Giá sữa trong nước tăng ngay cả khi giá nguyên liệu giảm

Cập nhật: 07-08-2010 | 00:00:00

Chỉ khi giá sữa tăng 20% cơ quan quản lý mới có thể xử lý. Quy định như vậy nên các hãng sữa cứ tăng giá đều đặn miễn là không quá 20%/lần. Mấy ngày qua, người tiêu dùng (NTD) lại “thấp thỏm” trước thông tin một số hãng sữa tiếp tục tăng giá bán lên 10%. Dù cơ quan chức năng nắm được tình hình này nhưng đến nay vẫn chưa có cách nào để đối phó. Giá sữa tăng ngay cả khi giá nguyên liệu đầu vào của loại hàng này giảm đáng kể.

Thoải mái tăng giá

Qua khảo sát giá tại các đại lí sữa trên phố Hàng Buồm (Hà Nội), một số nhãn sữa bột bắt đầu đợt tăng giá mới. Tiên phong là sữa Dumex, hãng này đã tăng giá bán thêm khoảng 10% cho 17 loại sữa bột. Các loại sữa Dulac cũng tăng giá mạnh. Cụ thể, Dulac Gold (hộp 800 gr) tăng thêm 30.000 đồng/hộp; Dulac 1 (hộp 800 gr) tăng 20.000 đồng/hộp... Đầu tháng 8-2010, nhãn sữa X.O cũng thông báo tăng giá 2,5%. Không chịu thua kém, các loại sữa bột được nhập nguyên hộp từ Nhật Bản như Wokodo, Meji cũng lần lượt tăng từ mức 390.000đ/hôp lên mức 400.000đ/hộp (loại 850gr).

Đổ lỗi cho đợt tăng giá mới này, các hãng sữa vẫn lấy lý do tỷ giá USD tăng cao bên cạnh giá nguyên liệu sữa thế giới tăng đã ảnh hưởng đến chi phí kinh doanh. Theo đại diện công ty Friesland Campina Việt Nam, giá tăng là do áp lực từ việc tăng giá của rất nhiều yếu tố đầu vào trong thời gian qua, kể cả biến động tỷ giá.

Trong khi đó, đại diện Công ty sữa Dumex Việt Nam thì lí giải, khủng hoảng tài chính từ năm 2008 đã khiến giá tiêu dùng tăng mạnh, nhưng Dumex Việt Nam vẫn cố gắng chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Tuy nhiên, đến nay tỉ giá hối đoái và giá nguyên liệu vẫn tiếp tục gia tăng khiến công ty không thể không tăng giá bán.

Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, sau khi đã đạt đỉnh vào tháng 5-2010, giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới đã giảm trung bình vài trăm USD/tấn. Cụ thể, giá sữa bột gầy trên thị trường châu Âu và châu Úc (những thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam) đã giảm từ mức 3.200 - 3.600 USD/tấn trong tháng 5 xuống mức 2.900 -3.150 USD/tấn. Sữa bột nguyên kem cũng giảm từ 4.000 USD/tấn xuống 3.200 - 3. 600 USD/tấn.

Dù giá sữa bột trên thị trường thế giới giảm, nhưng trong nước, những mặt hàng sữa bột nhập khẩu lại đang vào đợt tăng giá mới. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, với mức giá nguyên liệu và thuế suất nhập khẩu hiện hành thì việc các hãng sữa tăng trên 10% là quá cao so với thực tế.

Chưa thể xử lý

Ông Nguyễn Tuấn Khải – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần sữa quốc tế (IDP) cho rằng, có một thực tế ở nước ta, sữa bột nước ngoài chiếm thị phần lớn (hơn 90%), ngay từ khi đưa sản phẩm vào Việt Nam, các hãng sữa bột ngoại đã biết tìm cách tiếp cận thị trường nhanh chóng từ khâu đưa sữa vào ngay từ đầu ở các bệnh viện, tạo dựng thương hiệu ưa chuộng với người tiêu dùng mà các DN Việt Nam không thể làm được.

Thêm vào đó, phương thức quảng cáo độc đáo, lôi cuốn được NTD cũng là thế mạnh của sữa ngoại. Do đó, họ đã tạo một thế độc quyền trên thị trường và họ có quyền áp đặt mức giá riêng tuân theo quy định thương mại quốc tế, cụ thể là nước sở tại không can thiệp vào mức giá đưa ra của các hãng sữa nhập.

Theo ông Khải, nguyên nhân tỷ giá USD tăng cao không phải là cái chính mà các DN nhập khẩu vịn cớ để tăng giá, dẫu biết các nguyên liệu đầu vào thông qua nhập khẩu có liên quan đến tỷ giá nhưng các DN vẫn có thể chịu đựng được, tỷ giá lên xuống là chuyện bình thường.

"Chính những quy định chưa rõ ràng trong thông tư 104 về quản lý giá của Bộ Tài chính đã tạo điều kiện cho các hãng sữa ngoại lách luật (cơ quan quản lý nhà nước chỉ can thiệp vào thị trường khi giá sữa tăng quá 20%), tự định giá theo kiểu độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh" - ông Khải nói.

Trước những lần tăng giá trước đây, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết sẽ gấp rút sửa đổi thông tư 104 nhằm khắc phục những bất cập trong việc quản lý giá sữa. Dự kiến, thông tư sửa đổi sẽ ban hành trong tháng 7-2010. Nhưng cho đến thời điểm này thông tư mới vẫn chưa được ban hành.

Ông Nguyễn Tiến Thoả – Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, hiện tại Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo thông tư 104. Và đang lấy ý kiến của Bộ Công Thương, Tư pháp để hoàn thiện, sẽ ban hành trong thời gian sớm nhất.

Ông Thoả cho biết thêm, sẽ không có chuyện phân biệt doanh nghiệp nhà nước, tư nhân hay doanh nghiệp nước ngoài trong quản lý, bình ổn giá, bất kể mặt hàng nằm trong danh mục bình ổn giá do Chính phủ quy định đều phải đăng ký, kê khai giá bán với cơ quan quản lý giá các cấp.

Theo VNN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=376
Quay lên trên