Theo Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg về việc điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường, từ ngày 1-6-2011, giá bán điện sẽ theo cơ chế thị trường và phải được thực hiện công khai minh bạch. Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, một số doanh nghiệp (DN) ủng hộ chủ trương này và cho rằng, đây là một cơ chế cần thiết của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong quá thực hiện, các DN gặp không ít khó khăn khi chi phí đầu vào theo giá điện không ổn định.
Giá điện thất thường sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp hạch toán chi phí đầu vào
Phải để thị trường điều tiết
Điều chỉnh giá điện theo thị trường
Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg, ngày 15-4-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc giá điện được điều chỉnh theo cơ chế thị trường sẽ có hiệu lực từ 1-6-2011. Theo quyết định này, trong năm tài chính, giá bán điện chỉ được điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành. Thời gian điều chỉnh giá bán điện giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là 3 tháng. Trường hợp giá nhiên liệu, tỷ lệ ngoại tệ tại thời điểm tính toán biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành và cơ cấu sản lượng điện thay đổi so với kế hoạch phát điện hiện hành đã được Bộ Công Thương (BCT) phê duyệt, làm giá bán điện tại thời điểm tính toán giảm từ 5% trở lên so với giá bán điện hiện hành thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết định điều chỉnh giảm giá bán điện tương ứng, đồng thời báo cáo BCT, Bộ Tài chính để giám sát. Trong trường hợp giá bán điện hiện tại thời điểm tính toán so với giá bán điện hiện hành tăng với mức 5% thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam được phép điều chỉnh giá bán điện ở mức tương ứng sau khi đăng ký và được BCT chấp thuận. Trong trường hợp giá bán điện hiện tại thời điểm tính toán so với giá bán điện hiện hành tăng với mức trên 5% thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo BCT và gửi Bộ Tài chính để thẩm định. BCT có trách nhiệm tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Ông Đỗ Hải Triều, Trưởng ban Kinh tế và Marketing Công ty Cổ phần Bóng đèn - phích nước Rạng Đông (Khu công nghiệp Đồng An) cho biết, giá điện theo cơ chế thị trường có nghĩa là giá sẽ tăng giảm theo thị trường, trước mắt sẽ gây ra những khó khăn cho các DN, đặc biệt là những DN sản xuất công nghiệp sử dụng sản lượng điện lớn. Tuy nhiên, việc điều hành theo cơ chế thị trường để thị trường điều tiết là tất yếu, qua đó bảo đảm minh bạch cho nền kinh tế là một chủ trương đúng đắn và DN sẽ ủng hộ.
Một số DN khác cho rằng, biết đâu khi giá điện theo cơ chế thị trường, có sự cạnh tranh lành mạnh, giá điện sẽ có thể giảm?! Đây cũng là một điều mà DN kỳ vọng, bởi hiện tại điện vẫn đang ở thế độc quyền và khi có sự cạnh tranh sẽ thúc đẩy cho quá trình giảm giá hay chí ít là DN không bị thiếu điện sản xuất. “...Điện cạnh tranh nghĩa là có sự tham gia của nhiều đơn vị sẽ dẫn đến cơ chế lành mạnh hơn, vì một mình làm đôi khi không biết mình là ai. Trong thị trường, nếu chỉ có một mình sản xuất dễ dẫn đến chủ quan nhưng khi có thêm các đơn vị khác sản xuất sẽ có sự cạnh tranh về giá, giá thành điện có thể hy vọng sẽ giảm vì cơ chế thị trường sẽ làm cho ngành điện giảm bớt những chi phí mà khi một mình sản xuất không thấy được những lãng phí đó...” - ông Lê Mạnh Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Thái Bình Shoe Group nhìn nhận.
Đồng quan điểm này, ông Lê Hồng Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành cho rằng: “...Cái gì độc quyền thì đều có những cái mà chúng ta khó nói được. Chính phủ cũng đã có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ những mặt hàng còn đang độc quyền hiện nay như điện, xăng. Chúng tôi ủng hộ chủ trương, cái gì của thị trường thì cứ để nó đi theo thị trường. Tuy nhiên, cần có một cơ chế kiểm soát chặt để minh bạch khi đề xuất tăng theo cơ chế thị trường để DN và người dân yên tâm, đặc biệt là bảo đảm ổn định được các hoạt động đầu tư và phát triển của DN...”.
Chủ động ứng phó
Giá điện là giá cơ bản trong chi phí đầu vào của các DN, đặc biệt là các DN sản xuất. Theo ông Đỗ Hải Triều, khi giá điện có những biến động chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn, gây nhiều khó khăn cho DN trong quá trình sản xuất. Biến động về giá điện gây ra làm khó khăn cho DN khi tiến hành xây dựng giá thành sản phẩm cung cấp ra thị trường. Hiện nay, khi lạm phát đang tăng cao, việc đưa sản phẩm ra thị trường cũng khó khăn vì phải cạnh tranh gay gắt. Trong khi đó, việc tăng giá sản phẩm trên thị trường không phải lúc nào cũng tăng được nhưng khi điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường thì giá đầu vào theo đó cũng có thể tăng bất kỳ lúc nào mà bắt đầu từ giá điện, sau đó đến các giá nguyên liệu đầu vào khác như xăng dầu, nhựa, sắt thép... Đối với các DN chưa tính được chi phí đầu vào từ việc tăng giá điện, chắc chắn sẽ phải chấp nhận giảm mức lợi nhuận của mình để có thể cạnh tranh giá bán sản phẩm ra thị trường, đến tay người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Bá Hoạt, Phó Giám đốc Công ty Kính nổi Viglacera, nhìn nhận, khi giá điện được điều chỉnh theo giá thị trường, chắc chắn sẽ theo một xu hướng ngày càng tăng chứ không giảm. Do vậy, DN phải có sự chuẩn bị và tiết kiệm năng lượng ngay từ khi xây dựng nhà máy sản xuất, tiết giảm được điện năng mà vẫn mang lại hiệu quả. Một số chủ DN khác cho rằng, cần phải tính toán kỹ giá điện trong cơ cấu giá thành. Khi giá đầu vào tăng thì giá bán thành phẩm cũng phải có sự điều chỉnh. Song nhiều DN cũng chỉ tăng giá bán ở mức độ vừa phải để người tiêu dùng có thể tiếp cận được sản phẩm. Để làm được điều này, theo ông Đỗ Hải Triều, DN cần phải thực hiện các biện pháp về công nghệ, tiết giảm các chi phí đầu vào để hạn chế bớt sự tăng giá thành sản phẩm; thay thế các sản phẩm tiêu tốn điện năng bằng các sản phẩm tiết kiệm điện bóng đèn compact thay bóng thủy ngân...
Ông Triều cũng khuyến nghị, việc bố trí sản xuất hợp lý cũng cần phải được thực hiện để tiết kiệm điện. Có những bộ phận thay vì sản xuất 6 ngày thì sẽ sản xuất 5 ngày trong tuần mà vẫn bảo đảm sản lượng, khuyến khích người lao động nâng cao năng suất để giảm chi phí đầu vào từ tiết kiệm điện...
Ông LÊ HỒNG THẮNG - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến gỗ Đức Thành: Đừng đẩy doanh nghiệp vào thế khó
Khi tăng giá điện lên, thì giá sản phẩm khác cũng tăng lên theo. Điện hay xăng đều chỉ chiếm một phần trong chi phí thôi, nhưng khi giá điện hay xăng tăng đều đẩy giá tăng theo. Nếu Nhà nước có lộ trình dài hơi báo trước, DN sẽ chủ động cải tiến quy trình sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị để giảm tiêu hao năng lượng, giảm chi phí. Thêm vào đó DN cũng sẽ biết được định hướng giá những chi phí đầu vào sẽ tăng đến một mức tiên liệu được trong một thời điểm nhất định, DN sẽ chủ động có một kế hoạch đàm phán giá với khách hàng trước. Đừng đẩy DN vào thế khó, trong tình trạng không biết được lộ trình tăng giá. Vì, nhiều khi DN đàm phán giá với khách xong rồi Nhà nước tăng giá điện, tăng giá nước, tăng giá xăng dầu... kéo theo giá nhiều mặt hàng khác tăng, sẽ khiến DN trở tay không kịp, dẫn đến rơi vào tình trạng phải bù lỗ...
ĐÀM THANH (ghi)
THÀNH SƠN