Theo số liệu của Cục Thống kê (từ ngày 16-3 đến ngày 15-4), chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 so với tháng 3 tăng 0,2%, giá cả tăng đáng kể là ở nhóm hàng giao thông do ảnh hưởng bởi giá xăng, dầu tăng; kế đến là nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,21%, nhưng giảm ở nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (giảm 0,68%) do ảnh hưởng cung cầu, trong đó lương thực giảm 3,4%, thực phẩm giảm 0,2% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,5%.
Ngoài mặt hàng rau củ tươi vẫn “neo giá” do ảnh hưởng của lần tăng giá xăng dầu cuối tháng 4 vừa qua, còn lại các mặt hàng thực phẩm tươi sống vẫn duy trì giá bán ổn định. Thực tế khảo sát ở các chợ trên địa bàn TX.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An về giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, giá lương thực thực phẩm ổn định và có xu hướng giảm so với tháng trước. Cụ thể, giá lúa gạo các loại giảm bình quân từ 1.000 - 1.500 đồng/kg do đến mùa thu hoạch rộ, nguồn cung nhiều. Tạm lắng dịu với thông tin nhiễm chất cấm trong chăn nuôi, nhưng thông tin một số địa phương phía Bắc vừa có dịch heo lở mồm long móng khiến giá mặt hàng thịt heo muốn tăng cũng không được. Chị Mười, tiểu thương quầy thịt heo trên đường Điểu Ong, TX.Thủ Dầu Một, cho biết sức tiêu thụ thịt heo bắt đầu tăng, kéo theo giá heo hơi nhích nhẹ trở lại. “Tuy nhiên, giá bán lẻ thịt heo không thể điều chỉnh tăng lên do không ít người chọn giải pháp an toàn là chuyển sang dùng loại thực phẩm khác hoặc mua thịt heo tại các siêu thị và đại lý của Vissan. Mặt khác, lo ngại tình trạng sức mua thấp sẽ tiếp tục kéo dài, nên tiểu thương không dám tăng giá bán”, chị Mười nói. Hiện giá thịt heo phổ biến ở mức 85.000 - 125.000 đồng/kg, tùy loại. Sau thịt heo, thủy hải sản đang được tiêu thụ nhiều, nhưng giá cả nhìn chung vẫn ổn định, thậm chí giảm. Cụ thể cá kèo, thát lát, cá thu giá giảm bình quân từ 5.000 - 10.000 đồng/kg do nguồn hàng về nhiều, riêng cá diêu hồng, do có thông tin nhiễm chất cấm trifluralin nên giá vẫn ở mức thấp với 45.000 đồng/kg.
Trong khi các mặt hàng nói trên có xu hướng giảm thì nhóm hàng rau quả xuất xứ từ Đà Lạt có sự thay đổi về giá. Cụ thể, cà rốt Đà Lạt tăng lên mức 25.000 đồng/kg; cải bó xôi, tần ô lên mức 25.000 đồng/kg; xà lách búp tăng rất mạnh lên mức 45.000 đồng/kg. Chị Oanh, tiểu thương quầy rau quả tại chợ TX.Thủ Dầu Một, cho biết các loại rau quả tươi Đà Lạt phải vận chuyển đường dài, hư hao nhiều và nguồn cung không dồi dào dẫn đến giá tăng mạnh. Hiện sức mua các mặt hàng này cũng không cao nên chị cũng không nhập hàng nhiều, lượng bán ra giảm hơn 20% so với tháng trước. Giá các các loại rau củ có nguồn gốc tại chỗ tiếp tục ổn định. Cụ thể, cải ngọt, cải bẹ xanh, bầu, bí xanh phổ biến ở mức từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, dưa leo 16.000 đồng/kg; rau sống 18.000 - 20.000 đồng/kg. Riêng bắp cải dài Trung Quốc (cải thảo) do có thông tin chứa chất ướp xác formaldehyde để giữ cho rau quả tươi lâu nên giá giảm còn 10.000 đồng/kg, nhưng vẫn không ai dám mua.
Nhận định mới đây từ tổ điều hành thị trường trong nước cho thấy, dự kiến tháng 5 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước sẽ tăng khoảng 0,15 - 0,2% so với tháng 4. Sở dĩ CPI tháng 5 tăng cao hơn so với tháng 4 là do tác động của tăng giá xăng dầu cuối tháng 4 và tăng lương tối thiểu từ 1-5. Tuy vậy, đây vẫn là mức tăng thấp so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu của Sở Tài chính, tính đến cuối tháng 4 giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm và nông sản có xu hướng giảm. Giá thu mua hạt tiêu đen và hạt điều tươi đã giảm từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, tiêu đen 15 độ mua vào ở mức từ 120.000 - 122.000 đồng/kg, hạt điều tươi giá từ 14.000 - 15.000 đồng/kg do mưa nhiều chất lượng hạt giảm. Giá các loại bia, nước ngọt nhìn chung ổn định, nước ngọt Coca Cola 65.000 đồng/két, bia chai Sài Gòn đỏ 130.000 đồng/két, riêng giá bia 333 nắp vàng tăng lên mức 190.000 đồng/thùng. Nhóm hàng vật tư, vật liệu xây dựng nhìn chung ở mức ổn định.
TRÚC HUỲNH