Giá điều xuất khẩu: Doanh nghiệp tự làm khó nhau!

Cập nhật: 28-04-2011 | 00:00:00

“...Trong mấy ngày qua có một số doanh nghiệp (DN) chào bán xuất khẩu điều loại hàng W320 với giá là 3,7 USD/LB (Pound Mỹ.1 LB = 454 grams). Đây là trường hợp không bình thường, giá nhập kho và chi phí sản xuất cao hơn giá xuất khẩu...”, ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nhật Huy (xã Hòa Lợi, Bến Cát) cho biết. Như vậy, các DN ngành điều đang tự làm khó nhau về giá thành xuất khẩu.

Áp lực từ ngân hàng

Ông Công cho biết, hiện giá điều thành phẩm tại thị trường quốc tế đang có mặt bằng giá là 3,95 USD/LB đến 4,05 USD/LB. Nhà nhập khẩu lớn như OLAM Việt Nam cũng rất ngạc nhiên khi nhận được giá chào bán của một số khách hàng. Lý giải nguyên nhân tại sao các DN lại phải bán giá thấp như vậy, ông Công phân tích: “Có thể do áp lực từ ngân hàng, lãi suất quá cao và đáo hạn nên các DN phải chấp nhận giảm giá như vậy để xả hàng, trả vốn ngân hàng. Mặt khác cũng do một số DN hạch toán chế biến chưa đúng và chưa đủ, thiếu thông tin thị trường quốc tế...”.

Ngoài ra, ở góc độ mùa vụ, trong thời gian tháng 3-2011 các nhà máy lớn của Việt Nam đã ký nhập điều từ Nigieria, Bennin, Ghana, Guinea Bissau... Thời điểm này giá mua bán điều đầu mùa, chất lượng tốt, giá từ 1.350 - 1.475 USD/tấn, tùy thuộc vào tên từng loại hàng. Còn việc thu mua  tại Việt Nam, điều đầu mùa các nhà máy mua điều tươi từ 35.000 - 36.000 đồng/kg. Phơi nắng hao hụt khoảng 10%, giá thành nhập kho khoảng 38.000 - 40.000 đồng/kg điều khô. Chất lượng khá tốt, sâu và phế ít, hàng trắng nhiều. Tuy nhiên, hiện nay là cuối mùa, mưa đến làm chất lượng điều kém, khó kiểm soát tỷ lệ hao hụt sau phơi. Mặc dù giá thành nguyên liệu hạ so với đầu năm, khoảng 26.000 - 29.000 đồng/kg, phơi nắng hao hụt từ 20 - 24%. Giá thành nhập kho khoảng 35.000 -37.000 đồng/kg so với giá mua đầu năm có thấp hơn khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg. Nhưng thực tế loại hàng cuối vụ này chất lượng không tốt, sâu và phế nhiều, rủi ro cao, kinh doanh không hiệu quả. Giá bình quân xuất khẩu thấp. Do vậy, một số DN thu mua điều cuối vụ, chất lượng thấp, chi phí giảm, đã thực hiện chào hàng với mức giá bất thường trên. Ông Công cho rằng, điều này đã khiến các DN thu mua điều đầu mùa với giá cao, chất lượng tốt hơn bị ảnh hưởng rất lớn trong cạnh tranh giá xuất khẩu. DN trong nước đang tự làm khó nhau trong quá trình xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Giá thành xuất khẩu sẽ tăng

Theo ông Công, từ những nhận định của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) và các thông tin trên thị trường quốc tế, có thể  nhận định rằng, giá thành xuất khẩu thành phẩm điều chế biến sẽ tiếp tục gia tăng. Cơ sở để nhìn nhận là giá các loại hạt quả ăn được của quốc tế chưa thấy có dấu hiệu giảm giá trong mấy tháng nay. Thêm vào đó, kinh tế thế giới đang hồi phục và tăng trưởng trở lại, sự tiêu dùng của người dân sẽ tăng lên làm cho giá cả các loại hạt quả không giảm. Ông Công tin tưởng: “...Giá điều thành phẩm chắc chắn sẽ duy trì mức giá hiện nay và tăng khoảng 5 - 10%. Đối với ngành điều, tôi nghĩ giá bình quân năm 2011 sẽ là 3,8 USD/LB, loại điều W320 sẽ là 4,0 - 4,10 USD/LB...”.

Ngoài ra, vụ điều năm 2011 của Việt Nam, Ấn Độ và Nam Phi chất lượng kém hơn so với năm 2010, sản lượng giảm so với năm 2010 khoảng 10 - 20%. Hơn nữa, Việt Nam nhập khẩu điều nguyên liệu từ Bờ Biển Ngà và Ấn Độ khoảng 350.000 - 400.000 tấn hàng năm. Song, năm 2011 do nội chiến, khó có khả năng Bờ Biển Ngà sẽ cung cấp sản lượng điều như năm trước. Người dân Bờ Biển Ngà không có thói quen thu hoạch vụ mùa như người Việt Nam, đồng thời chiến tranh đã làm cho người dân khó có điều kiện bảo quản điều nên sản lượng và chất lượng sẽ bị giảm đáng kể. Đây cũng là một cơ sở để nhìn nhận giá thành xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trong tương lai gần.

Trước tình hình này, các DN cần có sự thống nhất về mặt bằng giá thành xuất khẩu, tránh tự làm khó nhau để bảo đảm lợi nhuận. Bên cạnh đó, các DN điều Việt Nam cần cập nhật đầy đủ các thông tin thị trường trong nước và quốc tế. Các DN cũng cần xây dựng cho mình chính sách chất lượng, chính sách xuất khẩu, thường xuyên cải tiến hệ thống quản lý chất lượng, trang thiết bị máy móc, làm giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Nhà nước cũng cần có những hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN điều Việt Nam có nhiều điều kiện chọn cơ hội bán hàng của mình.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nhật Huy Phạm Văn Công cho rằng: “Áp lực lớn nhất của các nhà máy điều Việt Nam là tài chính, lãi suất ngân hàng, hạn mức tín dụng, thời gian đáo hạn, chi phí nhân công cao so với năm 2010 khoảng 25 - 30%, làm cho giá thành đầu vào cao. Nếu được Nhà nước hỗ trợ về lãi suất, hạn mức tín dụng, thời gian đáo hạn ngân hàng, các DN Việt Nam sẽ có cơ hội chọn thời cơ bán hàng, tận thu được các khoản tiền bán giá thấp (lẽ ra được bán theo giá thị trường), làm cho ngành điều Việt Nam tăng trưởng và nhiều cơ hội mua điều cho dân giá cao...”.

THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên