Giá điện chính thức tăng 4,5%, lên mức hơn 2.000 đồng/kWH từ hôm nay

Thứ năm, ngày 09/11/2023

(BDO)

Giá điện chính thức tăng 4,5% từ ngày 9/11

Chiều 9/11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có thông báo về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 9/11/2023 sẽ tăng từ 1.920,37 đồng/kWh lên 2006,79đồng/kWh;(chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Đại diện EVN cho biết ngày 31/3/2023, Bộ Công Thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg. Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và năm 2022 của EVN cho thấy giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đ/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.

Theo tính toán, chi phí sản xuất điện năm 2023 vẫn duy trì ở mức cao, giá thành điện năm 2023 tiếp tục cao hơn năm 2022. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 ước tính khoảng 2.098 đồng/kWh.

Tuy vậy, đại diện EVN khẳng định, về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể.

Theo số liệu thống kê, năm 2022 cả nước có trên 1,27 triệu hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo chủ trương của Chính phủ. Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.

Ngoài ra, hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.

Tại phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 4/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, việc điều hành giá điện hiện nay được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó quy định cụ thể phương pháp lập giá bán lẻ điện bình quân bao gồm chi phí của các khâu trong quá trình sản xuất, cung ứng điện (phát điện, truyền tải điện, phân phối-bán lẻ điện, điều hành-quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện), đảm bảo phản ánh chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là chi phí đúng, đủ.

Các cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân được quy định cụ thể tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, theo đó nếu thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với hiện hành thì được xem xét điều chỉnh tăng (nếu giảm thì điều chỉnh giảm tương ứng).

Ông Tân cũng nhấn mạnh, điện là loại hàng hóa có mặt trong hầu hết hoạt động kinh tế-xã hội và đời sống, việc điều chỉnh giá điện sẽ ảnh hưởng đến toàn xã hội nên Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg cũng quy định cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ có ý kiến trong trường hợp ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy mà trong một số năm, giá điện đã được giữ ổn định để đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đời sống người dân.

“Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Bộ Công Thương đang nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg và đã trình lên Thủ tướng để xây dựng cơ chế điều chỉnh giá điện theo lộ trình từng bước phù hợp,” Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hayNhư vậy đây là lần thứ hai trong năm giá điện được điều chỉnh.

Trước đó, ngày 4/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân lên 1.920,37 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Theo TTXVN