Gia đình - hạt nhân của yêu thương: Bài cuối

Cập nhật: 27-06-2016 | 08:14:31

Bài cuối: Cả nhà cùng gìn giữ di sản

Đờn ca tài tử - cải lương (ĐCTT-CL) là niềm đam mê cháy bỏng trong mỗi thành viên gia đình nghệ nhân ưu tú Trần Thị Kim Anh (nghệ danh Kim Anh). Vì thế, cả nhà ai nấy đều rất phấn khởi tự hào khi chơi ĐCTT và cùng chung tay gìn giữ bộ môn nghệ thuật được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại. Và cũng chính nhờ tích cực tìm tòi học hỏi nên các thành viên trong gia đình đã gặt hái nhiều giải thưởng cao trong các hội thi, liên hoan ĐCTT-CL trong và ngoài tỉnh.

 Gia đình nghệ nhân ưu tú Kim Anh (thứ 5, từ trái qua) chụp ảnh lưu niệm nhân ngày cưới của một người cháu. Ảnh: M.HIẾU

Về huyện Dầu Tiếng, hỏi thăm gia đình nghệ nhân ưu tú Kim Anh, nhiều người cho biết, đó là một trong những gia đình ĐCTT-CL hay nhất của huyện. Cả gia đình, 3 thế hệ, 7 người đều là “hạt giống” văn nghệ của huyện Dầu Tiếng. Bà Kim Anh là nghệ sĩ cải lương nổi tiếng một thời ở Tiền Giang. Năm 45 tuổi, bà Kim Anh đưa các con về xã Định Thành (huyện Bến Cát cũ, nay thuộc huyện Dầu Tiếng) sinh sống cho đến nay. Lúc đó, tuy cuộc sống gia đình khó khăn nhưng niềm đam mê cải lương của bà Kim Anh không hề phai nhạt. Bà nhiệt tình tham gia các buổi diễn văn nghệ của xã, rồi dần dần bén duyên với CLB ĐCTT huyện Dầu Tiếng. Để nắm được nhịp, lời ca trong ĐCTT bà đã mượn, mua băng, đĩa về nghe và tìm sách đọc. Ngoài ra, tại các hội thi lớn, bà tìm các nghệ nhân ĐCTT nổi tiếng để học hỏi thêm. Khi ĐCTT đã ngấm vào máu, bà Kim Anh như càng tích cực hơn với thể loại này. Ngoài những buổi tham gia sinh hoạt, bà còn sáng tác nhiều bài bản cho các thành viên trong CLB. Từ những bản ca “cây nhà lá vườn” do bà dàn dựng đã gặt hái nhiều kết quả cho CLB.

Kế thừa ngọn lửa đam mê từ mẹ, chị Lê Trần Phương Thảo (nghệ danh Thanh Thảo, con gái của bà Kim Anh) và anh Lê Trần Phong (nghệ danh Trần Phong, con trai của bà Kim Anh) cũng trở thành nghệ sĩ cải lương và cũng là tài tử ca rất ngọt nhiều bài bản tổ. Chị Thảo cho biết: “Từ nhỏ hai chị em đã rất đam mê cải lương và thích nghe mẹ ca tài tử. Tôi thấy mình thật may mắn khi được kế thừa chất giọng ngọt ngào từ mẹ và gắn bó với nghệ thuật hơn nửa đời người. Giờ đây, tuy mỗi người đã có gia đình riêng nhưng anh chị em chúng tôi vẫn thường xuyên quây quần bên mẹ, nghe mẹ chỉ dạy cách ca, cách diễn sao cho đúng chất tài tử. Với cái tâm của người chơi ĐCTT, tôi nguyện sẽ góp công gìn giữ, phát huy giá trị ĐCTT và nhất là đào tạo một đội ngũ trẻ kế thừa cho phong trào ĐCTT ở địa phương”. Cũng với niềm đam mê nghệ thuật đó, nghệ sĩ Trần Phong đã cùng với chị tích cực sinh hoạt tại CLB ĐCTT huyện và cống hiến cho địa phương nhiều tác phẩm tự biên có chất lượng. Ngoài khả năng ca tài tử hay, 2 chị em Thanh Thảo và Trần Phong còn viết thêm lời mới cho nhiều bài bản cổ, dàn dựng nhiều chập cải lương ý nghĩa. Một số bài và một số chập cải lương được lựa chọn tham dự các hội thi ĐCTT-CL trong tỉnh và khu vực đạt giải cao.

Do có chung niềm đam mê là ĐCTT và cải lương nên mỗi khi cả nhà họp mặt là cùng nhau thảo luận về những bài bản, cách xử lý làn hơi sao cho ca thật “ngọt” những thể điệu trong 20 bài bản tổ, hoặc động viên nhau cố gắng gìn giữ và phát huy những giá trị tuyệt vời của bộ môn nghệ thuật di sản này. “Để các bạn trẻ đến với ĐCTT, Thanh Thảo luôn tìm cách đổi mới phương pháp truyền thụ, pha giữa cái cũ lẫn mới, truyền thống lẫn hiện đại để ĐCTT đến với các em tự nhiên hơn. Thành công với Thanh Thảo không phải là những giải thưởng mà chính cô được chứng kiến niềm đam mê ĐCTT lớn dần từng ngày của thế hệ trẻ mà cô góp sức bồi dưỡng”, nghệ sĩ Thanh Thảo tâm sự.

Vui mừng trước sự phát triển về số lượng hội viên, học viên ngày càng tăng ở CLB và sự trưởng thành của các con, cháu trong gia đình khi theo nghiệp đờn ca, nghệ nhân ưu tú Kim Anh đã nói: “Giờ đây tuy tuổi đã cao, không còn tham gia biểu diễn trên sân khấu nhưng tôi rất vui mừng và hạnh phúc vì cả nhà ai cũng cùng chung niềm đam mê nghệ thuật ĐCTT. Con rể, con dâu đều làm âm thanh, cộng tác viên của Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Dầu Tiếng, những đứa cháu cũng là “hạt giống” văn nghệ của huyện. Hy vọng trong thời gian tới, những cống hiến của cả nhà sẽ góp phần gìn giữ và phát huy giá trị của bộ môn nghệ thuật được công nhận là di sản của thế giới”.

MINH HIẾU

Chia sẻ bài viết
Tags
Gia đình

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên