Với lý do tỷ giá VND/USD tăng thêm, các hãng sữa đồng loạt tăng giá bán từ 5 - 10% ngay từ những ngày đầu năm mới 2010. Đón đầu đợt điều chỉnh này, nhiều đại lý đã chủ động tăng giá sữa trước khoảng 5%.
Khảo sát thị trường sữa tại Hà Nội trong những ngày đầu năm mới 2010, hầu hết các mặt hàng sữa đã tăng cao.
Từ ngày 1-1, các sản phẩm sữa của Công ty thực phẩm Hancofood tăng khoảng 10%. Nhà phân phối các sản phẩm sữa bột của Abbott là Công ty 3A cho biết, họ sẽ áp dụng bảng giá mới với mức tăng bình quân 7,4%.
Bên cạnh đó, Công ty Friesland Campina Việt Nam, nhà sản xuất sữa thương hiệu Cô gái Hà Lan Friso, cũng rục rịch tăng thêm khoảng 10%, riêng mặt hàng sữa nước tăng 2%.
Còn từ ngày 9-1 tới, Công ty Tiên Tiến, nhà phân phối chính thức sữa Mead Johnson tại Việt Nam sẽ tăng giá các sản phẩm sữa Enfa A+ thêm 7 - 9%.
Thị trường sữa bước vào đợt điều chỉnh tăng giá.
Nhân viên bán hàng tại một shop tạp hóa trên đường Núi Trúc (Hà Nội) cho biết: Cửa hàng này chính thức điều chỉnh bảng giá các loại sữa từ ngày 1-1 với mức tăng bình quân 10%, bởi họ vừa nhận được thông báo tăng giá bán từ 5 - 10% của hầu hết nhãn hiệu sữa. Chính vì vậy, họ đã chủ động tăng giá bán trước để đón đầu đợt điều chỉnh này.
Nhân viên bán hàng tại tiệm tạp hoá nhà K16 Khu đô thị mới Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) cũng cho biết họ vừa được các nhà phân phối “thông báo miệng” sẽ điều chỉnh bảng giá sữa. “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn bán sữa với giá cũ, vì chưa nhận được bảng giá chính thức từ các nhà phân phối”, một nhận viên nói.
Còn về các hãng sữa, tỷ giá tăng lên mức 18.500 VND/1 USD và việc Nhà nước điều chỉnh tăng lương cơ bản được họ lấy làm lý do cho đợt điều chỉnh giá sữa lần này.
Tuy nhiên, theo một khảo sát gần đây nhất của Thanh tra Bộ Tài chính, giá sữa ngoại bán lẻ tại thị trường Việt Nam hiện cao gấp 2 lần giá vốn.
Và người tiêu dùng ưa thích sữa ngoại đang phải gánh quá nhiều chi phí: lương, quản lý, quảng cáo, tiếp thị… vượt mức khống chế (10% chi phí hợp lý) cho chính các hãng sữa.
Theo đánh giá của các chuyên gia, giá sữa ngoại vẫn liên tục tăng cao chủ yếu là do nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng. Họ hiểu tâm lý người Việt Nam vốn chuộng và tin tưởng vào hàng ngoại, đặc biệt là không hề tiếc tiền của để chăm lo cho con cái của mình.
Chính vì vậy, các hàng sữa đã liên tục tăng giá bất hợp lý trong thời gian qua, đưa giá sữa tại Việt Nam lên cao nhất trên thế giới. Dù cơ quan chức năng - Bộ Tài chính - có yêu cầu giảm giá nhưng với cơ chế thị trường, họ vẫn có thể tăng giá thấy như vậy là hợp lý.
Khi mức giá lên đến mức bất hợp lý như thế này, chính những người tiêu dùng mới là đối tượng có khả năng khiến giá sữa tại Việt Nam trở lại giá trị thực. Đó là sử dụng quyền mua hoặc sẽ không mua sữa ngoại có giá cao bất hợp lý mà sử dụng sữa nội có mức giá phù hợp hơn. Khi đó, chính các hãng sữa ngoại sẽ phải hạ giá để tìm kiếm lại khách hàng.
Một chuyên gia kinh tế cho hay: “Còn trong điều kiện giá sữa cứ tăng bất hợp lý, người tiêu dùng vẫn tiếp tục mua thì các cơ quan chức năng cũng không thể dùng mệnh lệnh hành chính để buộc các hãng sữa phải giảm giá trong nền kinh tế thị trường này được.
Và khi đó, người tiêu dùng sẽ còn phải đón nhận nhiều đợt tăng giá bất hợp lý nữa của các hàng sữa trong thời gian tới”.
(Theo Dân Trí)