Trong vòng 2 tuần trở lại đây, giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm mạnh từ mức xấp xỉ 100 USD một thùng (22/7) xuống còn khoảng 83-86 USD một thùng. Vào cuối phiên giao dịch sáng nay (8/8) tại Sydney (Australia), dầu giao tháng 9 được giao dịch ở mức 83,68 USD một thùng, giảm 3,2 USD so với thời điểm mở cửa. Giá dầu Brent tại London cũng giảm gần 3%, còn 106,91 USD một thùng.
Nguyên nhân chủ yếu khiến giá dầu giảm mạnh kể từ cuối tuần trước là sự quan ngại của giới đầu tư trước tốc độ phục hồi kinh tế chậm chạp và đặc biệt là việc tụt hạng tín nhiệm của Mỹ. Theo dự báo của ông Jonathan Barratt, chuyên gia của Commodity Broking Services tại Sydney với hãng tin Bloomberg, trước những tin xấu liên tiếp của kinh tế thế giới, giá dầu nhiều khả năng sẽ có xu hướng giảm trong thời gian ít nhất là một tuần tới.
Tại thị trường Singapore - nơi cung cấp nguồn hàng chủ yếu cho các nhà nhập khẩu Việt Nam, phiên giao dịch gần đây nhất ngày 5/8, giá xăng A92 thành phẩm cũng bắt đầu hạ nhiệt và chỉ còn khoảng 113,9 USD một thùng. Theo lý giải của doanh nghiệp, nếu căn cứ vào giá nhập khẩu của ngày 5/8, thì mỗi lít xăng nhập về, doanh nghiệp lãi khoảng 500 đồng, sau khi đã trừ đi các khoản phí, thuế. Tuy nhiên, nếu tính bình quân 30 ngày theo Nghị định 84 của Chính phủ, các nhà nhập khẩu mới hòa vốn, thậm chí vẫn còn lỗ chút ít. Do đó, việc giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn chưa được tính đến.
Xăng A92 đang có giá 21/300 đồng một lít.Nguồn tin từ Bộ Tài chính xác nhận thị trường giá thế giới đang tồn tại nghịch lý, trong lúc giá dầu thô giảm mạnh thì xăng dầu thành phẩm vẫn giữ ở mức rất cao. Tính đến sáng nay, chưa có bất cứ doanh nghiệp nào có văn bản đề xuất với Bộ Tài chính về phương án điều chỉnh giá bán lẻ.
Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính cũng tính toán, với giá xăng nhập khẩu bình quân trong 30 vẫn đứng ở mức cao vì vậy việc giảm giá bán lẻ trong nước là chưa thể tính đến.
Hiện xăng A92 đang bán tại thị trường Việt Nam với 21.300 đồng một lít. Dầu diezel giá 21.100 đồng một lít, còn dầu hỏa giá 20.800 đồng một lít. Mức giá này lẽ ra đã được giảm từ hồi tháng 6, nếu cơ quan chức năng không vội vã áp thuế nhập khẩu lên 5% và tăng mức trích quỹ bình ổn.
Tại cuộc họp giao ban Bộ Công Thương tuần trước, lãnh đạo Hãng cung ứng xăng dầu chiếm trên 60% thị phần - Petrolimex cũng thừa nhận: "Lẽ ra, giá xăng đã có thể giảm trong tháng 6". Thậm chí, vị lãnh đạo này còn thẳng chỉ ra những bất cập trong việc quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Tân Bộ trưởng Tài chính - Vương Đình Huệ - người ký quyết định kiểm toán Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng cảm nhận những bất ổn trong quản lý kinh doanh mặt hàng này trong thời qua. Ông cho biết công việc đầu tiên ở cương vị người đứng đầu ngành tài chính ông sẽ làm việc với đơn vị quản lý giá và cụ thể là Cục Quản lý giá Bộ Tài chính để làm rõ chuyện lỗ lãi trong kinh doanh xăng dầu. Ông cũng sẽ làm rõ việc các doanh nghiệp liên tục kêu lỗ để điều chỉnh giá bán trong nước đã thực sự phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo tính minh bạch...
Theo VNE