LTS: Chủ trương chuyển dịch nền kinh tế với việc gia tăng cơ cấu ngành thương mại - dịch vụ (TM-DV) của tỉnh đã tạo ra bước phát triển vững chắc trong tình hình kinh tế thế giới có nhiều thách thức. Điều này đã tiếp tục gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế tỉnh nhà, đồng thời hướng đến tăng trưởng bền vững. |
Với nhiều tiềm năng và lợi thế, lĩnh vực TM-DV Bình Dương thời gian qua tiếp tục thu hút sự thâm nhập của nhiều tập đoàn trong và ngoài nước. Trong cán cân tăng trưởng, TM-DV có sự tăng trưởng hài hòa giữa các thành phần kinh tế.
Bình Dương đang tiếp tục chú trọng phát triển TM-DV nhằm tăng sức chống chịu của nền kinh tế và hướng đến phát triển bền vững. Trong ảnh: Triển lãm công nghệ CNC ngành gỗ tại Bình Dương
Duy trì hiệu quả
Để kinh tế phát triển cân bằng, cùng với việc thu hút công nghệ cao, sản xuất tiên tiến, Bình Dương đồng thời tập trung đẩy mạnh phát triển TM-DV chất lượng cao. Trong đó, tỉnh ưu tiên các ngành dịch vụ hàm lượng chất xám cao, thương mại điện tử, thúc đẩy đầu tư tài chính, ngân hàng, công nghệ sáng tạo… Việc thu hút các dự án đầu tư phát triển hạ tầng TM-DV đã đóng góp quan trọng vào chiến lược phát triển bền vững của tỉnh. Cơ cấu TM-DV trong nền kinh tế tỉnh đang tăng dần đều theo từng năm. Năm 2022, cơ cấu TM-DV chiếm hơn 22%, nhưng trong năm 2023 nâng lên hơn 23,5%.
Kiên định với mục tiêu phát triển bền vững, Bình Dương đẩy mạnh phát triển thương mại quốc tế, thương mại điện tử, các ngành thâm dụng vốn, kinh tế số, dịch vụ công nghiệp, tài chính ngân hàng. Trên cơ sở những nền tảng ấy, 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh ước đạt 166.180 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ, đạt 48,4% kế hoạch năm 2024.
Đánh giá về hoạt động TM-DV 6 tháng đầu năm nay, ông Nguyễn Trường Thi, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết các chương trình kích cầu, bình ổn giá của tỉnh cũng như các đơn vị kinh doanh vẫn đang được duy trì hiệu quả. Doanh thu của hầu như các nhóm ngành hàng đều tăng. Ngành công thương nỗ lực hỗ trợ phát triển các thị trường trong và ngoài nước với nhiều hình thức.
Trong khi đó, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), đánh giá: “Bình Dương là một địa bàn có sức tiêu thụ mạnh, phát triển đồng đều. Việc Bình Dương tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại quy mô lớn, tầm quốc gia và quốc tế, nhất là đối với những ngành, lĩnh vực xuất khẩu có thế mạnh, phát triển thị trường, đẩy mạnh kết nối giao thương là bước tiến rất quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong khâu xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, Bình Dương tranh thủ nguồn lực hợp tác của đối tác quốc tế nhằm đẩy mạnh triển khai các chương trình tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tập trung khai thác, vận dụng và phát huy có hiệu quả, thực chất các hiệp định thương mại tự do”.
Tầm nhìn dài hạn
Bình Dương hiện có 5 thành phố trực thuộc tỉnh, là những địa bàn có nền công nghiệp phát triển mạnh gồm TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TP.Thuận An và TP.Tân Uyên, TP.Bến Cát. Các thành phố này cũng đang có rất nhiều tiềm năng, cần có bước đột phá mới để TM-DV phát triển bền vững.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Thanh Huy, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, cho biết Dĩ An đưa ra mục tiêu xây dựng thành phố phát triển bền vững theo hướng văn minh, hiện đại với cơ cấu kinh tế tập trung vào 3 lĩnh vực lớn đó là TM-DV, công nghiệp và nông nghiệp. Trong đó, TM-DV là lĩnh vực sẽ được chú trọng phát triển mạnh. Thành phố đẩy mạnh việc thu hút các nguồn lực ngành TM-DV chất lượng cao, đồng thời tập trung công tác chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển TM-DV theo hướng bền vững.
Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi chọn thành phố mới Bình Dương vì nhận thấy khu vực này có tiềm năng kinh tế và dân cư sẽ phát triển đông đúc trong thời gian tới. Do đó, Aeon Việt Nam quyết định đầu tư ở thời điểm này cho tầm nhìn 5 - 10 năm sau nữa chứ không chỉ hiện tại. Aeon Việt Nam vẫn tiếp tục tìm kiếm vị trí phù hợp tại các địa phương khác để mở thêm các địa điểm kinh doanh mới”.
Theo ông Giang Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH MTV WTC Bình Dương, (WTC BDNC), đến nay WTC đã kết nối với hơn 300 trung tâm thương mại thế giới từ hơn 100 quốc gia, đồng thời phát triển các khu phức hợp bất động sản mang thương hiệu mạnh. Dư án trọng điểm của WTC BDNC đã làm tốt vai trò cửa ngõ giao thương quốc tế, thúc đẩy TM-DV của tỉnh Bình Dương. (Còn tiếp)
Các doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng, mẫu mã hàng hóa, đồng thời tăng cường các hoạt động quảng bá thương hiệu, nắm bắt những thay đổi về thị hiếu tiêu dùng, đẩy mạnh tiếp thị, xúc tiến thương mại để tăng độ nhận diện, thu hút khách hàng để qua đó giữ thị phần, nâng cao giá trị cạnh tranh đối với thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt cần linh động triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại...”. (Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương) |
TIỂU MY