Trong hầu hết các phiên giao dịch của tuần qua, giá dầu tại thị trường Mỹ đều đi xuống do những lo ngại về nguy cơ dư thừa nguồn cung, bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed), cũng như các số liệu đáng thất vọng về kinh tế Trung Quốc.
Bất chấp những tín hiệu sáng mới nhất từ kinh tế Mỹ vừa được công bố vào phiên cuối tuần, thị trường năng lượng vẫn buộc phải ghi nhận một tuần giao dịch buồn.
Khởi đầu tuần (ngày 20-5), giá hai loại dầu chính đồng loạt tăng phiên thứ tư liên tiếp, nối gót xu hướng đi lên từ cuối tuần trước nữa, do tình hình bất ổn tại khu vực Trung Đông và chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ lạc quan hơn mong đợi, giúp gia tăng hy vọng về nhu cầu năng lượng mạnh hơn trong nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, chuỗi ngày tăng điểm của giá dầu đã chấm dứt ngay trong phiên giao dịch sau đó (21-5), khi thị trường toàn cầu đang dồn sự chú ý vào bài phát biểu của Chủ tịch Fed Ben Bernanke trước Quốc hội Mỹ, với những hoài nghi về khả năng Fed sẽ sớm rút lại hoặc giảm quy mô các chương trình nới lỏng tiền tệ (QE).
Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng tỏ ra thận trọng hơn trước khi Bộ Năng lượng Mỹ công bố báo cáo hàng tuần về lượng dự trữ dầu mỏ của nước này, vốn đã vọt lên gần mức cao kỷ lục trong vài tuần gần đây.
Tới hai phiên giao dịch liền tiếp (22 và 23-5), dầu tiếp tục xu hướng rớt giá do hoạt động bán tháo được đẩy lên sau khi Mỹ công bố thống kê cho hay tuần trước kho dự trữ dầu thô của nước này giảm 300.000 thùng, thấp hơn con số dự báo (giảm 600.000 thùng) mà các chuyên gia phân tích tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones Newswires đưa ra.
Ngoài ra, tuyên bố của ông Bernanke về việc Fed sẽ sớm rút lại chương trình nới lỏng định lượng nếu “sức khỏe” của nền kinh tế Mỹ tiếp tục được cải thiện, cũng khiến giới đầu tư càng thêm thất vọng, sau khi vừa phải đón nhận thông tin kho dự trữ xăng của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 17-5 tăng tới 3 triệu thùng, ngược hẳn với dự báo giảm 100.000 thùng của các chuyên gia phân tích.
Những thông tin tiêu cực liên tiếp đổ xuống thị trường dầu mỏ, khiến giới đầu tư “phớt lờ” luôn các số liệu đầy lạc quan về kinh tế Mỹ như doanh số bán nhà mới trong tháng 4 tăng lên 454.000 căn, mức cao thứ hai kể từ giai đoạn suy thoái cho tới nay, vượt qua dự báo 430.000 căn của giới phân tích; trong khi số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc hôm 18-5 cũng giảm còn 340.000 người.
Diễn biến của thị trường năng lượng không trở nên sáng sủa hơn trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 24-5), khi mà ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo sơ bộ cho hay chỉ số Quản lý sức mua (PMI) của Trung Quốc trong tháng 5-2013 đã rơi xuống 49,6, thấp hơn so với mức 50,4 của tháng trước đó. Đây là lần đầu tiên trong 7 tháng qua, chỉ số này tụt xuống dưới 50, chứng tỏ hoạt động sản xuất tại quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới đang suy giảm, qua đó làm dấy lên mối quan ngại về nguy cơ nhu cầu đối với “vàng đen” suy yếu.
Chốt phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 7-2013 giảm 10 xu, xuống 94,15 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn lại tăng 20 xu, đóng cửa ở mức 102,64 USD/thùng.
Đà giảm của cả hai loại dầu chính trong phiên 24-5 đã phần nào bị hạn chế nhờ việc đồng USD xuống giá và báo cáo mới nhất cho thấy số đơn đặt hàng tiêu dùng lâu bền của Mỹ trong tháng 4-2013 tăng 3,3%, cao hơn mức dự báo tăng 1,5% của giới phân tích. Tính chung cả tuần qua, giá dầu ngọt nhẹ mất 2%, còn giá dầu Brent cũng “bốc hơi” 2,1%.
Theo TTXVN