Gia tăng ca bệnh sốt xuất huyết và hô hấp
(BDO) Hiện nay, số ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) và hô hấp trên địa bàn tỉnh đang có dấu hiệu tăng cao. Tuy vậy, một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý chủ quan khiến cho tình trạng bệnh chuyển nặng, gây khó khăn cho công tác điều trị.
Nhiều trẻ bị bệnh SXH nhập viện trễ đều do sự chủ quan của phụ huynh
Gia tăng ca nhập viện
Những ngày gần đây, con của chị Lê Thị Tâm (TP.Dĩ An) 15 tháng tuổi bị sốt cao, uống thuốc hạ sốt 10-20 phút sau vẫn bị sốt lại, người phát ban, sổ mũi kéo dài 3 ngày nhưng không khỏi. Chị Tâm đưa bé đến khoa nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám thì được chẩn đoán bị bệnh SXH. Chị Tâm cho biết: “Mấy ngày đầu bé sốt cao liên tục, quấy khóc, li bì, bứt rứt, tay chân lạnh, đi cầu phân đen, uống thuốc hạ sốt không hết. Uống thuốc phòng khám tư cũng không thấy khá hơn nên tôi đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nhờ bác sĩ điều trị kịp thời nên sức khỏe của bé đã ổn định, bé ăn uống được. Xung quanh nhà tôi là khu nhà trọ, một số trẻ em, người lớn cũng bị bệnh”.
Còn trường hợp con của chị Lưu Ánh Trâm (TP. Thuận An) lại bị biến chứng xuất huyết, chảy máu mũi, đi tiểu ra máu, xuất huyết dạ dày, bụng chướng. Mấy ngày trước con chị bị sốt, chị Trâm tự mua thuốc về nhà cho con uống nhưng không khỏi, tình trạng bệnh tăng nặng. Bé được nhập viện trong tình trạng tiểu cầu giảm thấp, xuất huyết tiêu hóa. Sau 2 ngày điều trị tích cực tại khoa nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh theo phác đồ điều trị biến chứng bệnh SXH, sức khỏe của bé tốt dần lên.
Đây chỉ là 2 trong số nhiều bệnh nhi đang điều trị bệnh SXH tại khoa nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Hiện bệnh nhân SXH điều trị nội trú đang có xu hướng tăng nhanh, mỗi ngày khoa tiếp nhận hơn 20 bệnh nhân nhi bị bệnh SXH. Nhiều bệnh nhi sốt cao, tự điều trị tại nhà nhưng không giảm, người nhà đưa đi khám khi tiểu cầu xuống rất thấp nên phải nhập viện.
Không chỉ có bệnh SXH tăng mà những ngày gần đây, số bệnh nhi mắc bệnh hô hấp cũng gia tăng. Theo ghi nhận của P.V, tại các bệnh viện tư, số bệnh nhân nhi nhập viện bị hô hấp cũng tăng. Trẻ được đưa đến khám chủ yếu mắc các nhóm bệnh: Viêm đường hô hấp trên, viêm tiểu phế quản, hen phế quản và một số bệnh lý như viêm phổi, viêm thanh khí phế quản, viêm mũi họng...
Bác sĩ Nguyễn Văn Nhưỡng, Trưởng khoa nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Hiện Bình Dương đã vào mùa mưa, số ca bệnh SXH và các bệnh hô hấp nhập viện cũng gia tăng, trong đó có những trường hợp bệnh nặng. Đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ y tế đang phải tăng cường giờ làm để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, đồng thời phải lên kịch bản dự phòng trong trường hợp quá tải.
“Bệnh SXH cũng là tình trạng nhiễm siêu vi, triệu chứng ban đầu của bệnh giống với những bệnh nhiễm siêu vi khác như sốt cao, đau đầu, lạnh run, nhức, đau mỏi cơ... Những ngày đầu của bệnh SXH Dengue, bệnh nhân thường sốt rất cao, khi giảm sốt, hết sốt thì bệnh nhân mới bắt đầu diễn tiến nặng”, bác sĩ Nhưỡng cho biết thêm.
Người dân không được chủ quan
Thực tế cho thấy, một bộ phận người dân vẫn còn rất chủ quan trước dịch bệnh SXH và các dịch bệnh truyền nhiễm bởi rất nhiều bệnh nhân chỉ nhập viện khi bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo nặng. Bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh cho biết, có 2 nguyên nhân thường gặp nhất khiến trẻ bị bệnh SXH nhập viện trễ đều do sự chủ quan của phụ huynh.
“Rất nhiều phụ huynh khi con có các dấu hiệu cảnh báo bệnh như sốt, mệt mỏi nhưng không nghĩ bệnh SXH mà lại nghĩ bị cảm cúm thông thường và tự mua thuốc về điều trị. Trẻ trở nặng thì mới đưa con nhập viện. Nguyên nhân thứ hai là khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh, phụ huynh đã không đưa trẻ tới bệnh viện sớm nhưng lại đến các phòng mạch tư không có chuyên khoa nhi nên bị chẩn đoán nhầm bệnh SXH thành các bệnh khác (viêm hô hấp trên hoặc bệnh tiêu chảy...). Phụ huynh không được dặn dò kỹ cũng góp phần làm cho bệnh trở nặng”, bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt cho biết thêm.
Trước thực tế bệnh SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết: Việc phòng, chống bệnh SXH và các dịch bệnh truyền nhiễm cần sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, nhất là sự tham gia tích cực của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình thực hiện vệ sinh sạch sẽ, diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy, triệt phá tận gốc nguồn sinh sản của muỗi truyền bệnh.
“Ngay từ đầu năm, ngành y tế tỉnh đã triển khai xét nghiệm định tuýp bệnh SXH và đánh giá sự lưu hành các tuýp Dengue tại tỉnh. Bên cạnh đó, ngành cũng tăng cường hệ thống giám sát ghi nhận ca bệnh nghi SXH từ cộng đồng, bệnh viện hay giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm ca bệnh, phun hóa chất chủ động tại các vùng nguy cơ và đẩy mạnh truyền thông phòng bệnh”, bác sĩ Huỳnh Minh Chín nói.
HOÀNG LINH