Giá hàng hóa chưa giảm theo giá xăng dầu, vì sao ?

Cập nhật: 28-07-2022 | 08:22:24

2 tuần gần đây, tổng mức giá xăng đã giảm hơn 6.000 đồng/lít, tương đương khoảng 20% so với thời điểm cuối tháng 6 vừa qua, nhưng nhiều mặt hàng trên thị trường vẫn neo giữ giá cao, vì sao?

 Người tiêu dùng kỳ vọng khi giá xăng giảm thì giá các mặt hàng sẽ giảm, nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại Co.opMart Bình Dương

 Chợ truyền thống neo giá cao

Dõi theo diễn biến thị trường, từ 15 giờ ngày 21-7, giá xăng dầu tiếp tục giảm mạnh, 3.000 đồng/lít. Tổng mức giảm (từ 11-7) đến nay đã hơn 6.000 đồng/lít, tương đương khoảng 20% so với thời điểm cuối tháng 6 vừa qua. Giá xăng dầu giảm, người tiêu dùng cứ hy vọng nhiều mặt hàng thiết yếu trên thị trường cũng giảm giá theo. Thế nhưng, đến thời điểm này, hầu như chưa có loại hàng hóa nào bán tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh giảm theo.

Cụ thể, tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, thịt heo mảnh dao động từ 90.000 - 190.000 đồng/kg, thịt bò từ 280.000 - 360.000 đồng/kg, cá biển từ 60.000 - 200.000 đồng/kg tùy loại… Quán mì Hưng Ký (đường Huỳnh Văn Lũy, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một) vẫn chưa vội điều chỉnh giảm lại giá bán. Hiện mỗi tô mì, hủ tíu dao động 50.000 - 60.000 đồng. Tương tự, các loại thức ăn nấu chín như cơm bình dân, phở cũng giữ giá 40.000 - 55.000 đồng/ suất. Mức giá này được người bán điều chỉnh từ cuối tháng 6 để ứng phó với bão giá nhiên liệu. “Hiện thực phẩm, nhất là thịt gà, heo, cá… vẫn phải nhập theo giá tăng từ trước đó nên tôi chưa thể tính toán giảm giá bán”, chị Châu, chủ quán mì Hưng Ký giải thích.

Các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thịt cá, rau xanh... tại chợ truyền thống vẫn đứng nguyên giá, thâm chí giá còn tăng hơn. Theo anh Hòa, chủ sạp thịt heo tại chợ Phú Lợi, phường Phú Lợi, so với 2 tuần trước, giá heo bán lẻ vẫn chưa được điều chỉnh giảm. Thậm chí giá còn tăng thêm từng ngày so với khi giá xăng dầu điều chỉnh giảm. “Do giá heo hơi tăng vọt lên trên 70.000 đồng/ kg kể từ khi giá xăng tăng nên giá heo bán lẻ hiện nay cũng tăng lên từng ngày. Hiện mỗi kg thịt heo bán lẻ tăng thêm 10.000 đồng/kg so với đầu tháng 6 vừa qua. Thời tiết mưa gió bất thường, sức mua yếu trong khi giá nhập hàng tăng vọt, bán huề vốn là may, còn phần lớn đều phải chịu hao hụt lợi nhuận”, anh Hòa bộc bạch.

Bà Trần Thị Thanh, ở phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một nêu thực trạng giá xăng đã giảm liên tục nhưng giá nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày vẫn không giảm theo. Chỉ có người tiêu dùng (NTD) chịu thiệt. “Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có giải pháp quản lý quyết liệt hơn để giá cả hàng hóa bình ổn theo giá xăng, bảo vệ quyền lợi NTD”, bà Thanh nói. Còn tại các quầy hàng kinh doanh thực phẩm khô, thực phẩm công nghệ như dầu ăn, mắm, bột ngọt, khô… cũng chưa có dấu hiệu giảm giá theo giá xăng dầu. Nhiều người bán chia sẻ, thời gian gần đây việc buôn bán rất ế ẩm. Tiểu thương cũng muốn giảm giá bán để giữ khách, nhưng do hàng hóa nhập về với giá cao nên không thể giảm giá bán lẻ được.

Doanh nghiệp bán lẻ giảm giá nhỏ giọt

Bà Nguyễn Thị Hồng Khanh, Giám đốc Siêu thị Co.opMart Bình Dương II, cho biết vừa qua, giá xăng dầu tăng đã tác động trực tiếp đến sản xuất trong nước cũng như sản phẩm cung ứng ở thị trường nước ngoài. Doanh nghiệp bán lẻ đương nhiên bị ảnh hưởng theo, tuy ở mức độ chậm hơn nhưng cũng ảnh hưởng đến giá cả các mặt hàng đang cung ứng đến NTD trong cả nước. “Để chuẩn bị cho những biến động về nguồn cung, giá cả hàng hóa, Sài Gòn Co.op đã phối hợp với các nhà cung cấp thiết lập lộ trình khuyến mại và giảm giá nhiều mặt hàng cho đến tháng 8-2022. Tùy theo nhóm hàng cụ thể, mức độ tác động giá xăng đến tỷ lệ chi phí đầu vào để tiến hành giảm giá. “Nhóm hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp của giá vận chuyển chủ yếu là thực phẩm tươi sống sẽ luân phiên giảm giá với mức giảm từ 10% - 15%, tùy loại. Riêng các mặt hàng có tính dự trữ như hóa phẩm, thực phẩm công nghệ, đồ dùng, may mặc… chúng tôi cũng có kế hoạch giảm giá trong chương trình khuyến mại tiếp theo bằng nhiều hình thức như giảm giá trực tiếp, mua sản phẩm tặng sản phẩm”, bà Khanh nói.

Có thể nhận thấy, với ưu thế của mình hàng hóa trên thị trường được điều tiết bởi quy luật cung - cầu, các hệ thống siêu thị có thể can thiệp, yêu cầu các nhà sản xuất điều chỉnh giá thông qua nhiều hình thức khác nhau để hỗ trợ NTD. Trong khi đó, đối với thị trường tự do, tiểu thương nhận thấy bán với giá cao vẫn có người mua thì họ không có lý do gì để hạ. “Muốn hàng hóa giảm giá cần có sự vào cuộc của cả 3 chủ thể trong nền kinh tế thị trường, đó là sự cạnh tranh của các doanh nghiệp, sự vào cuộc của cơ quan quản lý và bản thân mỗi NTD”, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bình Dương cho biết. Theo ông Đông, hiện ngành quản lý thị trường vẫn huy động lực lượng tăng cường công tác kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Hạn chế tình trạng đầu cơ, nâng giá bất hợp lý, góp phần bình ổn thị trường trong mọi tình huống.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên