Giả shipper, nhân viên thu tiền điện để lừa đảo

Cập nhật: 06-12-2024 | 09:13:31

Cùng với nhiều cuộc gọi lừa đảo mạo danh, các chiêu trò mới đã bắt đầu xuất hiện dịp cuối năm. Đánh vào sự chủ quan, bận rộn với công việc, nhiều người đã mắc bẫy lừa mạo danh shipper, nhân viên thu tiền điện.


Tin nhắn đối tượng lừa đảo chị Nguyễn Ngọc Thơ (ảnh nhân vật cung cấp)

Chiêu trò tinh vi, khó nhận biết

Đến nay, chị Nguyễn Ngọc Thơ (19 tuổi), học tập và sinh sống tại TP.Dĩ An, vẫn chưa hết ấm ức vì bị đối tượng mạo danh nhân viên giao hàng (shipper) lừa chuyển khoản gần 2 triệu đồng do nhận hàng online. “Hôm đó, tôi nhận được tin nhắn của một shipper yêu cầu thanh toán đơn hàng 139.000 đồng kèm theo số tài khoản. Khi thắc mắc về đơn hàng, người đó bực dọc nhắn: “Gọi không nghe máy mà còn hỏi đồ đâu”, nên tôi cũng chuyển khoản. Nhưng người này lại bảo tôi chuyển nhầm nên gửi link tải một ứng dụng và yêu cầu tôi ghi thông tin cá nhân để giữ hàng”, chị Thơ cho biết.

Lúc điền thông tin, đối tượng còn yêu cầu chị Thơ chia sẻ màn hình để hướng dẫn, sau khi đăng nhập ứng dụng, tài khoản ngân hàng của chị Thơ bị lỗi và tự động chuyển toàn bộ tiền vào số tài khoản lừa đảo. “Đối tượng giả vờ nói tôi thao tác sai nên chuyển nhầm số tiền lớn, yêu cầu chuyển qua thêm 7 triệu đồng nếu muốn hoàn lại toàn bộ số tiền. Đến lúc này, tôi biết mình đã bị lừa”, chị Thơ cho hay. Khi kiểm tra lại ứng dụng đặt hàng, chị Thơ cho biết đúng là mình có đơn hàng thật nhưng vẫn chưa đến ngày giao. Chứng tỏ thông tin đặt hàng đã bị lộ.

Còn với anh Thượng Tấn Hạnh (36 tuổi), ngụ phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một, cho biết vô cùng bức xúc khi có đối tượng mạo danh nhân viên điện lực lừa đảo và có hành vi xúc phạm, đe dọa. “Lúc đó đang đi làm thì có số điện thoại lạ gọi đến nói tôi chưa thanh toán tiền điện tháng 10, vì có ghi chép đầy đủ nên tôi bảo đã đóng tiền. Đối tượng mạo danh nhân viên điện lực nói do hệ thống bị lỗi nên chưa cập nhật, yêu cầu tôi gửi hóa đơn thanh toán qua kế toán để kiểm tra thông tin”, anh Hạnh nói.

Sau đó người này gửi tiếp cho anh Hạnh một số điện thoại khác và yêu cầu kết bạn Zalo để cung cấp thông tin cá nhân. Thấy lạ nên anh Hạnh chần chừ thì khoảng 10 phút sau thêm một số lạ khác gọi yêu cầu anh Hạnh chấp hành nếu không đúng 4 giờ chiều sẽ cắt điện. “Đang bận việc mà còn gặp chuyện nên tôi bày tỏ sự bức xúc thì đối tượng đó xúc phạm tôi và đe dọa sẽ cho người đến nhà hành hung. Quá tức giận nên tôi đã gọi đến số của Công ty Điện lực Bình Dương hỏi cho ra lẽ thì được biết đối tượng vừa rồi là lừa đảo”, anh Hạnh cho hay.


Cảnh báo lừa đảo của Công ty Điện lực Bình Dương

Hạn chế chia sẻ, công khai thông tin cá nhân

Theo anh Ngô Minh Hiếu, chuyên viên tại Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng quốc gia, Giám đốc Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội chống lừa đảo (TP.Hồ Chí Minh), thời gian gần đây, thủ đoạn lừa đảo giả danh shipper, nhân viên điện lực để chiếm đoạt tài sản đang gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. “Các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng sự thiếu cảnh giác của người tiêu dùng để thực hiện hành vi phạm tội, nhất là vấn đề đặt hàng qua mạng hay thu chi hóa đơn. Đặc biệt, thông tin cá nhân có thể bị đánh cắp từ việc để lại số điện thoại và thông tin cá nhân trên các ứng dụng đặt hàng, phiên livestream, mạng xã hội…”, anh Hiếu cho biết.

Trong trường hợp mạo danh shipper, các đối tượng thông báo có đơn hàng cần giao và yêu cầu khách hàng chuyển khoản thanh toán trước với lý do không thể giao hàng trực tiếp hoặc cần xác nhận thanh toán trước. Sau khi khách hàng chuyển tiền, đối tượng cắt đứt liên lạc và không giao hàng như đã hứa. “Nhiều trường hợp sau khi nhận được tiền, đối tượng thông báo đã gửi nhầm vào tài khoản đăng ký thẻ hội viên shipper, khiến khách hàng lo sợ sẽ bị trừ tiền hàng tháng. Chúng sẽ gửi đường link giả mạo và hướng dẫn khách hàng truy cập để hủy đăng ký. Khi khách hàng nhập thông tin cá nhân vào trang web giả mạo, đối tượng chiếm đoạt thông tin và tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân”, anh Hiếu chia sẻ.

Để tránh chiêu trò này, chuyên gia an ninh mạng này cho biết khi nhận được cuộc gọi giao hàng, cần kiểm tra lại thông tin đơn hàng qua ứng dụng hoặc liên hệ trực tiếp với đơn vị bán hàng để xác nhận. “Nếu shipper yêu cầu chuyển khoản trước, cần cảnh giác và xác minh lại thông tin. Tuyệt đối không nhấp vào các đường link được gửi từ người lạ hoặc không rõ nguồn gốc, đặc biệt khi được yêu cầu nhập thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng. Hạn chế chia sẻ số điện thoại, địa chỉ và thông tin cá nhân trên mạng xã hội hoặc các nền tảng công khai để tránh bị lợi dụng”, anh Hiếu cho biết.

Theo Công ty Điện lực Bình Dương, thời gian qua, các đối tượng xấu đã áp dụng chiêu trò tự xưng là nhân viên điện lực thông báo về việc thanh toán hóa đơn điện, yêu cầu chuyển tiền để tránh ngắt điện hoặc thông báo về các chương trình khuyến mãi mà thực tế không có. Đáng chú ý, để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng có thể sử dụng số điện thoại giả mạo, âm thanh và giọng nói giả để tạo lòng tin cho người nghe nhằm dẫn dụ thanh toán vào tài khoản cá nhân của các đối tượng này. Khi khách hàng từ chối, những đối tượng này ngay lập tức có thái độ khiếm nhã, sử dụng lời nói bất lịch sự với khách hàng, đe dọa cắt điện của khách hàng. Các đầu số lừa đảo như: 033, 092, 056, 0817, 0916, 0945…

 THƯỢNG HẢI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=347
Quay lên trên