc tế (IEA) giúp xoa dịu căng thẳng trên thị trường khi phát biểu vào hôm thứ 5 rằng: "Thế giới đã có công cụ trong tay để cung ứng đủ dầu cho thị trường, bao gồm cả nguồn dữ trữ khẩn cấp của các quốc gia tiêu thụ dầu lớn".
Vấn đề tiếp diễn ở Trung Đông đang giành được sự quan tâm lớn bởi việc tăng giá dầu cũng cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng kinh tế. Cơn sốc dầu lớn nhất xảy ra khi có cấm vận OPEC những năm 1973-1974, khiến giá dẩu tăng lên gấp 4 lần, kinh tế tăng trưởng chậm, lạm phát và thất nghiệp tăng cao. Nếu như những cuộc bạo loạn hiện nay khiến cho giá dầu tăng thêm 40 đến 50USD, trở lại đỉnh cao 3 năm trước thì kinh tế giới sẽ bị ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng.
Theo VNE