Già làng Hứa Tăng Chức: “Cầu nối” giữa chính quyền và đồng bào dân tộc thiểu số

Cập nhật: 02-07-2015 | 09:30:52

Suốt 18 năm qua, bằng uy tín và tài dân vận khéo, già làng Hứa Tăng Chức, người dân tộc Tày đã làm tốt vai trò là “cầu nối” giữa chính quyền xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở địa phương.

Già làng Hứa Tăng Chức (bìa phải) nói chuyện pháp luật với gia đình ông Triệu Văn Núm, người dân tộc NùngẢnh: N.HẬU

Sau thời gian công tác trong lực lượng bộ đội biên phòng ở tỉnh Cao Bằng, năm 1985, ông Chức chọn Bình Dương làm quê hương thứ hai. Về xã Tân Hiệp, ông cùng gia đình miệt mài chăm chỉ làm ăn. Không lâu sau, nhà ông đã có của ăn, của để thì ông bắt đầu tham gia vào công tác phong trào ở địa phương. Năm 1997, ông được lãnh đạo UBND xã Tân Hiệp tín nhiệm cử đi học lớp bồi dưỡng cán bộ nòng cốt, phụ trách khối đồng bào DTTS ở địa phương. Và kể từ đây, ông trở thành “già làng” của 67 hộ người DTTS với gần 300 nhân khẩu ở xã Tân Hiệp cho đến nay.

Già Chức tâm sự: “Tôi từng giữ nhiều vị trí ở UBND xã nhưng có lẽ vị trí “già làng” này, tôi làm lâu nhất. Chắc là do cái duyên. Thời gian đầu làm già làng, tôi cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là bất đồng về ngôn ngữ. Tôi là người dân tộc Tày, trong khi ở địa phương có rất nhiều đồng bào dân tộc như Khme, Mường, Thái… , vì vậy, để nói chuyện và tuyên truyền với họ thì tôi phải biết tiếng của họ. Để học được ngôn ngữ của các dân tộc khác cũng không phải dễ chút nào. Tuy nhiên, việc sử dụng chính tiếng mẹ đẻ của họ để tuyên truyền pháp luật là lựa chọn tốt nhất, vừa giúp tạo sự thân thiệt, vừa giúp họ dễ hiểu hơn. Sau nhiều năm “dùi mài kinh sử”, tôi đã có thể nói chuyện trôi chảy được tất cả các tiếng dân tộc của đồng bào ở địa phương”.

Theo già Chức, đồng bào ở xã Tân Hiệp chủ yếu sống bằng nghề nương rẫy nên việc tập hợp họ lại để tuyên truyền pháp luật là điều không đơn giản. Vì vậy, để không làm ảnh hưởng đến sản xuất của họ, ông chọn cách đến từng hộ dân nói chuyện với từng thành viên trong gia đình. Đồng thời lồng vào các buổi gặp này là những câu chuyện đời thực có liên quan đến các chủ trương, chính sách của Đảng. Có lẽ vì thế mà đến nay bà con DTTS ở xã Tân Hiệp đều yêu mến già Chức. Cũng chính vì vậy, khi mới đây UBND xã Tân Hiệp tiến hành bê tông hóa đường giao thông nông thôn nhưng gặp vướng mắc ở khâu giải tỏa mặt bằng chính già Chức đã đến từng hộ dân để tuyên truyền về cái lợi của việc bê tông hóa đường. Hiểu được cái lý của già Chức, nhiều hộ dân đã gật đầu, nhường đất làm đường. 

Ông Vũ Hải Lý, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, cho biết: “Già Chức là một người có uy tín đối với người dân tộc thiểu số ở địa phương. Già không những nhiệt tình, tận tụy, trách nhiệm và xông xáo trong mọi công việc mà còn có nhiều đóng góp lớn trong vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và Nhà nước. Ngoài ra ông còn thường xuyên vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, phòng chống các bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, thực hiện nếp sống văn hóa; vận động bà con hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.


 
NGUYỄN HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=604
Quay lên trên